Một câu chuyện liên quan và khá quan trọng đến việc xây dựng thương hiệu.

Chuyện là trước đây, tôi quen một ông anh, thực ra là khách hàng từ thời tôi còn đi bán bánh kẹo, ông mở một quán cà phê (xin phép giấu tên) trên đường Võ Thị Sáu. Sau buổi khai trương thì tôi lại ghé qua cà phê “chém gió” như mọi hôm, nhưng lần này vì cái nghề nên tôi đề xuất ý kiến với anh ấy nên xem xét việc đăng ký bảo hộ cái tên quán để cho nó yên cái tâm mà kinh doanh, dù gì cũng là “đứa con mình sinh ra, nên đi đăng ký tên tuổi, mặt mũi và ngày tháng năm sinh với cơ quan Nhà nước, đặng sau này có làm gì thì cũng có giấy tờ hợp pháp trưng ra chứng minh mình là cha mẹ nó”.

Nghe xong ông liền nói: “Anh cũng hiểu nhưng giờ mới mở, quán cũng còn khó khăn đủ thứ, nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, mấy triệu bạc đi đăng ký bảo hộ thì anh chi trả chi phí cũng được cả tháng. Mà mới mở cũng chưa biết làm ăn thế nào nên đăng ký mà không làm được cũng phí ra”. Ông nói cũng có cái lý hợp hoàn cảnh, đặc biệt là lúc bắt đầu khởi nghiệp thì chi phí luôn là vấn đề, vì thế nên tôi cũng tạm gác qua.

Bặt đi một thời gian cũng gần cả năm, ông gọi một hai ghé quán cà phê, mà trước đó thỉnh thoảng anh em vẫn gặp gỡ chém gió. Vừa ngồi chưa kịp gọi ly cà phê thì ông vội vã nói, “anh mới thấy một quán cà phê trên đường Lê Văn Sỹ, nó dùng cái tên của anh, thiết kế quán cũng kiểu gỗ như anh, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến khách của anh, giờ em coi làm sao kiện nó cho anh chứ để nó làm vậy là không được…”. Nghe xong mà lòng lặng thinh.

Câu chuyện tôi chia sẻ trên là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự của nhiều doanh nghiệp Việt gặp phải, đặc biệt là những người mới khởi sự, họ chưa thật sự quan tâm đúng mức đến những tài sản mà mình đang có, đặc biệt là tài sản trí tuệ (một loại tài sản vô hình nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp). Họ tạo dựng biết bao công sức, thời gian và tiền của cho sản phẩm/dịch vụ, mà tên thương hiệu thì mình không sở hữu hoặc là người khác sở hữu.

Việc xây dựng thương hiệu thì cái tên và hình ảnh nhận diện là đặc biệt quan trọng, nó giúp khách hàng phân biệt và dễ dàng lựa chọn khi mua sản phẩm/dịch vụ, nếu không xác lập quyền bảo hộ thì rủi ro là khó tránh khỏi, sẽ làm ảnh hưởng khả năng trạnh tranh và giảm uy tín trên thị trường, dễ xảy ra các tranh chấp trong tương lai và cơ sở pháp lý thì thiếu vững chắc. Và đôi khi chúng ta đang xây dựng thị trường cho người khác mà không hề hay biết, trường hợp này thường mắc phải ở các nhà nhập khẩu phân phối hàng hoá của doanh nghiệp nước ngoài, nếu không có những thoả thuận ngay từ ban đầu thì sau thời gian xây dựng khởi sắc họ sẽ lấy lại hoặc hợp tác với người có năng lực tốt hơn. Và điều này cũng thường xảy ra với các doanh nghiệp làm tại thị trường nước ngoài.

Quay lại với câu chuyện kể trên thì trong trường hợp này rất khó để yêu cầu bên kia chấm dứt việc sử dụng tên quán và thay đổi cách thiết kế quán, bởi khó chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp và đôi khi chính đối phương lại đang là người đang sở hữu hợp pháp. Việc thực hiện các biện pháp yêu cầu chấm dứt hoặc khởi kiện thì chi phí không hề thấp như việc xác lập quyền bảo hộ, mà nó còn làm mất thời gian, dính líu kiện tụng, ảnh hưởng tinh thần và uy tín.

Cuối cùng, tôi có một lời khuyên dành cho các bạn mới bắt đầu khởi nghiệp, là nên quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn các loại tài sản trí tuệ mà mình đang có để dễ dàng kiểm soát, đồng thời có các biện pháp bảo vệ hợp lý, không nhất thiết là tài sản trí tuệ nào cũng phải đi đăng ký bảo hộ ở cơ quan Nhà nước. Các bạn nên xây dựng các quy chế sử dụng và bảo mật ngay từ đầu, đặc biệt là các bí quyết, bí mật kinh doanh, công nghệ,… Nếu giữ và sở hữu hợp pháp thì nó còn tạo ra lợi thế rất lớn trong việc đàm phán, góp vốn, kêu gọi đầu tư và nhượng quyền…

Nguyễn Anh Toàn

CEO&Founder Monday VietNam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi
DMCA.com Protection Status