Trong các dịp tết đến, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới để đi lễ chùa hay mừng tuổi cho người thân là nhu cầu rất cao của phần lớn người Việt Nam. Chính vì thế, trong các ngày cận tết, nhiều cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới cho người dân để ăn chênh lệch.
Phải khẳng định rằng, không phải ai cũng có quyền đổi tiền lẻ, tiền mới cho người khác mà chỉ có một số tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hợp pháp mới được thực hiện việc này. Như vậy, các cá nhân, tổ chức có hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới cho người khác để “ăn chênh lệch”, “kiếm lời” là vi phạm pháp luật.
Thực trạng mức ăn chênh lệch trong việc đổi tiền lẻ, tiền mới
Theo đó, tiền mệnh giá 1.000 – 2.000 đồng có phí đổi dao động từ 20 – 30%, tiền mệnh giá 5.000 đồng có phí đổi từ 15 – 20%; tiền mệnh giá 10.000 – 20.000 đồng có phí đổi từ 10 – 15%; tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi trung bình khoảng 7%; tiền mệnh giá 100.000 – 200.000 đồng có phí đổi khoảng 5%…
Phải đổi tiền lẻ ở đâu cho đúng quy định pháp luật?
Tại Điều 12, Điều 13 của Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định:
Ngân hàng Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng; chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài; Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Vì vậy, người dân khi đi đổi tiền lẻ, tiền mới thì chỉ nên đi đổi tại các cơ quan, tổ chức sau:
– Ngân hàng Nhà nước;
– Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước;
– Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng;
– Chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài;
– Kho bạc Nhà nước
Lưu ý đổi tiền lẻ, tiền mới đúng quy định trong dịp tết
1. Đổi tiền lẻ, tiền mới tại các cơ quan, tổ chức được phép thì KHÔNG MẤT PHÍ
2. Cách đổi tiền lẻ, tiền mới tại Ngân hàng, Tổ chức tín dụng
Ngân hàng, Tổ chức tín dụng cho khách hàng của mình đổi tiền lẻ nhưng không phải bất kỳ ai cũng được đổi. Vì vậy, người dân cần lưu ý các tiêu chí để có thể được đổi tiền tại Ngân hàng nhưu sau:
Đổi trước tết khoảng 2 – 3 tháng để tránh quá tải việc đổi tiền tại Ngân hàng;
Đổi tiền lẻ dịp Tết tại Ngân hàng, Tổ chức tín dụng mà mọi người có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là tài khoản có giao dịch nhiều và giao dịch lớn;
Đặc biệt, đổi tiền lẻ tại các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng mà mọi người có tài khoản tiết kiệm thì càng dễ dàng hơn vì được ưu tiên theo diện “khách hàng gửi tiền”.
Xử phạt vi phạm hành chính nếu đổi tiền lẻ không đúng quy định?
Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính:
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật;
Việc “Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” theo điều này gồm một trong các hành vi:
- Cá nhân, Tổ chức không được Nhà nước cho phép đổi tiền mà thực hiện việc đổi tiền để thu lợi nhuận từ người khác
- Cá nhân, tổ chức đổi tiền lẻ tại các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ đổi tiền bất hợp pháp.
Như vậy, việc cá nhân đổi tiền lẻ, tiền mới vào dịp Tết mà rơi vào một trong hai trường hợp nêu trên thì vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 – 40.000.000 đồng. Đối với tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi của cá nhân.
>> Xem thêm: Bản tin pháp luật Tháng 1 năm 2023
@Minh Thư trình bày