Hiện nay, dưới sự phát triển của mạng xã hội, rất nhiều những tác phẩm mang tính nghệ thuật và giá trị văn học cao xuất hiện trên những diễn đàn, hội nhóm, … nhưng đa số đều không được đề tên hoặc chưa xác định được tác giả. Vậy, quyền tác giả tác phẩm khuyết danh đó sẽ thuộc về công chúng hay một chủ thể nào khác? Liệu có được bảo hộ và quy định giống với những tác phẩm khác hay không?
Định nghĩa thế nào là tác phẩm khuyết danh?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan ghi nhận:
Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.
Quyền sở hữu tác phẩm khuyết danh sẽ thuộc về ai?
Theo quy định tại Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung 2009, 2019 và 2022 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước đối với các tác phẩm:
- Tác phẩm khuyết danh, trừ trường hợp đã có cá nhân, tổ chức đang quản lý tác phẩm đó;
- Tác phẩm còn thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả không tồn tại (Chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản);
- Tác phẩm được Nhà nước nhận chuyển giao quyền sở hữu từ chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, Nhà nước sẽ trở thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh nếu không có cá nhân, tổ chức đang quản lý tác phẩm đó.
Tuy nhiên, khi thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm khuyết danh kết thúc theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì quyền tác giả đối với những tác phẩm khuyết danh nói trên sẽ thuộc về công chúng theo Điều 43 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022.
Thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm khuyết danh?
Cũng như các loại hình tác phẩm khác, thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm khuyết danh cũng áp dụng theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019.
Theo đó:
- Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.
- Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì có thời hạn bảo hộ như sau:
- Tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên;
- Đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Sử dụng tác phẩm khuyết danh như thế nào?
Trên thực tế hiện nay, đa số tác phẩm khuyết danh đều thuộc thẩm quyền quản lý của Nhà nước. Do đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm khuyết danh đang được quản lý bởi tổ chức đại diện Nhà nước – chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó thì phải xin phép tổ chức đó.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức khi sử dụng tác phẩm ở trường hợp này còn cần phải tôn trọng các quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ theo quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022, bao gồm các quyền:
- Đặt tên cho tác phẩm. Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền tác giả (không thực hiện đúng quy định nêu trên) thì hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
@Nguyễn Trần Cát Tường