Ngày nay, khi xã hội chuyển hóa dần sang nền kinh tế tri thức thì hàm lượng trí tuệ trong hàng hóa và dịch vụ của đời sống ngày càng trở nên nhiều hơn, đa dạng hơn. Chính vì vậy, không chỉ riêng cá nhân, tổ chức quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ mà Nhà nước cũng ra sức xây dựng và thiết lập một hệ thống bảo vệ chặt chẽ. Thông qua các quy định về đăng ký bảo hộ, phạm vi bảo hộ và xử lý vi phạm,…quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu được bảo đảm thực thi bởi Nhà nước.

Trong bài viết dưới đây, Monday VietNam sẽ làm rõ các quy định liên quan đến xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Trước hết cần hiểu rằng quyền sở hữu trí tuệ là gì? Khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Có thể nhận thấy rằng bản chất của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là đảm bảo quyền lợi của chủ thể sáng tạo từ việc khai thác tối đa giá trị kinh tế của các sản phẩm để bù đắp công sức lao động, đến việc ngăn chặn, xử lý hành vi người khác đánh cắp thành quả lao động của chủ sở hữu để thu lợi nhuận không chính đáng. Vậy đối với những trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do pháp luật công nhận và bảo hộ thì được xử lý như thế nào?

2. Các biện pháp xử lý vi phạm Quyền sở hữu trí tuệ:

Căn cứ theo quy định tại Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp khác theo quy định Luật chuyên ngành và quy định của pháp luật có liên quan để xử lý.

a) Biện pháp dân sự:

Biện pháp dân sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Các biện pháp dân sự Tòa án áp dụng để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là:

  1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  4. Buộc bồi thường thiệt hại;
  5. Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

b) Biện pháp hành chính:

Biện pháp hành chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nhất định xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành có thể bao gồm các hình thức, biện pháp xử lý sau:

  1. Hình thức xử phạt chính là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền;
  2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn giấy phép có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ.
  3. Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ vật phẩm, hàng hoá vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh; buộc phân phối hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.

c) Biện pháp hình sự:

Biện pháp hình sự là khi các cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, nếu thấy hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội, thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định cụ thể cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Theo đó, Bộ luật hình sự hiện hành quy định việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) và Điều 226 ( Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).

3. Kết luận:

Phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm, tính chất nguy hại của hành vi xâm phạm mà các biện pháp xử lý sẽ được áp dụng phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất các quan hệ phát sinh trong sỡ hữu trí tuệ, phát huy vai trò của quy định pháp luật trong đời sống hàng ngày. Do đó, quyền lợi của chủ sở hữu sẽ được bảo vệ tốt nhất khi xác lập trên cơ sở pháp luật. Vì vậy, ngay từ bây giờ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nền tảng bảo hộ vững chắc là rất cần thiết cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thùy Duyên

>> Xem thêm: Đăng ký bản quyền tác giả của Monday VietNam

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi