Câu hỏi về ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp
Xin hỏi luật sư Monday Vietnam, hiện nay tôi đang muốn đăng ký bảo hộ một kiểu dáng công nghiệp. Theo như tìm hiểu của cá nhân thì hồ sơ cần có bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Vậy bản vẽ này có cần vẽ như thế nào mới đúng?
Câu trả lời của Monday VietNam
Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp là một trong các tài liệu tối thiểu cần phải có trong bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Bạn cần chuẩn bị 04 bản đối với loại tài liệu này. Ở mỗi bản, bạn cần có 06 hình chụp kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký với các góc độ khác nhau như sau:
- (1) hình phối cảnh;
- (2) hình chiếu từ phía trước;
- (3) hình chiếu từ phía sau;
- (4) hình chiếu từ bên phải (hình chiếu từ bên trái đối xứng với hình chiếu từ bên phải);
- (5) hình chiếu từ trên xuống;
- (6) hình chiếu từ dưới lên.
Tất cả các hình trên cần phải đáp ứng những điều kiện cụ thể như sau:
a) Ảnh chụp, bản vẽ phải rõ ràng, sắc nét; bản vẽ phải được thể hiện bằng đường nét liền; nền ảnh chụp, bản vẽ phải có màu đồng nhất và tương phản với kiểu dáng công nghiệp; trên ảnh chụp, bản vẽ chỉ được thể hiện sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ (không kèm theo sản phẩm khác).
b) Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước của kiểu dáng công nghiệp trong ảnh chụp, bản vẽ không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm.
c) Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một chiều và lần lượt theo thứ tự: hình phối cảnh (ba chiều) của kiểu dáng công nghiệp, hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp từ phía trước, từ phía sau, từ bên phải, từ bên trái, từ trên xuống, từ dưới lên; các hình chiếu phải được thể hiện chính diện.
d) Đối với kiểu dáng công nghiệp có hình chiếu đối xứng thì ảnh chụp, bản vẽ có thể không cần thể hiện thêm các hình chiếu đối xứng, với điều kiện phải nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả.
e) Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có thể khai triển được (ví dụ: hộp đựng, đồ bao gói…), các hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp có thể được thay thế bằng ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp ở trạng thái đã khai triển.
g) Tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp của kiểu dáng công nghiệp, có thể cần phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh từ các góc độ khác, mặt cắt, hình phóng to bộ phận, hình chi tiết rời của sản phẩm… đủ để thể hiện rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ.
h) Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ: sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được), phải có ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau.
i) Đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh, phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ minh hoạ vị trí lắp đặt, sử dụng bộ phận trên sản phẩm hoàn chỉnh.
k) Mỗi phương án của kiểu dáng công nghiệp phải có bộ ảnh chụp, bản vẽ thể hiện đầy đủ từng phương án theo quy định tại điểm này.
l) Đối với bộ sản phẩm phải có hình phối cảnh của cả bộ sản phẩm và bộ ảnh chụp, bản vẽ của từng sản phẩm trong bộ đó theo quy định tại điểm này.
Cơ sở pháp lý cho các nội dung trên được quy định tại khoản 33.6 Điều 33 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
>> Xem thêm bài viết Quy chế thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Nhật Ánh