Hiện nay, tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng phát triển và được quan tâm đúng mực hơn trên toàn thế giới cũng như Việt Nam. Những tập đoàn khổng lồ với giá trị thương hiệu lên đến hàng trăm triệu đô như APPLE, PEPSI,MICROSOFT… đã chứng minh cho tầm quan trọng của loại hình tài sản này.
Tại nước ta, trong 10 năm trở lại đây, số lượng lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nộp vào Cục sở hữu trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn nhất thể hiện sự quan tâm và vai trò quan trọng của nhãn hiệu đối với doanh nghiệp. Tên thương mại cũng dần được hiểu đúng và phát huy vai trò nhận diện doanh nghiệp, đóng góp to lớn vào hoạt động hợp tác, sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đã bộc lộ những xung đột liên quan đến các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ mà điển hình là giữa nhãn hiệu và tên thương mại. Hai đối tượng dù đã được quy định rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên giữa quy định và thực tế, giải quyết xung đột đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập.
Nhãn hiệu và Tên thương mại khác nhau ?
Theo quy định của pháp luật ở thời điểm hiện tại thì “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Và “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.
Thông qua 2 khái niệm, có thể thấy theo quy định trên đã nêu ra khái quát chức năng chính của nhãn hiệu và tên thương mại là dùng để phân biệt các giữa các đối tượng . Trong khi đó, việc xung đột trên thực tế là do việc xác lập nhãn hiệu và tên thương mại là do 2 cơ quan có thẩm quyền khác nhau nên đã dẫn đến tình trạng chồng chéo giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Mà ở thời điểm hiện tại thì chưa có cơ sở dữ liệu nào để tích hợp 2 hệ thống một cách đầy đủ nhầm đáp ứng được nhu cầu kiểm tra trước khi thực hiện việc xác lập quyền.
Ở nhãn hiệu, chủ đơn đăng ký có thể tự tra cứu sơ bộ nhãn hiệu của mình có trùng hay tương tự gây nhầm lẫn hay không và việc cấp bằng nhãn hiệu phải trải qua quá trình thẩm định, đối chiếu trên các cơ sở dữ liệu của Cục sở hữu trí tuệ. Từ đó, thấy rằng đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu có thể dễ kiểm soát và rỏ ràng hơn .
Ở tên thương mại, trước khi nộp hồ đăng ký thành lập doanh nghiệp, người đăng ký có thể tra tên thương mại có bị trùng với tên của doanh nghiệp khác hay không thì tra cứu qua Hệ thống cổng thông tin quốc gia về quản lý doanh nghiệp và Giấy phép do Sở kế hoạch và đầu tư địa phương xét cấp. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động dưới sự quản lý của các cơ quan khác như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, UBND,… nên dẫn đến khó khăn trong việc tra cứu thông tin và quản lý.
Khi 2 đối tượng này có dấu hiệu xâm phạm như trùng, tương tự đến mức gây nhầm lẫn thì việc xác định ai đúng ai sai sẽ ra sao?
Đã có một vài quy định liên quan đến vấn đề trên cụ thể là tại điểm k khoản 3 Điều 74 Luật SHTT quy định nhãn hiệu được coi là không có khả năng phân biệt trong trường hợp: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”. Khoản 3 Điều 78 Luật SHTT quy định được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng điều kiện: “Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng”.
Bên cạnh quy định của Luật SHTT, khoản 1 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng quy định về việc doanh nghiệp “không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó”. Ngoài ra, nghị định này còn khuyến khích người thành lập tra cứu tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Cục SHTT.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp xảy ra tranh chấp trong thực tế tiêu biểu như vụ tranh chấp tên thương mại và nhãn hiệu giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Phúc Sinh có địa chỉ tại cao ốc H3, số 384 đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TP. HCM (nguyên đơn) và bị đơn là Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu nông sản Phúc Sinh có địa chỉ tại lầu 1 tòa nhà số 15 đường Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM (bị đơn). Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn cho rằng tên thương mại của bị đơn có chứa thành phần tên riêng Phúc Sinh là xâm phạm quyền SHCN đối với tên thương mại đồng thời là nhãn hiệu của nguyên đơn (theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 73422 do Cục SHTT cấp ngày 6/07/2006 bảo hộ nhãn hiệu chữ Phúc Sinh và hình).
Nguyên đơn yêu cầu Tòa án xem xét buộc bị đơn không được sử dụng tên thương mại có chứa thành phần tên riêng “Phúc Sinh” và “PHÚC SINH” trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong vụ án này, tên thương mại của nguyên đơn được sử dụng từ 13/9/2001 theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4102006491 của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM. Nhãn hiệu có chứa chữ “PHUC SINH” cũng được bảo hộ từ năm 2006. Trong khi đó, đến năm 2008 bị đơn mới được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hội đồng xét xử đã xem xét và khẳng định dấu hiệu PHÚC SINH đã được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu và tên thương mại đồng thời xem xét phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu. Hội đồng xét xử đã tiến hành đánh giá việc sử dụng dấu hiệu Phúc Sinh trong tên thương mại của bị đơn có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đồng thời là tên thương mại của nguyên đơn hay không? TAND TP HCM đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn không được sử dụng tên thương mại có chứa thành phần tên riêng “Phúc Sinh” hay “PHÚC SINH”, “PHUCSINH”. Bị đơn có trách nhiệm tiến hành thủ tục đổi tên Công ty để không còn chứa thành phần tên riêng “Phúc Sinh” hay “PHÚC SINH”, “PHUCSINH” trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Từ vụ việc nêu trên có thể thấy được rằng không thể tránh khỏi hiện tượng xung đột quyền giữa 2 đối tượng này. Việc xây dựng danh tiếng thương hiệu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của chủ sở hữu. Nếu xảy ra tranh chấp và một trong hai bên bị hủy bỏ văn bằng bảo hộ hoặc cấm sử dụng tên thương mại thì sẽ gây ra không ít thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Trước những vấn đề từ thực tế cần có cơ chế phối hợp hơn nữa của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ người kinh doanh. Bên cạnh sự tiến bộ của pháp luật thì các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức hơn về quyền tài sản trí tuệ trước khi bước vào các hoạt động kinh doanh để có thể tận dụng tối đa những lợi ích của loại hình tài sản này, tránh những tranh chấp không đáng có về sau.
Lê Duy Cường
© Monday VietNam