Chiếc Áo dài đã trở thành một biểu tượng của phụ nữ Việt, là một phần tâm hồn Việt Nam. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các kiểu dáng thiết kế, phương pháp chế tạo, uy tín thương hiệu, cũng như gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của chiếc áo dài.
Ngày nay, áo dài theo chân phụ nữ Việt Nam đi năm châu bốn biển, được cách tân liên tục bằng các thiết kế hiện đại, phá cách của các nhà thiết kế trẻ người Việt, được bổ sung bằng rất nhiều họa tiết thổ cẩm sinh động của các tộc người khác nhau trên dải đất hình chữ S này. Cũng từ đây, bắt đầu có các tài sản trí tuệ liên quan đến áo dài. Điều đó giúp mang lại các “tấm căn cước văn hóa” cho cách thiết kế, sáng tạo về kiểu dáng áo dài của mỗi nhà thiết kế, ở mỗi địa phương khác nhau như kiểu dáng công nghiệp của áo dài Vietnamairlines do nhà thiết kế Minh Hạnh là tác giả, đã được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với số bằng VN 3-0022091 và VN 3-0022092.
Kiểu dáng Áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh (Nguồn: iplib.noip.gov.vn)
Cũng chính vì không đơn giản chỉ là một loại trang phục thông thường, đã được tôn vinh trong một thời gian dài gắn liền với nữ tính Việt, với tâm hồn Việt như thế cho nên những tranh cãi liên quan tới quyền sở hữu áo dài như một “quốc phục”, cách mặc áo dài cho đúng truyền thống văn hóa người Việt luôn trở thành tâm điểm dư luận.
Có thể thấy rõ ràng qua hai vụ “lùm xùm” gần đây nhất trong năm 2019: dư luận người Việt nổi sóng vì cảm thấy bị sỉ nhục, bị coi thường khi cô ca sĩ người Mỹ Kacey Musgraves nổi tiếng mặc áo dài không quần phản cảm; giận dữ khi thương hiệu thiết kế Ne Tiger của Trung Quốc đã “cố tình vay mượn, đạo nhái” thiết kế áo dài của một số nhà thiết kế Việt nhưng tự nhận là “phong cách Trung Quốc”. Tuy nhiên, hầu hết các tranh luận kiểu này sẽ chỉ dừng lại ở dư luận mạng xã hội hoặc báo chí mà khó lòng tiến đến các tranh luận pháp lý và bác bỏ hành vi “ăn cắp văn hóa”, bởi vì chính phía các nhà thiết kế Việt cũng phải chứng minh được cơ sở pháp lý của các thiết kế của mình.
Kiểu dáng Áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh (Nguồn: iplib.noip.gov.vn)
Hai sự việc này cũng như nhiều tranh cãi trước đây cho thấy, tấm áo dài không thể chỉ gắn với một truyền thống văn hóa chung chung, mà cần phải có sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nó. Các nhà sản xuất, công ty thời trang, nhà thiết kế, các vùng sản xuất (từ nguyên vật liệu làm nên áo dài cho tới cắt may)… đăng ký sở hữu trí tuệ thì sẽ có cơ sở để bảo vệ tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo của từng cá nhân hay cộng đồng. Việt Nam có một nền văn hóa đa dạng, với nhiều vùng miền, nhiều tộc người, cho nên việc sử dụng các hoa văn, kiểu dáng truyền thống để đưa vào áo dài cũng cần được tính đến vấn đề “bản quyền” và “quyền văn hóa” để tránh các tranh cãi.
Trích nguồn tin: /noip.gov.vn