Các hình thức kinh doanh, buôn bán quy mô nhỏ lẻ như trang trại nông nghiệp nhỏ, shop thời trang, mỹ phẩm, quán ăn, cửa hàng tạp hóa, bán buôn hàng hóa tiêu dùng,… do các cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình làm chủ sở hữu đã trở nên cực kỳ phổ biến trong nhiều năm trở lại đây.

Với nguồn vốn ít, tự hoạt động, tự quản lý mà Hộ kinh doanh trở thành mô hình được nhiều người ưu tiên lựa chọn để khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà bất kỳ ai khi kinh doanh theo mô hình này cũng cần được biết đó là việc nộp các thuế của hộ kinh doanh.  Vậy theo quy định của pháp luật, hộ kinh doanh (sau đây gọi là HKD) có phải nộp thuế giống như doanh nghiệp không? Hộ kinh doanh phải nộp các loại thuế nào?

Hộ kinh doanh có phải nộp thuế như doanh nghiệp?

Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (sau đây gọi là Luật Quản lý thuế 2019) thì:

“Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật”. Theo đó, hộ kinh doanh chính là một trong những chủ thể kinh doanh có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. 

Mặc dù HKD cũng có mã số thuế, có nghĩa vụ nộp thuế từ việc kinh doanh nhưng nó không mang bản chất là một doanh nghiệp và không tồn tại như một doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, có thể hiểu rằng HKD sẽ không nộp thuế giống như doanh nghiệp được.

Tùy vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động mà HKD sẽ phải nộp các loại thuế tương ứng theo quy định của Luật thuế chuyên ngành. 

Hiểu thế nào về việc nộp thuế của Hộ kinh doanh?

Trước hết, chúng ta cần biết HKD là gì? Việc nắm rõ tính chất pháp lý của HKD giúp ta hiểu và xác định HKD phải nộp thuế gì? Theo Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 01/2021).

“Hộ kinh doanh do cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.  

Trong đó, HKD sẽ có một người đứng ra đại diện cho HKD, gọi là chủ hộ kinh doanh.

  • Nếu HKD do một cá nhân làm chủ sở hữu thì cá nhân đó cũng chính là chủ hộ kinh doanh.
  • Nếu HKD do hộ gia đình làm chủ sở hữu thì hộ gia đình phải cử một thành viên trong hộ để đại diện cho HKD, thành viên này sẽ là chủ hộ kinh doanh.

Vì HKD gắn chặt với tư cách pháp lý của chủ sở hữu nên cá nhân, hộ gia đình là chủ sở hữu hộ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của HKD. Kéo theo đó, nghĩa vụ nộp thuế và loại thuế phải nộp khi kinh doanh mô hình này sẽ quy về thuế của cá nhân chứ không phải là thuế của doanh nghiệp.

>> Xem thêm: Quy định pháp luật về Hộ kinh doanh

Các loại thuế Hộ kinh doanh phải nộp?

Theo quy định của Luật quản lý thuế 2019, HKD cần phải nộp các loại thuế sau đây:

  • Thuế môn bài;
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
  • Các loại thuế khác (tùy vào ngành nghề kinh doanh mà pháp luật có liên quan quy định phải nộp). VD: thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường,…

1. Lệ phí (thuế) môn bài

Lệ phí môn bài là thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản pháp luật, thay thế cho “thuế môn bài” từ năm 2017. 

Hiểu đơn giản: Lệ phí môn bài là một khoản tiền mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải nộp cho ngân sách nhà nước vào định kỳ hàng năm hoặc khi mới bắt đầu bước ra khai trương sản xuất, kinh doanh

Đặc điểm của lệ phí môn bài là nó đánh vào sự tồn tại hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh của một năm. Nghĩa là sau khi nộp lệ phí môn bài, cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ được cấp thẻ môn bài, đánh dấu rằng cơ sở của mình đã được hoạt động kinh doanh hợp pháp. 

Đối với hộ kinh doanh, mức lệ phí môn bài phải nộp sẽ dựa vào tổng doanh thu trong năm của hộ kinh doanh đó. Tùy vào mức doanh thu sẽ có mức lệ phí tương ứng phải nộp.

Mức lệ phí môn bài hộ kinh doanh phải đóng?

Theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP thì mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh như sau:

Trường hợp Mức lệ phí phải đóng/năm
Doanh thu >500 triệu đồng/năm1.000.000 đồng/năm
Doanh thu >300 đến 500 triệu đồng/năm500.000 đồng/năm
Doanh thu >100 đến 300 triệu đồng/năm300.000 đồng/năm
Doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuốngMiễn đóng
HKD sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cáMiễn đóng
Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố địnhMiễn đóng
HKD được thành lập sau ngày 25/02/2020Miễn đóng cho năm đầu tiên
(năm dương lịch mà HKD được thành lập)

Trong đó, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cụ thể là loại doanh thu nào sẽ được lấy làm căn cứ xác định mức doanh thu cho việc nộp lệ phí môn bài hàng năm. 

Như vậy, khi quyết định bắt đầu khai trương sản xuất, kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh thì lệ phí môn bài sẽ là khoản tiền mà cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình phải kê khai để tính lệ phí tại cơ quan thuế. Đánh dấu sự cho phép hoạt động của Nhà nước đối với hộ kinh doanh của mình. 

>>> Chi tiết mức nộp lệ phí và thời hạn nộp lệ phí hàng năm đọc thêm Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP.

2. Thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng 2008: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

Khi nhắc đến thuế giá trị gia tăng người ta thường biết đến với tên gọi thông dụng hơn là “thuế VAT”.

Nói một cách dễ hiểu: loại thuế này đánh vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ, từ khi nó được sản xuất ra, đến khi luân chuyển qua các khâu lưu thông và cuối cùng là phân phối cho người tiêu dùng.

Mỗi khâu nói trên đều làm cho hàng hóa, dịch vụ tăng thêm một phần giá trị. Tuy nhiên, người cuối cùng hưởng được giá trị của hàng hóa, dịch vụ chính là người tiêu dùng. Vì thế mà người tiêu dùng là người sẽ phải chịu loại thuế này, bằng cách là tiền thuế sẽ tính vào giá cả hàng hóa. 

Người tiêu dùng là người chịu thuế, vậy tại sao hộ kinh doanh vẫn phải nộp thuế GTGT?

Ta nên biết, người chịu thuế và người nộp thuế là hai thuật ngữ khác nhau. Người chịu thuế là người thật sự chi trả tiền của mình vào tiền thuế nộp cho Nhà nước. Còn người nộp thuế là người sẽ mang tiền đi nộp. Trong nhiều trường hợp, người nộp thuế cũng chính là người chịu thuế. 

Với thuế GTGT thì người nộp và người chịu thuế không trùng nhau. Điều này cũng dễ hiểu, vì người tiêu dùng không thể cứ mua 1 loại hàng hóa, sử dụng 1 dịch vụ lại phải đi kê khai nộp thuế. Để tránh sự bất tiện cho người tiêu dùng và cơ quan thuế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh (nơi cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường) sẽ là bên tổng kết nộp thuế GTGT để thuận tiện và hệ thống hơn.

Đó là lý do mà Hộ kinh doanh phải nộp thuế GTGT.

3. Thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì hộ kinh doanh phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Nói một cách dễ hiểu: Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà một cá nhân có thu nhập cần phải trích ra để nộp vào ngân sách nhà nước, nếu tổng nguồn thu nhập của người này thuộc vào mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật.

Tại sao hộ kinh doanh phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Dựa trên tư cách pháp lý để nộp thuế thì theo quy định của pháp luật sẽ có hai loại thuế theo tư cách pháp lý của người nộp, gồm:

  • Doanh nghiệp, các tổ chức khác: nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Cá nhân: nộp thuế thu nhập cá nhân

Như đã nói ở trên, HKD chính là một cơ sở sản xuất do cá nhân hoặc hộ gia đình đăng ký thành lập và làm chủ sở hữu. Nó không phải là doanh nghiệp hay là một tổ chức có tư cách pháp nhân mà tư cách pháp lý của nó gắn liền với chủ sở hữu là một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình. Vì vậy, không phải là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Có nghĩa là, HKD phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Và cá nhân phải nộp thuế chính là chủ HKD.

Lưu ý chung cho Hộ kinh doanh về việc đóng thuế GTGT và thuế TNCN

Thứ nhất, căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.  

Thứ hai, doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNCN của HKD chính là doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch, gồm: 

  • Toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ,
  • Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; 
  • Các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; 
  • Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN)
  • Doanh thu khác mXà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Thứ ba, tùy vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh và quy mô của HKD (quy mô nhỏ hay quy mô lớn) mà HKD sẽ có tỷ lệ tính thuế, phương pháp tính thuế khác nhau. 

>>> Xem hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 40/2021 của Bộ tài chính.

Trường hợp nào Hộ kinh doanh không phải đóng Thuế GTGT và Thuế TNCN?

Theo Nguyên tắc tính thuế được đặt ra với HKD, không phải mọi HKD đều phải nộp Thuế GTGT và Thuế TNCN. Mà chỉ khi tổng doanh thu (cộng, trừ tất cả các nguồn doanh thu thuộc vào loại doanh thu chịu thuế) đạt 100 triệu đồng/năm trở nên mới phải đóng các loại thuế trên. Nghĩa là, hộ kinh doanh nào có tổng doanh thu trong năm dương lịch dưới 100 triệu đồng/năm thì sẽ không phải nộp thuế. 

Nói tóm lại, nếu bạn thành lập một hộ kinh doanh, trước hết bạn phải chịu lệ phí môn bài như một khoản tiền để được cấp quyền hợp pháp hoạt động cho HKD của bạn. Sau đó, tùy vào nhiều yếu tố hoạt động của hộ kinh doanh: như ngành nghề, quy mô,…mà có cách khai thuế, nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Thông tư 40/2021. Cuối cùng, tùy vào tổng mức doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh của bạn trong năm dương lịch có đạt 100 triệu đồng/năm hay không để biết mình có cần phải nộp thêm thuế GTGT và thuế TNCN hay không.

Minh Thư

©Monday VietNam

>>> Xem thêm: Dịch vụ đăng ký Hộ kinh doanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi
DMCA.com Protection Status