Tranh chấp quyền tác giả khá phổ biến tại Việt Nam và xảy ra hầu hết ở các lĩnh vực như nhiếp ảnh, báo chí, biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh, phần mềm máy tính,… Bên cạnh những cơ hội mà công nghệ số đem lại, nó cũng chính là thách thức lớn đối với tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trong việc chống lại các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt hơn nữa, những tranh chấp này thường diễn biến khá phức tạp khi mà các bên không tìm được tiếng nói chung trong cơ chế giải quyết.

Hiện nay có rất nhiều tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan như: Tranh chấp giữa các cá nhân, tổ chức nhằm xác định tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; tranh chấp giữa tác giả, đồng tác giả không phải là chủ sở hữu tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm về các quyền nhân thân, quyền tài sản của các chủ thể này; tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sử dụng tác phẩm;… Thông thường mọi người hay biết đến hoặc sử dụng cụm từ xâm phạm bản quyền hơn.  

Những vụ tranh chấp bản quyền tốn nhiều giấy mực của truyền thông có thể kể đến như bộ phim chiếu rạp “Lật mặt 4: Nhà có khách” do vợ chồng Lý Hải – Minh Hà sản xuất có sử dụng ca khúc “Gánh mẹ” do Quách Beem thể hiện. Sau khi bộ phim được khởi chiếu, ông Trương Minh Nhật cho biết đã khởi kiện công ty Lý Hải Production và ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem đến TAND TP.HCM về việc sử dụng trái phép bài thơ “Gánh mẹ” của mình trong bài hát cùng tên mà không có sự cho phép của ông. Mặc dù Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện của ông Nhật nhưng vụ lùm xùm này vẫn chưa có hồi kết.

Một ví dụ khác vào tháng 9/2019, ca sĩ Noo Phước Thịnh lên tiếng tố ê kíp phim điện ảnh “Ngôi nhà bươm bướm” sử dụng ca khúc “Mãi mãi bên nhau” của anh làm nhạc phim nhưng không xin phép. Khi nhận phản ánh của phía Noo Phước Thịnh, ê-kíp đoàn phim “Ngôi nhà bươm bướm” đã có phản hồi với báo chí về vụ việc. Theo đó, phía sản xuất phim thừa nhận sai sót trong quá trình sản xuất, đồng thời gửi lời xin lỗi chính thức đến ê-kíp sản xuất bản thu ca khúc “Mãi mãi bên nhau” gồm nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh. 

Pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trao cho tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan các quyền tự bảo vệ trước các hành vi xâm phạm bản quyền của mình bằng cách lựa chọn nhiều biện pháp khác nhau như dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong đó, biện pháp mà chủ thể có thể tự mình thực hiện được là các biện pháp dân sự.

Thông qua toà án, chủ thể có quyền có thể yêu cầu toà án áp dụng những biện pháp dân sự sau đối với người vi phạm. Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009, 2019) quy định tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
  • Buộc bồi thường thiệt hại.
  • Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền tác giả trong luật sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay việc khởi kiện về tranh chấp bản quyền ít được thực hiện. Lý do của vấn đề này là có thể là do việc thực hiện khởi kiện tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc chứng minh thiệt hại cũng là một điều khó khăn. Do đó, đăng ký bảo hộ quyền tác giả chính là cách tốt nhất để chủ sở hữu có thể bảo vệ tác phẩm của mình – vừa có thể xác nhận được quyền sở hữu, bảo hộ bản quyền tác giả đối với tác phẩm còn chính là bằng chứng vững chắc nhất để xử lý các hành vi xâm phạm.

Các trường hợp xâm phạm quyền tác giả

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi