Núi Dành xưa kia còn có tên gọi là Chung Sơn thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, gắn liền với sản phẩm sâm nam hay còn gọi là “sâm tiến vua”, cát sâm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đây là sâm quý, có nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên hiện đang được sách Đỏ Việt Nam (2007) xếp ở mức độ sẽ bị nguy cấp, cần được bảo tồn, phát triển.
Sâm nam núi Dành từ 4 – 7 năm tuổi có chiều dài 33,47 – 39,15 cm; đường kính: 1,66 – 2,34 cm; khối lượng: 90,18 – 112,06 g. Các đặc thù về mặt chất lượng của sản phẩm bao gồm: hàm lượng Flavonoid: 1,89 – 1,98 %; hàm lượng Polysaccaride: 31,81 – 36,35 %; hàm lượng Saponin: 1,00 – 1,85 %; hàm lượng Daucosterol: 1,85 – 2,65 mg/g. Sâm nam núi Dành trên 7 năm tuổi có chiều dài: 40,17 – 42,55 cm; đường kính: 2,58 – 3,06 cm; khối lượng: 126,52 – 140,81 g. Các đặc thù về mặt chất lượng của sản phẩm bao gồm: hàm lượng Flavonoid: 2,03 – 2,21 %; hàm lượng Polysaccaride: 37,44 – 40,14 %; hàm lượng Saponin: 3,12 – 3,38 %; hàm lượng Daucosterol: 1,30 – 1,42 mg/g.
Khu vực địa lý thuộc núi Dành, nằm độc lập giữa vùng đồng bằng, có độ cao từ 10 – 80 m, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 24,9 – 26,5oC, tổng lượng mưa trung bình năm từ 1400 – 1700 mm, độ ẩm không khí trung bình đạt 82,5 %, lượng bốc hơi trung bình năm từ 800 – 850 mm. Biên độ nhiệt ngày đêm tại khu vực địa lý vào tháng 9, tháng 10 dương lịch (thời kỳ cây ra hoa, tạo hạt) từ 5 – 7oC. Đất tại khu vực địa lý được hình thành từ hệ tầng Vân Lãng, có tầng đất dày trên 50 cm, tơi xốp, độ xốp đất tầng mặt từ 50 – 51 %, giàu hợp chất hữu cơ và chất vi lượng.
Sâm nam được trồng bằng cách uốn vít cành bánh tẻ vào các túi bầu, bón phân chủ yếu bằng phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. Củ được thu hoạch khi đạt tuổi trên 4 năm.
Ngày 02 tháng 8 năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sâm nam núi Dành. Ủy ban nhân dân huyện Tân Yên là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Nguồn: Ipvietnam