Nguy hại của việc tăng khống vốn điều lệ đối với doanh nghiệp. Tăng vốn điều lệ (VĐL) là hoạt động doanh nghiệp (DN) thực hiện khi muốn mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng hạn mức vay của ngân hàng. Hiện nay có nhiều DN đăng ký VĐL khá cao, nhưng không phải DN nào cũng có VĐL thực tế tương xứng. Việc tăng VĐL có ảnh hưởng gì đến DN?

Xét về lợi của việc tăng cao vốn điều lệ
  1. Tăng mức mức độ tin tưởng về DN với các đối tác, khách hàng. Đối với các hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn, DN có VĐL cao sẽ tạo niềm tin cho đối tác trong việc thực hiện giao kết hợp đồng.
  2. Tăng hạn mức vay từ ngân hàng. Các DN có VĐL lớn sẽ dễ tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng hơn, đồng thời hạn mức vay cũng sẽ cao hơn so với các DN có VĐL thấp.
Rủi ro của việc tăng vốn khống

Bên cạnh những lợi ích mà việc tăng VĐL mang lại, DN cần xem xét đến những hạn chế và rủi ro của việc tăng vốn này, đặc biệt là “tăng khống” vốn điều lệ, cụ thể:

  1. Mức phí đóng thuế môn bài sẽ tăng lên dựa trên mức VĐL sau khi tăng. Căn cứ vào Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về lệ phí môn bài, căn cứ để tính lệ phí môn bài là dựa vào VĐL của DN. Do đó, VĐL càng cao thì lệ phí môn bài cũng sẽ cao.
  2. Tăng mức độ chịu trách nhiệm của các thành viên trong DN. Khi DN tăng khống vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc vốn góp của các thành viên cũng tăng không tương xứng với vốn thực góp, từ đó trách nhiệm của các thành viên cũng tăng lên, đây là một rủi ro mà DN cần cân nhắc.
  3. Ảnh hưởng đến uy tín của DN. Việc tăng khống VĐL để có thể dễ dàng giao kết các hợp đồng lớn nhưng thực tế DN đó không đủ khả năng tài chính để thực hiện hợp đồng này. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín cũng như hiệu quả kinh doanh của DN.
  4. Ảnh hưởng đến hồ sơ sổ sách kế toán của DN. Việc tăng khống VĐL sẽ làm cho bộ phận kế toán – tài chính “đau đầu” khi phải cân nhắc, tính toán hợp lý để “hợp thức hóa” các loại giấy tờ.
  5. Rắc rối khi làm thủ tục thay đổi VĐL. Khi tăng VĐL, DN phải thực hiện thủ tục Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và Đầu tư. Thủ tục này cũng khá phức tạp đối với những DN chưa nắm rõ các quy định của pháp luật.
  6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi kê khai khống vốn điều lệ là hành vi bị cấm theo khoản 5 Điều 16 Luật doanh nghiệp 2020. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra hành vi này, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, ngoài ra, doanh nghiệp buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ bằng số vốn đã góp (quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

Từ ngày 01/01/2022, Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định hành vi khai khống vốn điều lệ có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng

Cụ thể, tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với vi phạm về kê khai vốn điều lệ như sau:

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Trước những hệ quả mà việc tăng khống vốn điều lệ mang lại, DN cần cân nhắc kỹ khi thực hiện hoạt động này. DN nên cân đối mức VĐL hợp lý để đảm bảo cho quá trình hoạt động kinh doanh của mình.

LS. Nhan Mai Luyến

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi