Giải đáp các câu hỏi về Luật Doanh nghiệp 2020 là một chủ đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm của những ai muốn tìm hiểu về các quy định của pháp luật hiện hành đối với các vấn đề của doanh nghiệp. Để có thể tiếp cận, hiểu hơn về nội dung các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 đối với một số vấn đề quan trọng và rất thường gặp ở doanh nghiệp, Monday VietNam mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết tổng hợp dưới đây:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

“Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”.

Đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

  • Có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Tuy nhiên, khác với doanh nghiệp tư nhân, sẽ có sự tách bạch giữa tài sản công ty và tài sản của chủ sở hữu.
  • Không được phát hành cổ phiếu, tuy nhiên được phát hành trái phiếu.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN 2020), công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (công ty TNHH 2TV) là một doanh nghiệp:

  • Có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Tức là số lượng thành viên tối thiểu là 02 và số lượng thành viên tối đa là 50, thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
  • Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ khác của doanh nhiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Loại hình doanh nghiệp này giới hạn trách nhiệm của các thành viên công ty trong phạm vi số vốn đã góp nên được gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn.
  • Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định có liên quan về mua lại phần vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp hoặc xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định pháp luật doanh nghiệp hiện hành.
  • Công ty TNHH 2TV có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Công ty TNHH 2TV không được phát hành cổ phần nhưng được phép phát hành trái phiếu.
3. Công ty Cổ phần là gì?

Công ty Cổ phần là một trong những loại hình công ty phổ biến hiện nay và có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần, đây là cũng là đơn vị vốn đặc trưng của loại hình doanh nghiệp này.

Cổ đông của công ty Cổ phần có thể là tổ chức, cá nhân và Luật Doanh nghiệp 2020 quy định mỗi công ty Cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông, không hạn chế số lượng tối đa.

Về chế độ chịu trách nhiệm, cũng giống như công ty TNHH, công ty Cổ phần chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác bằng tài sản riêng của công ty. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông của công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn mà họ góp (số cổ phần họ sở hữu tại công ty Cổ phần).

Dịch vụ thành lập Công ty Cổ phần

4. Hiểu thế nào về “Tập đoàn công ty”?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2020, Tập đoàn công ty (hay còn gọi là Tập đoàn kinh tế), tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế, là nhóm các công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Theo đó, tại khoản 2 Điều này quy định Tập đoàn công ty sẽ gồm có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Mỗi công ty trong tập đoàn đều có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn công ty chỉ là một tên gọi để chỉ một hệ thống liên kết từ hai công ty trở lên để tạo thành hệ thống điều hành – quản lý lớn, trong đó các công ty này gắn bó mật thiết với nhau, đặc biệt là về mặt kinh tế. Vì thế, mặc dù các công ty thành viên trong một Tập đoàn công ty sẽ là các doanh nghiệp độc lập nhưng Tập đoàn Công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

Đọc thêm Tập đoàn Công ty là gì?

5. Vốn điều lệ của công ty là gì?

Vốn điều lệ là một thuật ngữ rất hay được nhắc đến khi nói về doanh nghiệp. Theo đó, Vốn điều lệ chính là tổng giá trị tài sản của công ty do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam. Dù hình thức góp vốn, tài sản góp vốn của các thành viên công ty có thể khác nhau nhưng khi vốn điều lệ sẽ là tổng giá trị của các loại tài sản đó khi quy ra đồng Việt Nam.

Ví dụ: Công ty TNHH M có 3 thành viên, trong đó ông A góp vốn bằng quyền sử dụng 1 mảnh đất (trị giá 2 tỷ đồng), ông B góp 1,1 tỷ đồng, bà C góp vốn bằng 1 chiếc xe ô tô (trị giá 900 triệu đồng). Như vậy, vốn điều lệ sẽ là tổng giá trị tài sản mà ông A, ông B và bà C góp vào và định giá bằng đồng Việt Nam là 4 tỷ đồng.

6. Vốn pháp định là gì?

Ngày nay, khi muốn thành lập các doanh nghiệp, ngoài các vấn đến về pháp lý, các quy trình, hồ sơ đăng ký thì một yếu tố nữa cũng rất được các chủ doanh nghiệp quan tâm, đó là vốn thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu? Để giải quyết câu hỏi này, Pháp luật Việt Nam có quy định về “Vốn pháp định” đối với việc thành lập doanh nghiệp.

Theo cách hiểu đơn giản nhất, “Vốn pháp định” chính là mức vốn “tối thiểu” phải có để có thể thành lập một doanh nghiệp và sẽ do Cơ quan có thẩm quyền ấn định một mức cụ thể. Việc đặt ra vốn pháp định là nhằm đảm bảo khi doanh nghiệp thành lập sẽ có đủ khả năng để thực hiện được dự án trong ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động của mình. Cũng chính vì thế, Vốn pháp định sẽ khác nhau tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, không phải tất cả các ngành nghề kinh doanh đều có quy định về vốn pháp định mà mức vốn này chỉ đặt ra đối với một số ngành nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động tài chính, tiền tệ của quốc gia như Chứng khoán, Bảo hiểm, kinh doanh Vàng, kinh doanh Tiền tệ và kinh doanh Bất động sản. Để hiểu rõ hơn về vốn pháp định cụ thể cần cho việc thành lập doanh nghiệp, bạn cần liên hệ với các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý có uy tín để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

7. Khi nào cổ đông của công ty Cổ phần được chia cổ tức?

Công ty cổ phần sẽ chia cổ tức cho các cổ đông khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
  • Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
  • Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Nghĩa là, lợi nhuận của công ty Cổ phần có được cần phải sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ theo thứ tự ưu tiên mà pháp luật quy định (đóng thuế, thanh toán các khoản nợ,….). Sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ theo thứ tự ưu tiên thì phần lợi nhuận còn lại sẽ được chia cho các cổ đông của công ty theo tỷ lệ cổ phần mà cổ đông sỡ hữu. Đây chính là lúc mà các cổ đông công ty được chia cổ tức. Tùy vào tình hình hoạt động và lợi nhuận công ty có được trong từng giai đoạn mà cổ đông công ty sẽ được hưởng mức cổ tức ít hay nhiều.

8. Doanh nghiệp tự quản lý con dấu theo Luật mới như thế nào?

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa doanh nghiệp sẽ được toàn quyền quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có quyền quyết định về nội dung của dấu mình sử dụng mà không chịu ràng buộc bởi quy định pháp luật.

So sánh với Luật Doanh nghiệp 2014, đây là sự thay đổi đáng kể vì luật cũ quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin cơ bản như Tên doanh nghiệp và Mã số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luật cũ cũng không có quy định cụ thể nào về việc quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

9. Có thể góp vốn bằng những loại tài sản nào?

Góp vốn vào một công ty được hiểu là việc một cá nhân hay một tổ chức dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để góp vào nguồn vốn điều lệ của công ty, khi đó, tài sản mà cá nhân, tổ chức đã góp sẽ được gọi là tài sản góp vốn. Tuy nhiên, không phải mọi loại tài sản đều có thể làm tài sản góp vốn. Vậy làm sao để biết những loại tài sản nào có thể trở thành tài sản góp vốn?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn sẽ được liệt kê theo các nhóm sau:

  • Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng;
  • Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật;
  • Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Theo như quy định trên, thì tiêu chí chung của tài sản có thể mang đi góp vốn là tài sản “có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Đối với các tài sản không phải là Đồng Việt Nam sẽ được tiến hành việc định giá tài sản và thể hiện thành Đồng Việt Nam. Tùy loại hình công ty là công ty TNHH, công ty Cổ phần hay công ty Hợp danh mà việc định giá tài sản góp vốn sẽ do thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá.

10. Chữ ký số là gì? Làm sao để mua được chữ ký số?

Chữ ký số (hay còn được gọi là Token USB) là loại chữ ký điện tử được các doanh nghiệp sử dụng có giá trị như chữ ký bằng tay, được sử dụng trên các văn bản, tài liệu số trong các giao dịch điện tử hay qua mạng internet.

Để có được chữ ký số, Doanh nghiệp cần và nên mua chữ ký số từ các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Hiện nay, có 15 đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, cụ thể:

  • Công ty Cổ phần Công nghệ Tin học EFY Việt Nam (EFY-CA)
  • Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (VIETTEL-CA)
  • Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT-CA)
  • Công ty cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT-CA)
  • Công ty cổ phần Công nghệ thẻ Nacencomm (CA2)
  • Công ty cổ phần BKAV (BKAV-CA)
  • Công ty Cổ phần Chữ ký số ViNa (Smartsign)
  • Công ty Cổ phần MISA (MISA-CA)
  • Công ty Cổ phần Viễn thông New-Telecom (NEWTEL-CA)
  • Công ty Cổ phần Chứng số an toàn (SAFE-CA)
  • Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS (TrustCA)
  • Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC-CA)
11. Cơ cấu tổ chức của công ty Cổ phần theo luật mới như thế nào?

Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

  • Mô hình 1:

Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

  • Mô hình 2:

Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.

12. Sổ đăng ký thành viên có bắt buộc làm không?

Sổ đăng ký thành viên công ty TNHH là văn bản ghi nhận việc góp vốn của các thành viên vào công ty, bên cạnh Giấy chứng nhận phần vốn góp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2020, đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải tiến hành lập sổ đăng ký thành viên để ghi nhận và lưu giữ thông tin của các thành viên góp vốn của công ty. Nghĩa là, Sổ đăng ký thành viên bắt buộc phải được lập và được lưu trữ tại trụ sở chính của công ty.

Trường hợp công ty sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không lập sổ đăng ký thành viên thì được xem là hành vi vi phạm liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Do đó, các doanh nghiệp là loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên cần phải lưu ý tiến hành lập sổ đăng ký thành viên theo đúng quy định sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để tránh rơi vào trường hợp vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính như nêu trên.

13. Sổ đăng ký cổ đông có bắt buộc phải lập không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: “Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản giấy, tập dữ liệu điện tử ghi nhận thông tin về sở hữu cổ phần của các cổ đông công ty.

Như vậy, cũng giống như loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần cũng bắt buộc phải lập sổ đăng ký cổ đông để ghi nhận thông tin các cổ đông của công ty và lưu trữ tại trụ sở của công ty. Trường hợp nếu không lập sổ đăng ký cổ đông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 15 triệu đồng theo Khoản 2 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

14. Chủ sở hữu công ty có những quyền gì?

Theo điểm b khoản 3 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nói cách khác, Chủ sở hữu công ty là tên gọi đặc trưng của loại hình công ty TNHH một thành viên, vì chỉ có một cá nhân hoặc một tổ chức sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty. Tùy vào chủ sở hữu công ty là cá nhân hay tổ chức mà quyền của chủ sở hữu công ty sẽ khác nhau.

  • Quyền của chủ sở hữu công ty là tổ chức:
  1. Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  2. Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
  3. Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty;
  4. Quyết định dự án đầu tư phát triển;
  5. Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
  6. Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
  7. Thông qua báo cáo tài chính của công ty;
  8. Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
  9. Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;
  10. Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;
  11. Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
  12. Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
  13. Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
  14. Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
  • Quyền của Chủ sở hữu công ty là cá nhân:
  1. Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  2. Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
  3. Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
  4. Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
  5. Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;

Ngoài ra Chủ sở hữu công ty là cá nhân còn có quyền quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Dịch vụ thành lập Công ty TNHH một thành viên

15. Giấy chứng nhận phần vốn góp là gì?

Đối với loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn (Công ty TNHH) và Công ty Hợp danh, góp vốn là một hình thức mà trong đó các cá nhân, tổ chức sẽ góp phần tài sản thuộc sở hữu của mình theo một tỷ lệ nhất định vào khối vốn điều lệ của công ty. Nếu việc góp vốn của các cá nhân, tổ chức này đảm bảo đúng quy định của pháp luật về loại tài sản góp vốn và thời hạn góp vốn thì khi đó, cá nhân, tổ chức sẽ được Công ty TNHH hoặc Công ty Hợp danh cấp một loại giấy tờ để xác nhận việc góp vốn của mình, đó chính là Giấy chứng nhận phần vốn góp.

Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì Giấy chứng nhận phần vốn góp chính là một loại giấy tờ có giá trị pháp lý, xác nhận tư cách thành viên góp vốn của một cá nhân, tổ chức tại Công ty TNHH hoặc Công ty Hợp danh.

16. Giấy chứng nhận góp vốn ghi những nội dung gì?

Nội dung Giấy chứng nhận phần vốn góp (sau đây gọi tắt là GCN phần vốn góp) của Công ty TNHH và Công ty Hợp danh được quy định lần lượt tại khoản 6 Điều 47 và khoản 4 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, các nội dung chung và nội dung riêng biệt cần có trong GCN phần vốn góp của Công ty TNHH và Công ty Hợp danh gồm:

Thứ nhất, thông tin của công ty: Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

Thứ hai, thông tin của thành viên góp vốn:

  • Thành viên là cá nhân: Họ tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý (CMND/CCCD/Hộ chiếu);
  • Thành viên là tổ chức: Mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính;
  • Loại thành viên (riêng đối với Công ty Hợp danh);

Thứ ba, thông tin cụ thể về việc góp vốn: giá trị phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp, loại tài sản góp vốn;

Thứ tư, thông tin về thời điểm góp vốn: số và ngày cấp GCN phần vốn góp

Thứ năm, thông tin của chủ thể ký xác nhận vào giấy chứng nhận:

  • Đối với công ty TNHH: Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
  • Đối với Công ty Hợp danh: Họ, tên, chữ ký của thành viên sở hữu GCN phần vốn góp và của các thành viên hợp danh của công ty.
17. Khi nào được cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp?

Luật Doanh nghiệp 2020 đặt ra yêu cầu về Giấy chứng nhận phần vốn góp (sau đây gọi là GCN phần vốn góp) đối với Công ty TNHH và Công ty Hợp danh. Vì mang các tính chất pháp lý khác nhau nên thời điểm cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp của hai loại hình doanh nghiệp này cũng khác nhau, như sau:

  • Đối với Công ty TNHH: GCN phần vốn góp được cấp cho thành viên tại thời điểm thành viên đó góp một số vốn trên thực tế vào công ty (gọi là vốn thực góp) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Đối với Công ty Hợp danh: GCN phần vốn góp được cấp cho thành viên tại thời điểm thành viên đó đảm bảo góp đủ số vốn đã cam kết, tức là thời điểm làm giấy cam kết số vốn sẽ góp chứ không bắt buộc là phải góp vốn thực tế rồi thì mới được cấp.

Xin giải thích thêm, sự khác biệt về thời điểm cấp GCN phần vốn góp giữa Công ty TNHH và Công ty Hợp danh xuất phát từ việc mô hình tổ chức của Công ty Hợp danh mang tính đối nhân, tức là các thành viên hợp danh trong công ty sẽ làm việc dựa trên phẩm chất, uy tín của nhau, tin tưởng lẫn nhau. Do đó, khi làm cam kết về việc góp vốn họ sẽ được cấp GCN phần vốn góp để đánh dấu sự gia nhập của mình vào công ty theo sự tin tưởng của các thành viên công ty.

18. Thành viên góp vốn của công ty TNHH có được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác bên ngoài công ty không?

Thành viên góp vốn của công ty TNHH là tên gọi để chỉ một cá nhân hoặc một tổ chức dùng tài sản của mình để góp vốn trực tiếp vào Công ty TNHH (sau đây gọi chung là Công ty) và trở thành thành viên của Công ty. Đây là một trong những cách thức để trở thành thành viên của Công ty. Tùy vào loại hình công ty TNHH một thành viên hay hai thành viên trở lên mà thành viên Công ty sẽ sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của Công ty.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, tư cách thành viên Công ty được hình thành thông qua: góp vốn trực tiếp vào Công ty, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế phần vốn góp từ thành viên hiện hữu của Công ty,… Có nghĩa là, ngoài hình thức góp vốn trực tiếp thì cá nhân, tổ chức bên ngoài Công ty có thể trở thành thành viên Công ty thông qua việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp, nhận thừa kế, nhận tặng cho phần vốn góp từ thành viên hiện hữu của Công ty.

Vì thế, Thành viên góp vốn của Công ty nếu có nhu cầu thì vẫn có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại Công ty cho người khác. Nhưng cần phải đảm bảo 2 nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, Thành viên hiện hữu của công ty phải được ưu tiên nhận chuyển nhượng. Quy định này xuất phát từ việc bảo đảm tính chất “đóng” trong cơ cấu thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên với mục đích hạn chế sự tham gia ngay lập tức của người bên ngoài vào công ty. Do đó, các thành viên hiện hữu của công ty phải được ưu tiên nhận chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các thành viên. Người chuyển nhượng đưa ra điều kiện bán cho các thành viên phải giống nhau, các điều kiện này không chỉ đơn thuần là giá cả mà là mọi điều kiện.

Thứ hai, trường hợp các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết số vốn cần chuyển nhượng thì thành viên có nhu caafu chuyển nhượng vốn mới được chuyển nhượng phần vốn đó cho một người khác bên ngoài công ty. Nếu hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán, nếu các thành viên không mua hoặc không mua hết mới được chuyển nhượng ra bên ngoài. Điều kiện chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài đòi hỏi phải giống như những điều kiện dành cho các thành viên trong công ty.

Vậy, thành viên góp vốn có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại Công ty cho một người bên ngoài Công ty nếu thoả mãn các điều kiện trên.

© Monday VietNam

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi