Cũng giống như việc đăng ký nhãn hiệu hay sáng chế, để một kiểu dáng công nghiệp (sau đây viết là KDCN) được cấp văn bằng bảo hộ thì đơn đăng ký KDCN phải đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Để xác định khả năng đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ KDCN thì đơn cần trải qua quá trình xem xét, đánh giá được gọi là “Thẩm định đơn”. Quy trình Thẩm định đơn này đòi hỏi cần có một quy chuẩn chung, đó là lý do mà Cục Sở hữu Trí tuệ (sau đây gọi là Cục SHTT) đã ban hành Quy chế thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
1. Vì sao cần tìm hiểu về Quy chế thẩm định đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp?
Trước hết, Quy chế thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (sau đây gọi là Quy chế) chính là bảng hướng dẫn về quy trình, các yếu tố cần thẩm định của KDCN. Quy chế giúp các Thẩm định viên xét nghiệm đơn một cách hệ thống và theo một quy chuẩn chung. Bên cạnh đó, Quy chế còn mang đến cho chúng ta cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết về các khía cạnh, các yếu tố để làm cơ sở đánh giá một KDCN. Do đó, các Chủ đơn cần tìm hiểu về nội dung bảng Quy chế này để tăng khả năng được cấp văn bằng bảo hộ cho KDCN mà mình đăng ký.
>>> Kiểu dáng công nghiệp là gì?
2. Nội dung cần biết về Quy chế thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Sau đây, mời bạn tham khảo nội dung Quy chế mà Monday VietNam đã tóm gọn, gồm có 2 giai đoạn thẩm định:
- Giai đoạn 1: Thẩm định hình thức đơn
- Giai đoạn 2: Thẩm định nội dung đơn
GIAI ĐOẠN I: THẨM ĐỊNH HÌNH THỨC
I. MỤC ĐÍCH THẨM ĐỊNH
Mục đích của việc thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (sau đây gọi là đơn) là kiểm tra xem các tài liệu bắt buộc có trong đơn đã tuân thủ theo quy định về hình thức chưa, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ không.
II. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH (tóm gọn)
BƯỚC 1: Kiểm tra số lượng tài liệu bắt buộc và kiểm tra hình thức trình bày của từng loại tài liệu phải có trong đơn
(1) Kiểm tra các loại tài liệu tối thiểu phải có trong đơn, gồm:
- Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp (có thông tin về tên, địa chỉ của Chủ đơn);
- Bộ ảnh chụp/bản vẽ KDCN;
- Bản mô tả KDCN;
Tùy từng trường hợp, đơn sẽ cần cung cấp thêm một/hoặc các tài liệu dưới đây:
- Giấy ủy quyền (đối với đơn được nộp thông qua người đại diện)
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký của Chủ đơn (nếu chủ đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác)
- Bản sao đơn đầu tiên (nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên)
- Tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm, công bố trong báo cáo khoa học hoặc tài liệu chứng minh việc công bố KDCN ngoài ý muốn của Chủ đơn
- Chứng từ nộp phí lệ phí (nếu nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp vào tài khoản)
(2) Tiến hành kiểm tra hình thức trình bày của từng loại tài liệu
Nếu có các thiếu sót dưới đây, thì đơn được xem là không đạt yêu cầu về hình thức trình bày:
- Ngôn ngữ trình bày trong đơn không phải tiếng Việt (hoặc không được dịch ra tiếng Việt)
- Hình thức trình bày của tài liệu không đảm bảo các yêu cầu chung hoặc yêu cầu riêng của mỗi loại tài liệu
- Tờ khai không được lập theo mẫu bắt buộc sử dụng, thông tin trong tờ khai ghi không đầy đủ;
- Tài liệu viết bằng tay/bằng mực dễ phai mờ/có vết tẩy xóa, sửa chữa làm ảnh hưởng đến độ chính xác của nội dung trong tài liệu
BƯỚC 2: Xác định Chủ đơn, tác giả
Để được xem là “xác định được Chủ đơn, tác giả”, các yếu tố sau đây cần phải đầy đủ:
- Thông tin về tên, địa chỉ của Chủ đơn (địa chỉ phải thống nhất giữa Tờ khai, Giấy ủy quyền và các loại giấy tờ khác)
- Thông tin về tên, địa chỉ/quốc tịch của Tác giả,..
- Chữ ký của Người nộp đơn; Chữ ký và Dấu của tổ chức (nếu người ký là người đại diện cho tổ chức nộp đơn); thông tin trong Dấu và trong Tờ khai phải giống nhau.
BƯỚC 3: Tiến hành đánh giá các yếu tố liên quan đến chủ đơn, tác giả, đối tượng đăng ký
(1) Chủ đơn có quyền đăng ký hợp pháp không?
Chủ đơn có quyền đăng ký hợp pháp khi thuộc 1 trong 3 trường hợp sau:
- Chủ đơn là cá nhân đồng thời chính là Tác giả;
- Chủ đơn là pháp nhân giao cho tác giả nhiệm vụ tạo ra KDCN (thông tin tác giả có trong đơn), nếu không có thỏa thuận gì khác kèm theo;
- Chủ đơn thừa hưởng quyền đăng ký KDCN từ người khác và có tài liệu chứng minh về quyền này (Chứng nhận thừa kế, Chứng nhận hoặc thỏa thuận chuyển nhượng quyền nộp đơn, Hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động,..)
(2) Cách thức nộp đơn đã phù hợp chưa?
Cách thức nộp đơn được coi là “phù hợp” là:
- Đơn được nộp trực tiếp bởi Chủ đơn: Chủ đơn là cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam
- Đơn được nộp thông qua người đại diện hợp pháp tại Việt Nam: người đại diện là Chi nhánh/Văn phòng đại diện (đối với Chủ đơn là pháp nhân) hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (đối với Chủ đơn là cá nhân, pháp nhân).
Nộp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam thì phải đánh giá thêm Giấy ủy quyền hoặc giấy tờ khác chứng minh chức năng được ủy quyền của người đại diện đó.
(3) Sự phù hợp giữa KDCN muốn đăng ký và yêu cầu cấp Bằng độc quyền KDCN
Được coi là phù hợp nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Áp dụng cho 1 sản phẩm cụ thể;
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm phải nhìn thấy và nhận biết được bằng mắt (các hạt nhỏ li ti khó nhìn được bằng mắt nhưng được đóng, ép lại thành khuôn và tạo thành 1 khối có thể nhận biết được thì vẫn được xem là nhìn được bằng mắt)
- KDCN phải sản xuất được bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập (VD: đồ vật, dụng cụ, phương tiện, thiết bị,…có thể tách rời ra khỏi sản phẩm).
(4) Đối tượng đăng ký có được bộc lộ đầy đủ không?
Được xem là “bộc lộ đầy đủ” khi:
- KDCN được áp dụng cho 1 sản phẩm cụ thể;
- Được thể hiện trên một bộ ảnh chụp/bản vẽ đáp ứng theo quy định;
- Được trình bày trong bản mô tả theo quy định;
- KDCN thể hiện trong bộ ảnh chụp/bản vẽ phải giống trong bản mô tả (phải thống nhất).
(5) Quyền ưu tiên
Xác định có “Quyền ưu tiên” của đơn hay không bằng cách tiến hành đánh giá các yếu tố sau:
- Có đánh dấu vào mục “yêu cầu hưởng quyền ưu tiên” trong Tờ khai không
- Cơ sở hưởng quyền ưu tiên có hợp pháp không
- Có bản sao đơn đầu tiên không? Bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của Cơ quan nhận đơn trong thời gian quy định không? Bản dịch tiếng Việt của Bản sao đơn đầu tiên (nếu có yêu cầu)
BƯỚC 4: Xác định các loại thiếu sót trong đơn và hướng xử lý tương ứng
Có 3 nhóm thiếu sót sau:
(1) Thiếu sót nhỏ, không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của đơn (tức là đơn vẫn được chấp nhận hợp lệ) nhưng Người nộp đơn phải khắc phục thiếu sót trong giai đoạn thẩm định nội dung;
(2) Thiếu sót khiến đơn “chưa được chấp nhận hợp lệ” và Người nộp đơn phải khắc phục các thiếu sót đó để đơn được chấp nhận hợp lệ trong giai đoạn thẩm định hình thức đơn;
(3) Thiếu sót khiến đơn “không được chấp nhận hợp lệ”(đơn sẽ bị từ chối, không được xem xét tiếp nữa).
Sau khi Thẩm định viên xác định có thiếu sót trong đơn, sẽ tiến hành đánh giá thiếu sót xem thiếu sót đó thuộc vào nhóm nào và đưa ra hướng xử lý tương ứng với nhóm thiếu sót đó.
BƯỚC 5: Kiểm tra việc đóng phí, lệ phí của Chủ đơn
BƯỚC 6: Xác định ngày nộp đơn, ngày nộp đơn ưu tiên (nếu có)
- Ngày nộp đơn là ngày nhận đơn (ngày được ghi trong dấu nhận đơn do Cục SHTT đóng trên Tờ khai)
- Đối với đơn tách, ngày nộp đơn là ngày ghi trong dấu nhận đơn đóng trên Tờ khai của đơn gốc.
BƯỚC 7: Đưa ra kết luận xem đơn có hợp lệ hay không và Thông báo tương ứng
(1) Các trường hợp ra “Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ”
- TH1: Không có bất kỳ thiếu sót nào trong đơn.
- TH2: Có thiếu sót nhưng thuộc vào loại thiếu sót được phép sửa chữa, bổ sung và Người nộp đơn đã tiến hành sửa chữa trong vòng 2 tháng và đã đạt yêu cầu mà Cục SHTT đưa ra.
- TH3: Có thiếu sót và thiếu sót này thuộc vào trường hợp đơn không được chấp nhận hợp lệ, nhưng Người nộp đơn đã có ý kiến phản đối về kết luận “không chấp nhận hợp lệ” một cách xác đáng, thuyết phục (tức là trình bày quan điểm, đưa ra dẫn chứng, giải thích để chứng minh tính hợp lệ của các yếu tố bị cho là không hợp lệ).
(2) Các trường hợp ra “Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ”
- TH1: Đơn có thiếu sót thuộc trường hợp “chưa được chấp nhận hợp lệ” (Cục SHTT ra Thông báo dự định từ chối đơn hợp lệ và yêu cầu sửa chữa, bổ sung thiếu sót) nhưng người Nộp đơn không chỉnh sửa, bổ sung hoặc đã làm nhưng không đạt yêu cầu.
- TH2: Đơn thuộc trường hợp “không được chấp nhận hợp lệ” và Người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối về kết luận trên nhưng không xác đáng, không thuyết phục.
GIAI ĐOẠN II: THẨM ĐỊNH NỘI DUNG
I. MỤC ĐÍCH:
Kiểm tra xem đối tượng được nêu trong đơn có đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật SHTT hay không
II. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH NỘI DUNG:
BƯỚC 1: Kiểm tra nội dung các tài liệu thể hiện bản chất của đối tượng nêu trong đơn;
BƯỚC 2: Phân tích bản chất của đối tượng nêu trong đơn;
(1) Kiểm tra lại tên KDCN và lĩnh vực sử dụng KDCN, từ đó xác định chỉ số phân loaị KDCN nêu trong đơn;
(2) Xác định bản chất của KDCN: thông qua bộ hình chụp/bản vẽ và bản mô tả để biết về đặc điểm tạo hình của KDCN, đặc điểm phân biệt giữa KDCN nêu trong đơn và các KDCN khác.
BƯỚC 3: Xác định đối tượng nêu trong đơn có phải đối tượng phù hợp để cấp văn bằng bảo hộ KDCN không
Các trường hợp bị xem là đối tượng không phù hợp để được cấp văn bằng bảo hộ KDCN gồm:
(1) Hình dáng bên ngoài của sản phẩm là do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có chứ không phải do sáng tạo mà có (trừ khi hình dáng bên ngoài của sản phẩm mang nhiều hình dạng khác nhau và vẫn đảm bảo được đặc tính kỹ thuật).
(2) Hình dáng bên ngoài là công trình xây dựng không thể bị dịch chuyển được bằng phương pháp và phương tiện thông thường (trừ khi có thể dịch chuyển, sử dụng độc lập hoặc có thể lắp ráp thành cửa hàng, ki-ôt, nhà lưu động,.. và tháo ra được).
(3) Hình dáng của sản phẩm mang KDCN không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng. VD: nằm bên trong sản phẩm và bị che lắp bởi phần bên ngoài của sản phẩm, chỉ có thể thấy khi tháo gỡ sản phẩm ra.
(4) Các kiểu dáng mang tính trái đạo đức xã hội, ảnh hưởng an ninh trật tự công cộng, vi phạm pháp luật; mang hình lãnh tụ Việt Nam hoặc nước ngoài, biểu tượng của các quốc gia, cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc gia và quốc tế mà không được Cơ quan có thẩm quyền cho phép.
BƯỚC 4: Yêu cầu sửa chửa thiếu sót, giải thích nội dung đơn (nếu có) và ra quyết định thẩm định tiếp tục hay chấm dứt thẩm định nội dung đơn
(1) Đơn có thiếu sót về hình thức, có nội dung cần giải thích lại thì Cục SHTT ra Thông báo yêu cầu Người nộp đơn khắc phục trong vòng 02 tháng.
Sau thời hạn này, cần xét 2 trường sau đây để đưa ra quyết định tiếp tục hay chấm dứt thẩm định đơn:
- TH1: Người nộp đơn đã khắc phục thiếu sót/giải thích nội dung/có ý kiến phản đối Thông báo một cách xác đáng, đạt yêu cầu thì Cục SHTT sẽ tiếp tục thẩm định đơn.
- TH2: Người nộp đơn không khắc phục thiếu sót/giải thích nội dung/có ý kiến hoặc đã có làm nhưng không xác đáng thì Cục SHTT ra Quyết định chấm dứt thẩm định nội dung đơn.
(2) Trường hợp Người nộp đơn yêu cầu chấm dứt thẩm định nội dung/có tuyên bố rút đơn/từ bỏ đơn thì Cục SHTT ra Quyết định chấm dứt thẩm định nội dung đơn trước thời hạn.
BƯỚC 5: Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp
KDCN được xem là có Khả năng áp dụng công nghiệp nếu đáp ứng cả điều kiện sau:
- ĐK1: KDCN có khả năng làm mẫu để đem ra chế tạo hàng loạt (lặp đi lặp lại) thành các sản phẩm mang kiểu dáng y hệt nó, bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
VD: chiếc xe máy Wave RSX của hãng Honda có kiểu dáng riêng của nó và kiểu dáng này có khả năng áp dụng công nghiệp vì nhà sản xuất đã có thể sản xuất ra hàng loạt các xe máy y hệt kiểu dáng này, mang nhãn hiệu Wave RSX.
- ĐK2: Hình dáng của KDCN khi tạo thành sản phẩm phải cố định (ở dạng rắn), không dễ bị biến dạng ở môi trường thông thường.
VD: kiểu dáng của chiếc xe Wave RSX khi tạo thành một chiếc xe hoàn chỉnh thì phải bộc lộ rõ nó có hình dạng: vuông tròn, lòi lõm, góc cạnh một cách rõ ràng và phải cố định ở kiểu dáng như vậy chứ không được biến dạng và mất đi hình dáng ban đầu ở điều kiện môi trường bình thường.
Lưu ý: Một số trường hợp khác mà Thẩm định viên xét thấy có yếu tố làm cho KDCN không đáp ứng được 2 điều kiện trên thì vẫn có thể kết luận là KDCN nêu trong đơn không có khả năng áp dụng công nghiệp.
BƯỚC 6: Tra cứu thông tin KDCN
Tra cứu thông tin nhằm xác định thử xem có KDCN nào trùng lặp hoặc tương tự hoặc có liên quan tới KDCN nêu trong đơn hay không, bằng cách xét các yếu tố sau:
- Có đơn đăng ký KDCN nào có ngày nộp đơn sớm hơn, hoặc ngày ưu tiên hoặc đã được tiếp nhận và được công bố sớm hơn không.
- Có đơn đăng ký KDCN đã được cấp văn bằng và công bố trong vòng 25 năm (thông tin này nằm trong kho lưu trữ của Cục SHTT).
- Các thông tin có liên quan được thu thập bằng nhiều nguồn khác miễn là làm rõ được vấn đề.
BƯỚC 7: Tìm KDCN đối chứng của KDCN nêu trong đơn
Khi Thẩm định viên tra cứu thông tin và tìm được các KDCN đã đăng ký trước đó có các đặc điểm được cho là tương tự với KDCN nêu trong đơn. Khi đó, Thẩm định viên cần tiến hành các bước chuyên môn để đánh giá các đặc điểm, các yếu tố trùng hoặc tương tự này giữa KDCN nêu trong đơn và KDCN tìm được và đưa ra kết luận sự trùng hoặc tương tự đó có phải là sự trùng và tương tự làm cho KDCN nêu trong đơn có khả năng không đủ điều kiện bảo hộ hay không.
Hiểu thế nào về Kiểu dáng công nghiệp đối chứng?
Nếu một KDCN đã được bảo hộ, mà KDCN nêu trong đơn có các đặc điểm tương tự hoặc trùng với nó thì KDCN đã được bảo hộ đó được gọi là KDCN “đối chứng” của KDCN nêu trong đơn.
BƯỚC 8: Cập nhật các thông tin Tra cứu được trên hệ thống IPAS
Các thông tin tra cứu, so sánh và đánh giá được sẽ cập nhật trên hệ thống IPAS một cách công khai (gọi là công bố thông tin), các tổ chức, cá nhân khác có thể truy cập để xem thông tin.
BƯỚC 9: Ghi nhận và Xử lý ý kiến phản đối cấp văn bằng bảo hộ KDCN của Người thứ 3
- Ghi nhận: Kể từ ngày đơn đăng ký KDCN được công bố đến trước ngày ra Quyết định cấp văn bằng bảo hộ KDCN, Người thứ 3 (tổ chức, cá nhân khác không phải là Chủ đơn) có quyền nộp đơn để đưa ra ý kiến phản đối về việc cấp văn bằng bảo hộ KDCN của Chủ đơn.
- Xử lý: Tùy vào việc ý kiến phản đối của Người thứ 3 có cơ sở hay không mà Cục SHTT sẽ yêu cầu Người nộp đơn phản hồi hoặc sẽ từ chối ý kiến của Người thứ 3 hoặc chuyển qua Tòa án để giải quyết.
BƯỚC 10: Đánh giá sự khác biệt của KDCN so với các KDCN đối chứng tìm được (nếu có), từ đó đưa ra kết luận về “tính mới” của KDCN nêu trong đơn
Nếu có cơ sở kết luận KDCN đối chứng tìm được và KDCN nêu trong đơn là “trùng lặp” thì KDCN nêu trong đơn được coi là không có tính mới.
BƯỚC 11: Đánh giá tính sáng tạo của KDCN và đưa ra kết luận KDCN có tính sáng tạo hay không
Đánh giá tính sáng tạo thông qua các tiêu chí sau:
- Xét khả năng hiểu về KDCN của người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực mà KDCN đang áp dụng. Tức là KDCN nêu trong đơn không thể dễ dàng được tạo ra từ những người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực đó.
VD: những thợ kim khí có hiểu biết ở múc trung bình trong lĩnh vực chế tác đồng hồ đeo tay sẽ không thể dễ dàng tạo ra một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Calvin Klein.
- KDCN được coi là “không có tính sáng tạo” nếu chỉ là hình mô phỏng các sản phẩm đã có, đã nổi tiếng, các hình ảnh, kiểu dáng thông thường, sao chép từ cái khác…
BƯỚC 12: Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên của KDCN nêu trong đơn
BƯỚC 13: Đánh giá tính thống nhất của đơn
- Đối với KDCN có nhiều phương án thì KDCN theo các phương án nêu trong đơn có cùng một tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản hay không hoặc;
- Đối với KDCN áp dụng cho 1 bộ sản phẩm thì từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó có được tạo dáng theo cùng 1 ý tưởng sáng tạo hay không.
Tóm lại, nếu có cùng tập hợp/có cùng ý tưởng sáng tạo thì được coi là “có tính thống nhất”.
BƯỚC 14: Kết luận về khả năng bảo hộ của KDCN nêu trong đơn
(1) Trường hợp không đáp ứng điều kiện bảo hộ KDCN
KDCN không đáp ứng điều kiện bảo hộ (do thiếu tính mới/tính sáng tạo/khả năng áp dụng công nghiệp). Khi đó:
Cục SHTT ra Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ (kèm theo lý do không đáp ứng điều kiện bảo hộ) và Người nộp đơn sẽ có thời hạn 02 tháng để đưa ra ý kiến phản hồi.
Hướng xử lý đối với việc phản hồi ý kiến:
TH1: Ý kiến phản hồi không xác đáng (không thuyết phục, không có cơ sở) thì Cục SHTT ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
TH2: Ý kiến phản hồi xác đáng (có cơ sở, thuyết phục) thì Cục SHTT ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ.
(2) Trường hợp đáp ứng điều kiện bảo hộ
Tức là KDCN nêu trong đơn đảm bảo tính mới, tính sáng tạo, tính áp dụng công nghiệp của KDCN thì Cục SHTT ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ.
Sau khi hoàn thành các bước cuối cùng như đóng phí/lệ phí thì KDCN nêu trong đơn sẽ được cấp văn bằng bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp.
@Monday VietNam
>>> Xem thêm: Quy chế thẩm định đơn đăng ký Sáng chế
>>> Xem thêm: Quy chế thẩm định đơn dăng ký Nhãn hiệu