Chúng ta thường bắt gặp các ký hiệu ®, TM,©, và SM đi kèm với nhãn hiệu, tên sản phẩm,… nhưng không rõ chúng có ý nghĩa gì hay cách sử dụng như thế nào. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc về các ký hiệu ®, TM,©, và SM .

Ký hiệu ® – Registered

Thông thường, khi nhãn hiệu sử dụng ký hiệu ® có nghĩa là nhãn hiệu đó đã được Cơ quan có thẩm quyền cấp bằng bảo hộ. Như vậy, ký hiệu này mang hàm ý thương hiệu, sản phẩm đó đã được bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, ở một vài quốc gia, việc sử dụng ký hiệu ® không được quy định cụ thể, thậm chí có thể sử dụng ký hiệu đó cho thương hiệu chưa được bảo hộ (Canada là một ví dụ điển hình).

Đối với Việt Nam, hành vi sử dụng ký hiệu ® lên thương hiệu, sản phẩm sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể:

Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN:

Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP

1. Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là việc sử dụng thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó tuy đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ, ví dụ:

a) In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ như: “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);

Và Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định:

Điều 6. Vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Chỉ dẫn sai về đối tượng, yếu tố được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
b) Chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
c) Chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc cải chính công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này;
c) Buộc sửa đổi, bổ sung chỉ dẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.”

Như vậy, nếu chưa được cấp bằng bảo hộ mà cá nhân, tổ chức gắn ký hiệu  ® lên sản phẩm, nhãn hiệu của mình có thể bị phạt cảnh các hoặc xử phạt hành chính từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng và buộc loại bỏ ký hiệu ® trên hàng hóa, nhãn hiệu của mình.

Ký hiệu TM – Trademark (nhãn hiệu)

Ký hiệu TM là tên viết tắt của Trademark có nghĩa là nhãn hiệu, mà nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt giữa các sản phẩm, dịch vụ với nhau. Khác với ký hiệu ®, cá nhân, tổ chức có thể sử dụng ký hiệu TM khi chưa đăng ký bảo hộ hoặc chưa được bảo hộ, nhằm khẳng định chủ quyền của mình với nhãn hiệu đó, cảnh bảo bên thứ 3 không nên xâm phạm. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng các cá nhân, tổ chức sẽ được bảo hộ chính thức và nếu có xảy ra tranh chấp sẽ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi.

Ký hiệu SM – Service Mark (nhãn hiệu dịch vụ)

Ký hiệu SM có nghĩa là nhãn hiệu dịch vụ. Một số cá nhân, tổ chức sử dụng ký hiệu SM thay cho ký hiệu TM, tương tự như ký hiệu TM, ký hiệu SM cũng được dùng cho nhãn hiệu chưa đăng ký bảo hộ hoặc chưa được bảo hộ, nhưng ký hiệu SM chỉ dành cho nhãn hiệu dịch vụ chứ không dùng cho nhãn hiệu hàng hóa.

Ký hiệu © – Copyrighted (bản quyền)

Ký hiệu © là ký hiệu của từ Copyrighted có nghĩa là bản quyền. Đây là ký hiệu để thông báo rằng tác phẩm đó đã được bảo hộ độc quyền, nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng sản phẩm, dịch vụ hay ý tưởng nào mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu. Quyền tác giả sẽ được xác lập ngay khi tác phẩm đó được hoàn thành dưới một dạng vật chất nhất định và tất cả các quyền lợi hợp pháp sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ.

Tuy nhiên, đúng với nghĩa đen của từ Copyrighted (right to copy) nghĩa là sao chép y nguyên, cơ quan có thẩm quyền chỉ bảo hộ quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu khi tác phẩm đó bị sao chép giống hệt nhau hoặc tương tự 80 – 90%.

Hoàng Lan

©Monday VietNam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi
DMCA.com Protection Status