MondayVietNam xin trân trọng gửi tới Quý khách hàng Bản tin pháp luật cập nhật các Văn bản pháp luật có hiệu lực vào tháng 01/2025.

Thuế giá trị gia tăng giảm trong 06 tháng đầu năm 2025

CSPL: Mục 8 Nghị quyết 174/2024/QH15

Ngày có hiệu lực: 01/01/2025

Nghị quyết này do Quốc hội ban hành để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/06/2025. Theo đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% thì sẽ được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, trừ các nhóm sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Do đó, các chủ thể nộp thuế suất thuế giá trị gia tăng cần phải chú ý vấn đề này, trong 06 tháng đầu năm chỉ cần đóng 8% thuế suất thuế giá trị gia tăng, trừ các nhóm hàng hóa và dịch vụ như đã nêu trên, việc giảm thuế suất này giúp những đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng giảm được một phần vấn đề tiền tệ và vượt qua được khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay.

Hàng hóa nhập khẩu gửi qua chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng phải đóng thuế giá trị gia tăng

CSPL: Mục 8 Nghị quyết 174/2024/QH15

Ngày có hiệu lực: 14/01/2025

Nghị quyết này do Quốc hội ban hành quy định về việc chấm dứt ngay hiệu lực của quy định miễn thuế giá trị gia tăng trong Quyết định số 70/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tức là những hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống thì phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Hiện nay, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok,… đang là một trong những “xu hướng”, được mọi người sử dụng rất nhiều vì đa dạng các loại hàng hóa cả trong nước lẫn ngoài nước. Do đó, đối với những nhà bán hàng trên các nền tảng này và cả những nền tảng khác mà thường xuyên nhập khẩu hàng hóa qua chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống thì cần lưu ý đến vấn đề nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, từ ngày 14/01/2025 trở đi thì phải nộp hai loại thuế này, không còn được miễn theo quy định Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg nữa.


Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động và có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

CSPL: Nghị định 143/2024/NĐ-CP

Ngày có hiệu lực: 01/01/2025

Nghị định này do Chính phủ ban hành quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với một số người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng hai chế độ là giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tai nạn lao động. Khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần, cụ thể:

  • Nếu suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng ba lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
  • Ngoài ra còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng, một năm trở xuống thì tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
  • Việc trợ cấp tai nạn lao động sẽ thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thì thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

Do đó, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện nếu không may xảy ra tai nạn lao động thì cần chú ý đến điều này để được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật, tránh việc tham gia bảo hiểm nhưng không được chi trả hoặc chi trả ít hơn quy định, ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động.


Thực hiện giao dịch thanh toán khi sử dụng tài khoản thanh toán

CSPL: Điểm c, khoản 5, Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN

Ngày có hiệu lực: 01/01/2025

Sau khi các ngân hàng thông báo cần phải xác thực sinh trắc học mới có thể thực hiện giao dịch qua tài khoản thì chính thức từ ngày 01/01/2025, việc giao dịch thông qua tài khoản sau khi thực hiện sinh trắc học này bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, nếu không hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân (CCCD) và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/ người đại diện đối với cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp đối với tổ chức thì sẽ không được rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán.

Do đó, những người dùng tài khoản thanh toán thông qua ngân hàng cần chú ý về việc xác thực sinh trắc học cho tài khoản của mình, nếu như chưa thực hiện xác thực thì nhanh chóng thực hiện, có thể ra các ngân hàng để được hỗ trợ, tránh gây gián đoạn việc thực hiện giao dịch thông qua tài khoản thanh toán.

Thực hiện giao dịch thanh toán khi sử dụng thẻ ngân hàng

CSPL: Khoản 6 Điều 16 Thông tư 18/2024/TT-NHNN

Ngày có hiệu lực: 01/01/2025

Tương tự như tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cũng chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng với giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong CCCD, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được thu thập và kiểm tra hoặc thông qua gặp mặt trực tiếp đối với người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.


CSPL: Nghị định 154/2024/NĐ-CP

Ngày có hiệu lực: 10/01/2025

Nghị định 154/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú, quy định rõ về nơi cư trú của các chủ thể cũng như các hồ sơ, giấy tờ, thủ tục và thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Đối tượng của Nghị định này là các cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Một điều cần lưu ý trong quy định mới này là khi cung cấp thông tin để đăng ký cư trú thì cần cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp và thông tin về quan hệ nhân thân với chủ hộ để cơ quan đăng ký khai thác thông tin và xác thực điện tử qua VNeID hoặc trong cơ sở dữ liệu của quốc gia. Nếu như không khai thác được thì công dân, tổ chức phải cung cấp bản sao, bản chụp hoặc bản điện tử của một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp, quan hệ nhân thân khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Ngoài ra, nếu công dân đăng ký thường trú mà chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình hoặc chỗ ở hợp pháp trong trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con mà có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của một chủ sở hữu. Còn trường hợp khác mà có nhiều hơn một chủ sở hữu thì cần phải có sự đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng, chứng thực.

Do đó, khi công dân, tổ chức đăng ký thường trú, tạm trú thì cần lưu ý những vấn đề này, đặc biệt là đối với những người thuê nhà cần phải nắm bắt những vấn đề này để có thể đăng ký thường trú, tạm trú một cách nhanh chóng nhất, tránh ảnh hưởng không tốt đến việc xác định nơi cư trú, làm mất quyền lợi của công dân, tổ chức.

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi