Câu hỏi

Nhãn hiệu đang đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý thì có được giải quyết hay xử lý không?

Câu trả lời

Việc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu là quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu (hay còn được gọi là quyền sở hữu công nghiệp). Được hình thành khi đã xác lập sự bảo hộ thông qua cơ chế đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 (Luật SHTT) về căn cứ xác lập quyền quy định: quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật SHTT hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật SHTT đề cao tiêu chí nhãn hiệu được bảo hộ. Cụ thể:  

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”

Do đó, khi nhãn hiệu chỉ đang dừng ở giai đoạn nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ mà nhãn hiệu đó bị xâm phạm bởi chủ thể khác thì không có cơ sở để cơ quan chức năng xử lý vì “nhãn hiệu bị xâm phạm” chưa xác lập sự bảo hộ theo quy định pháp luật có liên quan.

>> Xem thêm bài viết Đăng ký nhãn hiệu tại Cần Thơ

Thùy Duyên

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi