Bài học đắt giá về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Trong suốt thời gian qua, những bài học đắt giá về bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp vẫn được báo chí thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, vẫn không ít doanh nghiệp đã tự đánh mất thương hiệu của chính mình chỉ vì sự sơ suất hoặc đôi khi là “không biết”.

Trước đây, báo chí cũng bàn tán xôn xao vụ “Phở Dính” của Khải Silk bị người khác đăng ký trước tên miền và rao bán lại với giá 10.000$. Dù không rõ nguyên nhân là vô tình hay cố ý của ông Hoàng Khải, nhưng việc công bố thông tin về thương hiệu khi chưa có sự “chuẩn bị” là rất nguy hiểm, bởi sẽ bị đánh cắp hoặc giới đầu cơ nẫng tay trên.

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu cho riêng mình, nhưng việc chưa kiểm soát được các rủi ro nên dễ bị đánh mất tên thương hiệu chỉ vì giới thiệu thông tin trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Việc công bố (giới thiệu) thông tin về thương hiệu, logo, kiểu dáng sản phẩm hoặc các bí mật kinh doanh khi chưa có sự bảo vệ chắc chắn là cực kỳ nguy hiểm. Bởi, dễ dàng bị đối thủ bắt bài, bị đánh cắp thông tin hoặc bị lợi dụng, sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh hoặc thậm chí đánh mất thương hiệu. Chưa kể đến người trong chính công ty của chúng ta cũng có thể đánh cắp và “xác lập quyền trước một cách hợp pháp”, trường hợp này đã có không ít Doanh nghiệp gặp phải.

Như thời tôi còn tư vấn cho Cty Thực Phẩm Việt Hưng (sở hữu thương hiệu mì Ba Miền) nay là Cty cổ phần Uniben. Trong một cuộc họp về kế hoạch của cty, thì thông tin về thương hiệu mới được nêu ra và ngay sau đó đã bị chính Trưởng phòng nguyên cứu và phát triển âm thầm tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho riêng mình, nhưng may thay nó không thành công. Bởi trước đó, đúng 25 ngày Cty đã bí mật đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đăng ký tên miền, toàn bộ thông tin này đều đã được bảo mật. Thời gian 25 ngày, hồ sơ nhãn hiệu đang được Cục sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức, do đó, thông tin chưa công bố và chưa thể tra cứu.

Chưa kể đến vẫn còn có Doanh nghiệp đầu tư nhiều tiền của, công sức xây dựng một thương hiệu mà người khác đã sở hữu tên. Nhiều nhất là trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm, bởi thường đặt tên thương hiệu kiểu “Tây”, tức tên tiếng nước ngoài có nghĩa hoặc không có nghĩa tiếng Việt hoặc tên ghép từ các chữ cái. Đặt tên dạng này rất dễ bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Doanh nghiệp khác (có thể Doanh nghiệp trong nước hoặc ngoài nước). Đã vậy, nhiều Doanh nghiệp còn công bố thông tin rộng rãi, xây dựng web bán hàng, chạy quảng cáo … việc này chứa nhiều rủi ro và dễ bị chủ sở hữu nắm bắt thông tin dẫn đến các tranh chấp.

Nhiều chủ Doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ, thương hiệu nên đến khi xảy ra tranh chấp, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc mất thì mới loay hoay tìm cách lấy lại. Tất nhiên, “chữa bệnh” bao giờ cũng tốn nhiều công sức và thời gian hơn là “phòng bệnh”, và không phải trường hợp nào ta cũng có thể lấy lại được.

Vì vậy, trước khi công bố thông tin về thương hiệu hoặc đầu tư xây dựng một thương hiệu, Doanh nghiệp nên bỏ ra khoản chi phí để tra cứu thông tin về thương hiệu và sau đó tiến hành đăng ký xác lập quyền hoặc xây dựng cơ chế bảo mật để đảm bảo an toàn. Kinh doanh thì chứa nhiều rủi ro nhưng hạn chế rủi ro càng nhiều thì khả năng thành công càng cao.

Hình ảnh nhận diện thương hiệu ảnh hưởng tới quyết định mua hàng

Nguyễn Anh Toàn

CEO & Founder Monday VietNam

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi