Thành lập doanh nghiệp là gì?

Thành lập doanh nghiệp là việc một cá nhân, nhóm cá nhân có nhu cầu sản xuất, đầu tư, kinh doanh lập ra một tổ chức có tên riêng, có tài sản độc lập, có trụ sở giao dịch và thực hiện các thủ tục theo quy định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được công nhận là một chủ thể kinh doanh, được Nhà nước bảo hộ và quản lý trong quá trình tồn tại.


Lợi ích khi thành lập doanh nghiệp

Sự tồn tại và lớn mạnh của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, vì thế mà Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân có mục đích kinh doanh thành lập doanh nghiệp.

Việc thành lập một doanh nghiệp để kinh doanh mang lại một số lợi ích cho tổ chức, cá nhân:

Đối với Người thành lập doanh nghiệp

  • Hoạt động kinh doanh thông qua một doanh nghiệp có tư cách pháp lý rõ ràng, được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật;
  • Tăng độ uy tín với khách hàng, với đối tác khi giao dịch vì là một chủ thể có tư cách rõ ràng, có tài sản riêng và minh bạch về ngành nghề kinh doanh và chịu sự quản lý của Nhà nước;
  • Được hoạt động kinh doanh trong phạm vi số vốn, ngành nghề đã đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền.

Đối với nền kinh tế chung

  • Tạo dựng việc làm cho nhiều người lao động;
  • Lợi nhuận rõ ràng, quy mô được hệ thống hóa và quản lý chặt chẽ nên dễ dàng cho Nhà nước kiểm soát nền kinh tế chung.

Các loại hình doanh nghiệp theo quy định hiện hành

Thông qua quá trình hình thành, hoạt động với những đặc điểm khác nhau, Nhà nước đã ghi nhận và luật hóa các loại hình doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, gồm có 5 loại hình doanh nghiệp:

  1. Doanh nghiệp tư nhân
  2. Công ty TNHH một thành viên
  3. Công ty TNHH hai thành viên trở lên
  4. Công ty Hợp danh
  5. Công ty Cổ phần

Mỗi loại hình doanh nghiệp trên sẽ mang bản chất pháp lý khác nhau tương ứng mục tiêu kinh doanh của các chủ sở hữu.

Doanh nghiệp tư nhân

  • Do 1 cá nhân làm chủ sở hữu (vốn điều lệ do 1 cá nhân góp vào)
  • Không có tư cách pháp nhân.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cá nhân là chủ sở hữu không được thành lập thêm doanh nghiệp tư nhân khác hoặc góp thêm vốn vào các doanh nghiệp khác.
  • Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Công ty Hợp danh

  • Vốn điều lệ sẽ do các cá nhân (tối thiểu 2) góp vốn vào công ty tạo thành, các cá nhân này được gọi là thành viên hợp danh.
  • Có tư cách pháp nhân.
  • Các thành viên hợp danh liên đới chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty.
  • Mang tính đối nhân (chú trọng vào tư cách các thành viên hợp danh).

Công ty TNHH Một thành viên

  • Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (gọi là chủ sở hữu công ty). Vốn điều lệ do một cá nhân hoặc tổ chức là chủ sở hữu góp vào.
  • Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ.
  • Có tư cách pháp nhân
  • Công ty không được quyền phát hành cổ phần.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên

  • Do nhiều tổ chức, cá nhân và số lượng thành viên phải đảm bảo tối thiểu 02 thành viên trở lên, tối đa không vượt quá 50 thành viên (thành viên góp vốn)
  • Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp;
  • Có tư cách pháp nhân
  • Công ty không được quyền phát hành cổ phần.

Công ty Cổ phần

  • Vốn điều lệ công ty được chia nhỏ thành các cổ phần. Các cá nhân/tổ chức sở hữu cổ phần được gọi là Cổ đông.
  • Có tư cách pháp nhân.
  • Các cổ đông có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ đối với công ty trong phạm vi số cổ phần mà mình sở hữu.
  • Công ty Cổ phần được quyền phát hành cổ phiếu
  • Mang tính đối vốn (chú trọng về cổ phần, không chú trọng về người sở hữu cổ phần là ai).

Như vậy, khi đặt vấn đề thành lập một doanh nghiệp, chủ sở hữu cần hiểu rõ về mục tiêu tham gia thị trường, chiến lược kinh doanh của mình, đồng thời nắm rõ bản chất của từng loại hình doanh nghiệp để có lựa chọn và đăng ký thành lập cho phù hợp.


Những việc cần chuẩn bị khi thành lập doanh nghiệp

1. Tên doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp được thành lập đều có một cái tên riêng, không trùng hoặc tương tự với tên của các doanh nghiệp khác. Tên doanh nghiệp sẽ có nhiều chức năng trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, do đó, theo quy định của Luật DN 2020, tên doanh nghiệp là một yếu tố bắt buộc phải có khi thành lập doanh nghiệp.

– Cấu trúc của tên doanh nghiệp & các dạng tên doanh nghiệp

Theo Điều 37 Luật DN 2020, tên doanh nghiệp được pháp luật quy định là:

Về cấu trúc, gồm có hai thành tố theo thứ tự là : (1) Loại hình doanh nghiệp + (2) Tên riêng”

Mô tả:

Lấy ví dụ về một tên doanh nghiệp của loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, như sau:

CÔNG TY TNHH

Loại hình DN

+

+

THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ AN GIA PHÚ

Tên riêng của DN

Tên doanh nghiệp có thể ở 3 dạng:

  • Tên đầy đủ bằng tiếng Việt (như cách viết theo mô tả trên);
  • Tên bằng tiếng nước ngoài;
  • Tên viết tắt

Trong đó, tên đầy đủ bằng tiếng Việt là bắt buộc có khi lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt sẽ không bắt buộc đăng ký.

– Ngôn ngữ đặt tên doanh nghiệp

Ngoài tiếng Việt, tên doanh nghiệp có thể đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài, nhưng phải thuộc hệ chứ “La-tinh” và tuân thủ các quy định sau:

  • Tên tiếng nước ngoài: là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
  • Doanh nghiệp không bắt buộc phải có tên bằng tiếng nước ngoài, nhưng trường hợp có sử dụng tên bằng tiếng nước ngoài để giao dịch thì phải đăng ký và được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, chủ doanh nghiệp cần lưu ý rằng những hệ thống ngôn ngữ khác không thuộc hệ chữ La-tinh” thì sẽ không được chấp nhận để đặt tên doanh nghiệp.

Dẫn chứng 1 số hệ chữ không được chấp nhận đó là chữ tượng hình tượng thanh: Chữ Kana của Nhật Bản, chữ Hán, chữ Ả-Rập,…

– Những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp:

Theo Điều 38, Điều 41.1 và Điều 41.2 Luật DN 2020, chủ doanh nghiệp lưu ý không vi phạm các điều cấm sau trong việc đặt tên doanh nghiệp:

Một là, Đặt tên trùng (hoàn toàn giống) với tên của doanh nghiệp đã đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hai là, Đặt tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, gồm:

+ Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

+ Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

+ Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Ngoài ta, không nên sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp.

Lời khuyên: tổ chức, cá nhân là chủ doanh nghiệp tương lai nên truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN để kiểm tra xem tên mà mình dự định đăng ký có trùng, tương tự với ai không. Trường hợp có trùng hoặc tương tự với tên doanh nghiệp đã được đăng ký trước đó thì tiến hành điều chỉnh tên doanh nghiệp của mình để tránh bị Cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối cấp giấy chứng nhận vì lý do nêu trên.

Tra cứu tại: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

>> Xem thêm: Lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp dành cho starup

2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp

Theo Điều 42 Luật DN 2020 thì trụ sở chính của doanh nghiệp được đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.

Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp phải đảm bảo đủ 4 cấp địa giới hành chính, gồm:

  • Số nhà, ngách, hẻm, ngõ, đường phố/tổ/xóm/ấp/thôn
  • Cấp xã (Xã/phường/thị trấn)
  • Cấp huyện (Quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh)
  • Cấp tỉnh (Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương).

VD: Công ty TNHH Monday VietNam đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại 25Bis Nguyễn Văn Thủ, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lưu ý về địa chỉ trụ sở chính doanh nghiệp:

  • Địa chỉ phải rõ ràng, đảm bảo ổn định, lâu dài để phục vụ cho công việc kinh doanh cũng như đảm bảo cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.; doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp địa chỉ này.
  • Không được đặt tại Căn hộ chung cư hoặc nhà tập thể vì theo quy định của pháp luật về Nhà ở thì đây là nơi để ở và không có chức năng kinh doanh.
  • Khi đặt địa chỉ tại các tòa cao ốc, phải đảm bảo các tòa nhà này có mục đích sử dụng thương mại hoặc hỗn hợp để sử dụng vào các mục đích thương mại khác như làm văn phòng, cửa hàng, kinh doanh ngoài sử dụng làm nhà ở.
  • Địa chỉ phải đáp ứng được các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

3. Thông tin liên hệ của doanh nghiệp

Thông tin liên hệ của doanh nghiệp là một nội dung cần phải khai trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 23 Luật DN 2020, gồm có:

  1. Số điện thoại (bắt buộc);
  2. Số fax; Email (không bắt buộc).

Các thông tin này cũng là nội dung được ghi nhận trên GCN ĐKDN được cấp và được xem là kênh liên lạc công khai của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

4. Vốn điều lệ

Theo Điều 4.34 Luật DN 2020, vốn điều lệ được hiểu như sau:

“34. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”.

Vốn điều lệ sẽ là số vốn được ghi trên GCN ĐKDN được cấp và có thể tăng, giảm trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.

Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan không quy định cụ thể giới hạn số vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu. Tuy nhiên, khi đăng ký mức vốn điều lệ cần lưu ý 2 khía cạnh sau:

  • Ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký hoạt động không thuộc vào ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định: mức vốn điều lệ của doanh nghiệp để bao nhiêu cũng được, tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu góp vốn/mua cổ phần của các thành viên/cổ đông.
  • Ngành nghề doanh nghiệp đăng ký hoạt động có yêu cầu vốn pháp định (như kinh doanh dịch vụ bảo vệ, ngân hàng, bảo hiểm,…) thì mức vốn điều lệ của doanh nghiệp phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn pháp định đó.

Một số lưu ý về mức vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp:

  • Không nên kê khai vốn điều lệ quá thấp: Vốn điều lệ thể hiện một phần uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng và đối tác. Do đó, các chủ doanh nghiệp không nên kê khai vốn điều lệ quá thấp, vì như vậy sẽ dễ làm đối tác, khách hàng cảm thấy thiếu sự tin tưởng về khả năng chịu trách nhiệm bằng tài sản trong quá trình giao dịch. 
  • Không nên kê khai vốn điều lệ quá cao vì nó sẽ làm tăng mức lệ phí môn bài mà doanh nghiệp cần đóng cho Cơ quan thuế quản lý hàng năm.
  • Để cân đối được 2 điều trên,  doanh nghiệp chỉ nên căn cứ vào tình hình chung của việc kinh doanh, điều kiện ngành nghề, khả năng góp vốn mà đăng ký mức vốn điều lệ cho phù hợp. 

>> Xem thêm: Nguy hại của việc tăng khống vốn điều lệ đối với doanh nghiệp

5. Các thành viên/cổ đông/chủ sở hữu công ty

Những cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp sẽ được pháp luật gọi chung là “Người thành lập doanh nghiệp”. Tùy vào bản chất của mỗi loại hình doanh nghiệp mà “Người thành lập doanh nghiệp” đó được gọi là:

  • Thành viên góp vốn (đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên);
  • Thành viên hợp danh (đối với Công ty Hợp danh);
  • Cổ đông sáng lập (đối với Công ty Cổ phần);
  • Chủ sở hữu công ty (đối với Công ty TNHH một thành viên).

Về thành viên góp vốn của Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Thành viên góp vốn của Công ty TNHH 2TV trở lên có thể là:

  • Tổ chức góp vốn
  • Cá nhân góp vốn

Thời điểm thành lập doanh nghiệp phải có ít nhất 2 thành viên góp vốn. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể có thêm thành viên góp vốn nhưng tối đa là 50 thành viên.

Về thành viên hợp danh của Công ty Hợp danh

Thành viên Hợp danh của công ty hợp danh chỉ có thể là cá nhân và gồm ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, không quy định số lượng tối đa của thành viên hợp danh.

Thành viên hợp danh sẽ chịu trách nhiệm vô hạn (chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình) và liên đới chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty.

Bên cạnh thành viên Hợp danh (thường là những người có quan hệ thân thiết, tin tưởng nhau cùng hợp tác mở công ty) thì công ty Hợp danh còn có thành viên góp vốn. Tư cách pháp lý của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh cũng tương tự như công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Về cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần 

Cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần có thể gồm:

  • Cá nhân và;
  • Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức.

Cổ đông sáng lập phải sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

Khi thành lập doanh nghiệp có ít nhất 3 cổ đông sáng lập và Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Vì Cổ đông sáng lập là những người đứng ra thành lập doanh nghiệp, đóng góp vào sự khai sinh doanh nghiệp nên họ sẽ mang những quyền và nghĩa vụ gắn chặt với doanh nghiệp trong ít nhất là 3 năm đầu hoạt động so với các các cổ đông tham gia vào doanh nghiệp giai đoạn sau này.

Về chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên

Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức bỏ vốn thành lập công ty.

Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm giám đốc hoặc tổng giám đốc.

6. Tỷ lệ vốn góp/tỷ lệ cổ phần

“27. Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh”.

>> Xem thêm: Thời điểm nào phải góp đủ vốn vào công ty?

7. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Tại Khoản 1 Điều 12 Luật DN 2020 quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chính là:

  • Cá nhân;
  • Đại diện doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp;
  • Đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án;
  • Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến những vấn đề pháp lý của doanh nghiệp nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

  • Tại thời điểm thành lập, doanh nghiệp phải đảm bảo có ít nhất một người là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người này phải cư trú tại Việt Nam.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.
  • Quyền, nghĩa vụ và việc phân chia phạm vi quyền, nghĩa vụ (nếu có nhiều) của người đại diện theo pháp luật sẽ được ghi rõ trong điều lệ công ty.

>> Xem thêm: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

8. Chức danh trong doanh nghiệp

Trong doanh nghiệp, chức danh là cách gọi một cá nhân có vai trò quản lý và sẽ được phân định rõ trong Điều lệ công ty để công nhận về quyền và nghĩa vụ của người này trong doanh nghiệp.

Trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chỉ thể hiện chức danh của người đại diện theo pháp luật. Tùy vào mô hình doanh nghiệp mà chức danh của người đại diện theo pháp luật sẽ khác nhau:

Công ty Cổ phần


  • Chủ tịch Hội đồng quản trị;
  • Thành viên Hội đồng quản trị;
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Công ty TNHH 1TV


  • Chủ tịch công ty;
  • Thành viên Hội đồng thành viên;
  • Giám đốc;
  • Tổng giám đốc.

Công ty TNHH 2TV


  • Chủ tịch Hội đồng thành viên;
  • Thành viên Hội đồng thành viên;
  • Giám đốc;
  • Tổng giám đốc.

Công ty Hợp danh


  • Thành viên hợp danh;
  • Chủ tịch Hội đồng thành viên,
  • Giám đốc;
  • Tổng giám đốc.

DN tư nhân


  • Chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Giám đốc;
  • Tổng giám đốc.

Ngoài ra, còn có các chức danh của người quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch và được quy định cụ thể tại Điều lệ Công ty.

9. Số lượng lao động dự kiến 

Tại thời điểm đăng ký thành lập, doanh nghiệp phải khai trong hồ sơ về số lượng lao động mà doanh nghiệp dự kiến sử dụng để các cơ quan có thẩm quyền quản lý.

10. Điều lệ công ty

Điều lệ công ty là biên bản thỏa thuận giữa những thành viên đối với công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc người sáng lập công ty với các cổ đông và giữa các cổ đông với nhau của công ty cổ phần cùng được soạn căn cứ trên những khuôn mẫu chung của luật pháp (luật doanh nghiệp, luật thuế, luật lao động, luật tài chính, kế toán…) để ấn định cách tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Theo quy định tại Điều 24 Luật DN 2020 thì:

“1. Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.”

Thông thường, ở giai đoạn mới thành lập, Điều lệ công ty chủ yếu ghi nhận các nội dung cơ bản nhất mà pháp luật quy định phải có, cụ thể:

“a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;

d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;

đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;

e) Cơ cấu tổ chức quản lý;

g) Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;

h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

i) Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;

k) Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;

l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;

m) Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;

n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.”

Song, sau quá trình hoạt động, tùy vào quy mô, cách thức tổ chức bộ máy và nhiều định hướng nội bộ khác mà Điều lệ có thể được điều chỉnh cho phù hợp.

Như vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật, Điều lệ công ty chính là văn bản, cũng là quy định xương sống mà doanh nghiệp phải bám sát, nghiêm túc tuân thủ để có thể tồn tại, hoạt động và phát triển bền vững.

11. Phương thức đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động

Tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động là nghĩa vụ của doanh nghiệp, kể cả ở thời điểm mới thành lập.  Thông tin về phương thức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là thông tin bắt buộc khai trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Phương thức đóng bảo hiểm xã hội (chọn 1 trong 3 phương thức):

Hàng tháng03 tháng một lần06 tháng một lần
  • Doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh chính là nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và trả lương theo sản phẩm, theo khoán: có thể lựa chọn 1 trong 3 phương thức đóng bảo hiểm xã hội nêu trên.
  • Doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh chính khác thì lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng.

12. Việc sử dụng hóa đơn điện tử

Căn cứ theo quy định tại Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019, quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CPThông tư 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khi mua – bán hàng hóa, dịch vụ từ ngày 01/7/2022.

Do đó, khi thực hiện hồ sơ thành lập doanh nghiệp từ ngày 01/07/2022, doanh nghiệp sẽ chọn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp mình.

>> Xem chi tiết quy định tại đây


Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh

1. Thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Hiện nay, tùy vào quy mô mà chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn các loại hình doanh nghiệp sau:

  1. Doanh nghiệp tư nhân
  2. Công ty TNHH 1 thành viên; Công ty TNHH hai thành viên trở lên
  3. Công ty Cổ phần
  4. Công ty Hợp danh

Vì mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ mang tính chất pháp lý, cơ cấu, vận hành khác nhau. Do đó, tùy vào loại hình doanh nghiệp mà thành phần hồ sơ nộp lên sẽ có sự khác nhau.

Tuy nhiên, thành phần hồ sơ cơ bản theo Luật Doanh nghiệp 2020 gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp (Phụ lục I Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
  2. Danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty Cổ phần)
  3. Danh sách thành viên góp vốn (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên)
  4. Điều lệ công ty
  5. Bản sao công chứng CMND/CCCD/Passport của các thành viên/cổ đông, người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền nộp hồ sơ (nếu có ủy quyền)
  6. Giấy ủy quyền (trường hợp người nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp).

2. Cách thức nộp hồ sơ

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục thành lập doanh nhiệp, hiện nay chủ doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính bằng hai cách sau:

Nộp trực tiếp

Nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Nộp trực tuyến

Scan và nộp bản scan 01 bộ hồ sơ qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có xác thực bằng Tài khoản đăng ký kinh doanh/Chữ ký số.

Ngoài ra, ở một số tỉnh/thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, có thể ủy thác cho dịch vụ bưu chính công ích để nhận, nộp và trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà.

3. Trình tự, thời hạn giải quyết

Bước 1: Nộp hồ sơ vào Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bước 2: Thẩm định hình thức, nội dung hồ sơ

Bước 3: Ra thông báo văn bản về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc từ chối hồ sơ

Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ hợp lệ.

Thời gian xử lý hồ sơ và ra kết quả là 03 – 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.


Các công việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp

Sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp GCN đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp đã chính thức được khai sinh. Tuy nhiên, tiếp theo, doanh nghiệp cần phải tiến hành các công việc sau đây để đi vào hoạt động đúng với quy định của pháp luật:

Bước 1

Mở tài khoản ngân hàng cho công ty (một ngân hàng bất kỳ).

Khuyến khích: Trong vòng 3 – 5 ngày sau khi nhận được Bản gốc GCN đăng ký doanh nghiệp.


Bước 2

Mua chữ ký số (Token) và Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Khuyến khích: Trong vòng 3  – 5 ngày sau khi được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp.


Bước 3

Khai báo thuế ban đầu tại Cơ quan thuế nơi công ty đặt trụ sở chính.

Trong vòng 30 ngày, kể từ khi được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp.


Bước 4

Gắn bảng tên công ty tại trụ sở chính.

Khuyến khích: Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp.


Bước 5

Tham gia BHXH/BHYT cho Người lao động.

Chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng mà Hợp đồng lao động có hiệu lực.

(Theo Luật BHXH 2014)


Bước 6

Khai trình lao động lần đầu tại Phòng LĐTBXH (dù không có người lao động tại thời điểm này).

Trong vòng 30 ngày, kể từ khi bắt đầu hoạt động.

(Theo Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)


Bước 7

Lập sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở chính.

Trong vòng 30 ngày, kể từ khi bắt đầu hoạt động.

(Theo Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)


Bước 8

Xây dựng và Ban hành Nội quy lao động; Đăng ký Nội quy lao động với Sở LĐTBXH.

Trường hợp có dưới 10 người lao động thì thời hạn ban hành Hệ thống thang lương, bảng lương tùy vào Doanh nghiệp. Trước khi áp dụng phải công bố công khai tại nơi làm việc.

(Theo Điều 93 Bộ Luật Lao động 2019)


Bước 9

Xây dựng và Ban hành Hệ thống thang lương, bảng lương; Đăng ký thang lương, bảng lương với Phòng LĐTBXH

(Việc đăng ký chỉ bắt buộc đối với doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên).

Trường hợp có dưới 10 người lao động thì thời hạn ban hành Hệ thống thang lương, bảng lương tùy vào Doanh nghiệp.Trước khi áp dụng phải công bố công khai tại nơi làm việc.

(Theo Điều 93 Bộ Luật Lao động 2019)

Lưu ý

  • Việc đóng lệ phí môn bài sẽ được miễn cho doanh nghiệp mới trong năm đầu tiên thành lập, kể từ năm thứ 2 (1/1 – 31/12) phải tiến hành đóng lệ phí môn bài như quy định tại Cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp.
  • Ngoài ra, chủ sở hữu công ty, các thành viên góp vốn của doanh nghiệp cũng cần tuân thủ về việc góp đủ vốn vào vốn điều lệ trong vòng 90 ngày, kể từ khi được cấp GCN ĐKDN.

Vì sao nên sử dụng dịch vụ thành lập doanh nghiệp?

Để một doanh nghiệp được khai sinh an toàn, thuận lợi và đúng quy định của pháp luật không phải là chuyện đơn giản. Bởi lẽ:

  • Các chủ doanh nghiệp lần đầu starup chưa nắm rõ bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp mình muốn thành lập.
  • Chưa nắm rõ thủ tục, quy trình đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
  • Hành lang pháp lý của doanh nghiệp mình sau khi thành lập ra sao?

Do đó, các Đơn vị cung cấp dịch vụ thành lập doanh nghiệp ngày càng phát triển và giữ một vai trò quan trọng trong việc tư vấn, tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp thay cho các chủ doanh nghiệp.


Dịch vụ thành lập doanh nghiệp uy tín của Monday VieNam

Monday VietNam với một đội ngũ chuyên gia, luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và pháp luật doanh nghiệp, được đào tạo và tốt nghiệp tại các trường Đại học uy tín.

Lựa chọn đáng tin cậy của các Chủ doanh nghiệp

Đến nay, chúng tôi đã đại diện và tư vấn thành công cho rất nhiều khách hàng, với một số lượng lớn các đơn đăng ký xác lập quyền Sở hữu trí tuệ đã nộp tại Việt Nam và nước ngoài, cùng nhiều doanh nghiệp được thành lập, hoạt động an toàn.

>> Tham khảo ngay: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp của Monday VietNam tại đây

6 ưu điểm vượt trội của Monday VietNam

Với hơn 7 năm kinh nghiệm tư vấn, thực hiện và phục vụ khách hàng về thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, Monday VietNam luôn tự tin trước từng khách hàng với 6 ưu điểm vượt trội:

Uy tín và chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm và chuyên môn

Phục vụ tận tâm.

Minh bạch và trung thực trong từng công việc, giảm tối đa rủi ro cho khách hàng.

Hỗ trợ các công việc cần thực hiện sau thành lập doanh nghiệp

Hướng dẫn Quý khách lưu trữ hồ sơ tại cơ sở đúng quy định pháp luật hiện hành


Để lại thông tin doanh nghiệp cần thành lập qua form sau để được tư vấn nhanh chóng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi
DMCA.com Protection Status