Những chính sách liên quan đến kinh tế, xã hội có hiệu lực từ tháng 06/2024 như: Quy định phương pháp xác định giá phát điện,… Hãy cùng Monday VietNam điểm qua trong bản tin pháp luật tháng này nhé!

Sửa Điều kiện vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Nghị định 45/2024/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 10/6/2024.

Về nguyên tắc cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ), Điều 15 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định:

  • Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này;
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ;
  • Đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.

Ngoài 03 nguyên tắc trên, Nghị định 45/2024/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc:

  • Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.

Sửa quy định đánh giá tác động của chính sách khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

Nghị định 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 154/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.

Theo đó, Nghị định 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định 154/2020/NĐ-CP về đánh giá tác động của chính sách.

Cụ thể, việc đánh giá tác động của chính sách khi lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL theo yêu cầu các nội dung sau: Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…

Ảnh minh họa

Nguyên tắc xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện:

Bộ Công Thương ban hành Thông tư 07/2024/TT-BCT ngày 12/04/2024 quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện có hiệu lực từ ngày 1/6/2024.

Theo Điều 16 Thông tư 07/2024/TT-BCT quy định về việc xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện được dựa trên các nguyên tắc như sau:

Nguyên tắc thứ 01: Bên bán và Bên mua có quyền áp dụng giá cố định bình quân đã thỏa thuận cho các năm trong thời hạn hợp đồng. Trường hợp Bên bán và Bên mua thống nhất quy đổi giá cố định bình quân đã thỏa thuận thành giá cố định từng năm thì việc xác định các mức giá cố định này phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 07/2024/TT-BCT.

Nguyên tắc thứ 02: Trên cơ sở các điều kiện vay vốn thực tế và khả năng tài chính của dự án, Bên bán và Bên mua thỏa thuận giá cố định bình quân của nhà máy điện thành giá cố định từng năm (FCj Giá cố định năm j) với điều kiện đảm bảo giá cố định bình quân không thay đổi so với mức giá đã được Bên bán và Bên mua thỏa thuận và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

  • Tỷ suất chiết khấu tài chính khi tính toán giá cố định từng năm do Bên bán và Bên mua thỏa thuận bằng tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) của nhà máy điện;
  • Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ hoàn trả các khoản vay cho đầu tư xây dựng nhà máy điện theo thời hạn hoàn trả vốn vay.

Người dân có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa:

Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1/6/2024.

Theo đó, người tiêu dùng có thể tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia các thông tin sau đây:

  • Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa;
  • Tên đơn vị và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa;
  • Thời gian sản xuất, kinh doanh;
  • Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký tự và số seri sản phẩm (nếu có);
  • Thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa (nếu có).

Mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT về mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu có hiệu lực từ 15/6/2024.

Cụ thể, tại Thông tư này, mẫu hồ sơ báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu gồm có:

1. Mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng đối với quy trình chỉ định thầu thông thường:

Mẫu số 1A: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp;

Mẫu số 1B: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa;

Mẫu số 1C: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn;

Mẫu số 1D: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ tư vấn.

Trong đó, với gói thầu hỗn hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, gói thầu áp dụng chỉ định thầu quốc tế hoặc mua sắm trực tiếp thì việc lập hồ sơ yêu cầu được vận dụng các mẫu trên đảm bảo không trái luật.

2. Mẫu kiểm tra hoạt động đấu thầu gồm các mẫu sau:

Mẫu số 4.1A: Lập Kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động đấu thầu;

Mẫu số 4.1B: Lập Kế hoạch kiểm tra chi tiết;

Mẫu số 4.2: Lập Đề cương báo cáo tình hình thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

Mẫu số 4.3: Lập Báo cáo kiểm tra lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

Mẫu số 4.4: Lập Kết luận kiểm tra lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

Mẫu số 4.5: Lập Báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện Kết luận kiểm tra… 

@Như Ý tổng hợp

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi