Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhiều doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong một số lĩnh vực, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, cần những chế tài để điều chỉnh và trừng trị các hoạt động sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp, trong đó, Bộ luật hình sự 2015 lần đầu ban hành quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trong một số lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của Doanh nghiệp gây ra.
Tuy nhiên, không phải Doanh nghiệp nào vi phạm cũng áp dụng Bộ luật hình sự để xử lý mà chỉ với doanh nghiệp là pháp nhân thương mại, và với doanh nghiệp như vậy sẽ có chế tài gì? Trong bài viết này, hãy cùng Monday Vietnam tìm hiểu trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp theo quy định của BLHS.
Pháp nhân thương mại là gì? Loại hình doanh nghiệp nào là pháp nhân thương mại?
Pháp nhân thương mại là gì?
Theo quy định BLDS, pháp nhân được chia thành 02 loại là “Pháp nhân thương mại” và “Pháp nhân phi thương mại”.
“Pháp nhân thương mại” được định nghĩa là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại sẽ bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Theo quy định này, để được xem là pháp nhân thương mại thì trước hết Doanh nghiệp đó phải là pháp nhân. Mà một pháp nhân phải thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:
- Được thành lập theo quy định pháp luật;
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định pháp luật;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Loại hình doanh nghiệp nào là pháp nhân thương mại
Theo ghi nhận tại Luật doanh nghiệp hiện hành, ở Việt Nam có 5 loại hình doanh nghiệp:
- Công ty cổ phần;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp tư nhân.
Trong đó chỉ có Doanh nghiệp tư nhân do Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và không được xem là pháp nhân thương mại.
>>> Xem thêm về đặc điểm của loại hình doanh nghiệp tại đây
Như vậy, đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại, nếu có “mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”, thì doanh nghiệp đó chính là pháp nhân thương mại và có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm.
Doanh nghiệp là pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự về tội gì?
Doanh nghiệp là pháp nhân thương mại được coi là một chủ thể và khi đã là chủ thể thì trong hoạt động của mình nếu doanh nghiệp gây thiệt hại hoặc thực hiện không đúng thì đều phải chịu sự trừng phạt và điều chỉnh của bộ luật hình sự. Bao gồm trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật hình sự hiện hành.
Có thể kể đến như: Tội rửa tiền; Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội trốn thuế; Tội lừa dối khách hàng…
Doanh nghiệp là pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ 04 điều kiện
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình phạt đối với doanh nghiệp là pháp nhân thương mại
Về nguyên tắc, mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, nhưng pháp nhân thương mại khi phạm tội sẽ không phải “đi tù” mà phải chịu một trong các hình phạt chính sau:
- Phạt tiền;
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung như:
- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
- Cấm huy động vốn;
- Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân, bởi lẽ pháp nhân không thể tự hoạt động nếu không có sự điều hành của những người có thẩm quyền nhất định.
Có thể kể đến là vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của nhãn hiệu bia Sài Gòn. Trong đó, bị cáo là pháp nhân thương mại – Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam. Đây là một trong những vụ án hình sự đầu tiên áp dụng quy định mới này.