Một hệ thống sở hữu công nghiệp đầy đủ, có hiệu quả sẽ tạo ra những lợi ích tiềm tàng đối với việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh và phát triển cho các doanh nghiệp. Từ đó, tìm hiểu về việc xác lập quyền bảo hộ đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là cần thiết. Có phải tất cả đều thông qua thủ tục đăng ký tại Cục SHTT không? Hãy cùng Monday VietNam tìm hiểu trong bài viết này!
Quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Theo quy định pháp luật, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ có các quyền sau đây:
– Sử dụng, cho phép người khác sử dụng;
– Ngăn cấm người khác sử dụng;
– Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp.
Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp
Có 7 đối tượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:
- Sáng chế
- Kiểu dáng công nghiệp
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
- Nhãn hiệu
- Tên thương mại
- Chỉ dẫn địa lý
- Bí mật kinh doanh
Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được xác lập quyền trên cơ sở nào ?
Theo quy định của pháp luật (Điều 6 Luật SHTT), hầu hết các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp đều được xác lập quyền thông qua việc đăng ký tại Cục SHTT. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ, quyền SHTT được xác lập mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Theo đó, có 04 trường hợp sau:
Trường hợp 1
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi khiến cho nhãn hiệu đó trở thành nổi tiếng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục SHTT. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ phù hợp.
Trường hợp 2
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục SHTT. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện thời gian, lãnh thổ, lĩnh vực trong đó tên thương mại đã được chủ thể đó sử dụng.
Trường hợp 3
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ hoặc kết quả của hoạt động hợp pháp khác để tìm ra, tạo ra hoặc có được thông tin tạo thành bí mật kinh doanh và bảo mật thông tin đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục SHTT.
Trường hợp 4
Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở thực tiễn của hoạt động cạnh tranh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Ngoài 4 trường hợp này các đối tượng còn lại của quyền sở hữu công nghiệp (Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) được xác lập quyền phải dựa trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp văn bằng bảo hộ cho chủ thể đăng ký các đối tượng đó.
@Phan Thị Huế Trân