Phân biệt Nhãn Hiệu và Thương Hiệu thông qua khái niệm

Thương hiệu và nhãn hiệu là hai khái niệm thường bị sử dụng lẫn lộn do người nói, người viết, người nghe chưa nắm hết được nội hàm của chúng. Thật ra bản chất của hai khái niệm này không giống nhau.

Thương hiệu 

Thương hiệu (Brands) theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.

Nhãn hiệu 

Nhãn hiệu (Trademarks) theo định nghĩa tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Một nhà sản xuất có một thương hiệu nhưng có thể có nhiều nhãn hiệu, ví dụ: Thương hiệu P&G có các nhãn hiệu:

Hiểu một cách tổng quát, nhãn hiệu là dấu hiệu đi kèm với sản phẩm để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác; trong khi đó, thương hiệu là tổng hợp tất cả các yếu tố tạo nên danh tiếng cho một sản phẩm hoặc doanh nghiệp.

Như vậy, nhãn hiệu chỉ là một yếu tố cấu thành của thương hiệu, hình thành nhãn hiệu là một trong những bước đệm đầu tiên để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Hetyma là nhãn hiệu được MondayVietnam đăng ký bảo hộ thành công trong lĩnh vực thực phẩm sức khỏe

Phân biệt Thương hiệu và Nhãn hiệu một cách chi tiết qua các tiêu chí sau:

Thứ nhất, về tính hữu hình của nhãn hiệu và thương hiệu

Nhãn hiệu là những dấu hiệu nhận biết được bằng các giác quan thường là thị giác, đó có thể là chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Luật một số nước, như Hoa Kỳ, còn công nhận nhãn hiệu bằng mùi hương.

Thương hiệu thì khác, nó không hữu hình hay dễ nhận biết như nhãn hiệu. Khi nói: “Sản phẩm này có thương hiệu rồi”, người ta sẽ liên tưởng đến những yếu tố tạo nên danh tiếng cho sản phẩm đó, bao gồm cả hữu hình lẫn vô hình, như kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, định hình nhãn hiệu của sản phẩm, giá cả, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng, cảm nhận của khách hàng…

Thứ hai, về cách tiếp cận, bảo hộ nhãn hiệu và thương hiệu

Nhãn hiệu là thuật ngữ được sử dụng trong luật và là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng) và sau khi đăng ký và cấp giấy chứng nhận, nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ.

Thương hiệu không phải đối tượng điều chỉnh của luật và không được pháp luật bảo hộ. Chủ thể tạo ra thương hiệu cho một sản phẩm không phải người tạo ra sản phẩm đó, cũng không phải là cơ quan nhà nước mà chính là người tiêu dùng thông qua quá trình họ sử dụng và đánh giá sản phẩm. Thái độ và cảm nhận tích cực của một lượng đủ lớn người tiêu dùng đối với sản phẩm tạo nên thương hiệu cho sản phẩm đó.

Thứ ba, về giá trị của nhãn hiệu và thương hiệu

Nhãn hiệu sau khi thực hiện thủ tục đăng ký và được Cơ quan sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ thì sẽ trở thành tài sản và có thể được định giá tương tự các loại tài sản khác.

Thương hiệu thì không thể được định giá một cách dễ dàng bởi nó là thành quả của cả một quá trình. Việc định giá thương hiệu cần được thực hiện bởi một tổ chức dịch vụ định giá thực hiện, và thông thường nó phụ thuộc vào các tiêu chí:

  • Phân khúc thị trường;
  • Phân khúc tài chính;
  • Phân tích nhu cầu;
  • Tiêu chuẩn cạnh tranh;

Người ta có thể bắt chước một nhãn hiệu nổi tiếng nào đó để gắn lên sản phẩm của mình nhưng thương hiệu thì không thể bắt chước hay làm giả được bởi nó bao hàm nhiều yếu tố và được cảm nhận bởi chính mỗi người tiêu dùng.

Thứ tư, về sự hình thành nhãn hiệu và thương hiệu

Nhãn hiệu được hình thành từ sự sáng tạo của các nhân, tổ chức đặt cho sản phẩm/dịch vụ của mình, có khả năng phân biệt với sản phẩm/dịch vụ của người khách và thông qua sự cấp giấy chứng nhận từ Cục sở hữu trí tuệ.

Thương hiệu của doanh nghiệp được hình thành phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Vì để xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp cần xác định được đối tượng khách hàng trọng tâm, xây dựng sứ mệnh thương hiệu, khảo sát thương hiệu trong thị trường, Tạo dựng Logo và Slogan cho thương hiệu, xây dựng thông điệp/nội dung thương hiệu hướng đến khách hàng …

Thứ năm, về tính lâu bền của nhãn hiệu và thương hiệu

Nhãn hiệu có thể thay đổi hoặc không còn tồn tại do thị hiếu hay ý chí của doanh nghiệp; khi sản phẩm mang nhãn hiệu chấm dứt sự tồn tại thì nhãn hiệu sẽ đương nhiên chấm dứt tồn tại.  

Thương hiệu tồn tại phụ thuộc vào tâm trí và đánh giá của người tiêu dùng, sản phẩm có thương hiệu hay không là do đánh giá của người tiêu dùng nên chừng nào cảm nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm còn tích cực thì sản phẩm đó vẫn còn thương hiệu. Do vậy, thương hiệu có thể tồn tại mãi mãi ngay cả khi sản phẩm mang nhãn hiệu không còn tồn tại.

Tóm lại:

Thương hiệu và nhãn hiệu thì có thể xem nhãn hiệu là phần xác còn thương hiệu chính là phần hồn của sản phẩm hay doanh nghiệp. Thương hiệu là giá trị mà doanh nghiệp phải không ngừng xây dựng và duy trì nếu muốn giữ vững được chỗ đứng trên thương trường nhưng điều đó không có nghĩa là nhãn hiệu đối với doanh nghiệp không quan trọng. Tạo dựng nhãn hiệu chính là một trong những bước tiền đề trên con đường xây dựng thương hiệu. Do đó, để hướng đến thành công doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển song song cả nhãn hiệu và thương hiệu.

@ Monday VietNam

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi