Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền tác giả vừa giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả vừa đảm bảo trật tự pháp lý trong việc sử dụng các tác phẩm sáng tạo của người khác. Tuy nhiên, để quyền tác giả được bảo vệ hiệu quả, cần phải hiểu rõ về các điều kiện và thời gian bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Sau đây, Monday VietNam sẽ làm rõ những vấn đề về điều kiện và thời hạn bảo hộ của quyền tác giả nhé.

Bảo hộ quyền tác giả là gì?
Bảo hộ quyền tác giả là việc pháp luật công nhận và bảo vệ quyền của tác giả đối với tác phẩm do họ sáng tạo ra, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, mục đích của việc bảo hộ này là đảm bảo rằng tác giả có quyền kiểm soát tác phẩm của mình, đồng thời ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người khác với tác giả.
>>>>> Xem thêm bài viết: Quyền Liên Quan Đến Quyền Tác Giả Là Gì? Điều Kiện Bảo Hộ
Điều kiện bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện để bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam bao gồm:
- Tác phẩm phải là tác phẩm sáng tạo: để được bảo hộ tác phẩm thì tác phẩm đó được trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của con người. Khi trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hoặc là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó thì tác phẩm cùng tác giả hoặc chủ sở hữu của tác phẩm đó mới được bảo hộ
- Tác phẩm phải đảm bảo tính nguyên gốc, là tác phẩm tự sáng tạo, không sao chép của người khác.
- Tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, thể hiện dưới các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức,… đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
- Tác phẩm phải không thuộc đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm:
- Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
- Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
- Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam
Tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ quyền tác giả của từng loại tác phẩm sẽ được quy định như sau:
- Bảo hộ vô thời hạn đối với quyền nhân thân của tác giả, bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
- Bảo hộ có thời hạn đối với quyền nhân thân là công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là:
- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên;
- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình;
- Với các tác phẩm không thuộc các loại hình trên thì có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết, nếu có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt vào năm thứ 50 sau khi đồng tác giả cuối cùng chết.
Lưu ý: Thời hạn bảo hộ sẽ được chấm dứt vào 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Bảo hộ quyền tác giả không chỉ là việc bảo vệ quyền lợi của tác giả mà còn giúp thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển văn hóa, khoa học, nghệ thuật trong xã hội. Để có thể bảo vệ quyền tác giả một cách tốt nhất, hãy liên hệ với Monday VietNam, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.