Sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (sau đây gọi là GCN đăng ký doanh nghiệp), doanh nghiệp đã chính thức được khai sinh. Tuy nhiên, khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp cần lưu ý những việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp sau đây để đảm bảo hoạt động một cách an toàn về mặt pháp lý:

Bước 1: Mở tài khoản ngân hàng cho công ty

Vì sao phải mở tài khoản ngân hàng cho Công ty?

Pháp luật Việt Nam hiện hành không bắt buộc doanh nghiệp phải mở tài khoản Ngân hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tạo tài khoản ngân hàng doanh nghiệp đã phát huy được ưu việt của nó đối với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, như:

Đáp ứng được yêu cầu của Cơ quan thuế quản lý về việc đóng thuế điện tử (gần 90% các chi cục thuế sẽ yêu cầu Doanh nghiệp thanh toán thuế điện tử để tránh rườm rà về thủ tục hành chính khi nộp trực tiếp)

  • Tạo sự uy tín, chuyên nghiệp của doanh nghiệp trước các Khách hàng và Đối tác
  • Là một trong những kênh kiểm soát nguồn thu chi tài chính của doanh nghiệp hiệu quả
  • Là cơ sở minh chứng các nguồn thu chi tương ứng với các hóa đơn đầu vào, đầu ra.

Hiểu về tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp

Tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp (Tài khoản doanh nghiệp) là tài khoản do doanh nghiệp mở tại các tổ chức tín dụng bất kỳ và doanh nghiệp là chủ sở hữu. Theo Thông tư 02/2019/TT-NHNN:

“Tài khoản thanh toán của tổ chức là tài khoản do khách hàng là tổ chức mở tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Chủ tài khoản thanh toán của tổ chức là tổ chức mở tài khoản. Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi chung là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện”.

Thời điểm mở tài khoản ngân hàng cho công ty?

Việc mở tài khoản ngân hàng cho công ty sẽ không có quy định về thời hạn. Tuy nhiên, tài khoản ngân hàng sẽ cần để thực hiện các thủ tục khai báo thuế ban đầu. Vì vậy, khuyến khích doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng sớm để thuận tiện cho các công việc về sau.

Khuyến khích: 3 – 10 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.


Bước 2: Mua chữ ký số (Token)

Mặc dù chữ ký số đã được sử dụng phổ biến nhưng cũng có không ít doanh nghiệp chưa nắm rõ được chức năng và tầm quan trọng của nó, nhất là trong thời đại chuyển đổi số như hiện nay.

Chữ ký số là gì?

Chữ ký số được định nghĩa trong Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số:

“Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Dưới góc độ doanh nghiệp sử dụng Chữ ký số (Token) thì Chữ ký số là một thiết bị đã mã hóa tất cả dữ liệu, thông tin của một doanh nghiệp và ký thay cho chữ ký “truyền thống” lên các văn bản, tài liệu của doanh nghiệp.

Chữ ký số = Chữ ký của người có quyền ký + Dấu mộc đỏ của doanh nghiệp.

Vì sao doanh nghiệp cần có Chữ ký số ?

Mặc dù việc mua và sử dụng chữ ký số không phải là việc bắt buộc đối với doanh nghiệp. Song, phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng chữ ký số trong việc ký văn bản, tài liệu bởi nó mang lại sự tiện ích trong nhiều hoạt động như:

  • Kê khai, nộp hồ sơ cho các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội và các giao dịch khác giữa doanh nghiệp và Cơ quan nhà nước bằng hình thức điện tử
  • Giao dịch ngân hàng điện tử
  • Giao dịch chứng khoán điện tử
  • Ký hợp đồng điện tử với các đối tác, khách hàng qua giao dịch trực tuyến

Bằng việc ký số, doanh nghiệp và các bên có liên quan tiết kiệm được chi phí, thời gian trong việc xác thực thông tin, hướng dẫn xác lập các giao dịch nhanh chóng hơn gấp nhiều lần mà vẫn được công nhận giá trị như việc ký và đóng dấu vào bản giấy “truyền thống”.

Hiện nay có nhiều cơ quan nhà nước cũng đã yêu cầu doanh nghiệp giao dịch với họ thông qua hình thức ký số, do đó, việc mua chữ ký số là một điều cần thiết.

Mua chữ ký số của doanh nghiệp như thế nào?

Chữ ký số mã hóa dữ liệu của doanh nghiệp, đòi hỏi tính bảo mật cao. Do đó, các đơn vị muốn cung cấp dịch vụ chữ ký số sẽ chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay, có hơn 15 tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số như: IETTEL, VNPT, FPT, BKAV, CK, VINA, NEWTEL, NACENCOMM, SAFE-CA…

Hầu hết các chữ ký số của các nhà cung cấp đều có tính năng tương tự nhau, thế nên, việc cân nhắc sử dụng dịch vụ chữ ký số của nhà cung cấp nào là dựa vào giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng và các ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình sử dụng.

Thời gian để mua thành công chữ ký số là 3 – 5 ngày làm việc (tùy nhà cung cấp)

Giấy tờ cần cung cấp: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy tờ chứng thực cá nhân người đại diện theo pháp luật (CCCD/CMND/Passport).

Chi phí: giá của chữ ký số sẽ phụ thuộc vào loại chữ ký số, nhà cung cấp chữ ký số và thời hạn sử dụng chữ ký số.


Bước 3: Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 119/2018/NĐ-CP định nghĩa:

2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định này bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.”

Theo góc độ sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, hóa đơn điện tử là hình thức hóa đơn bằng dữ liệu điện tử, cũng bao gồm tất cả các loại hóa đơn như các loại hóa đơn bằng giấy.

Bắt buộc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

Theo quy định, từ ngày 01/07/2022, mọi doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khi mua – bán hàng hóa, dịch vụ. Việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử sẽ được thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật sau:

  • Luật Quản lý thuế 2019
  • Nghị định 123/2020/NĐ-CP
  • Thông tư 78/2022/TT-BTC

Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử

Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ thì các doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thông qua tổ chức dịch vụ hóa đơn điện tử:

“Điều 15. Đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (bao gồm cả đăng ký hóa đơn điện tử bán tài sản công, hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia) thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.”


Bước 4: Khai báo thuế ban đầu

Riêng về doanh nghiệp, Khai báo thuế ban đầu là việc doanh nghiệp cần thực hiện với Cơ quan quản lý thuế sau khi được cấp GCN ĐKDN. Cụ thể là tiến hành kê khai, thông báo với Cơ quan quản lý thuế về:

  • Chế độ kế toán
  • Phương pháp khấu hao tài sản
  • Các thủ tục khác về thuế để thực hiện các hoạt động kê khai, báo cáo, quyết toán, nộp thuế trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Hình thức khai báo thuế ban đầu: Nộp hồ sơ khai báo thuế ban đầu tại trụ sở của Cơ quan thuế quản lý

Cơ quan thuế tiếp nhận: Chi cục thuế cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc Cục thuế tỉnh/thành phố.

**Thông tin về Cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp sẽ được ghi nhận trong “Thông báo về cơ quan thuế quản lý” mà Cơ quan đăng ký kinh doanh gửi cho Doanh nghiệp cùng thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thời hạn khai thuế ban đầu

1. Trường hợp Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi được cấp GCN ĐKDN (ngày hoạt động trùng với ngày ghi trên GCN ĐKDN): Ngày cuối cùng của tháng ghi trên GCN ĐKDN.

Ví dụ: Ngày ghi trên GCN ĐKDN là ngày 10/01/2023 thì ngày 30/01/2023 là thời hạn cuối cùng phải nộp hồ sơ khai báo thuế ban đầu cho Chi cục thuế quản lý doanh nghiệp.

2. Trường hợp Doanh nghiệp chưa hoạt động vào ngày được cấp GCN ĐKDN thì Khai thuế ban đầu trong vòng 30 ngày, kể từ ngày cấp được ghi trên GCN ĐKDN.


Bước 5: Gắn bảng tên công ty tại trụ sở chính

Việc gắn bảng tên/bảng hiệu công ty là một trong những công việc mà pháp luật quy định phải thực hiện để thể hiện rằng nơi gắn bảng tên là trụ sở/địa điểm hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể:

Theo khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020:

“4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”.

Gắn bảng tên công ty như thế nào cho đúng quy định?

Bảng tên công ty tối thiểu phải có các thông tin sau:

  1. Tên đầy đủ của doanh nghiệp như ghi trên GCN ĐKDN
  2. Địa chỉ nơi đặt bảng tên công ty
  3. Mã số thuế công ty

Việc gắn bảng tên công ty sẽ phải tuân thủ quy định về nội dung, kích thước và văn hóa của việc gắn biển hiệu nói chung theo quy định tại Điều 34 Luật Quảng Cáo 2012.

Mặc dù pháp luạt không quy định về thời hạn phải gắn bảng tên công ty tại trụ sở. Tuy nhiên, việc gắn bảng tên công ty là bắt buộc nên doanh nghiệp cần thực hiện càng sớm càng tốt sau khi được cấp GCN ĐKDN.

Xử phạt vi phạm hành chính khi không gắn bảng tên công ty?

Trong trường hợp Cơ quan có thẩm quyền đi kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp mà phát hiện hành vi không gắn hoặc gắn không đúng quy định bảng tên công ty thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Việc không gắn bảng tên công ty tại trụ sở sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 52 Nghị định 122/2021-NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Hành vi gắn bảng tên công ty không đúng quy định về kích thước, nội dung, văn hóa quảng cáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong văn hóa và quảng cáo.


Bước 6: Tham gia Bảo hiểm xã hội/Bảo hiểm y tế cho Người lao động

Ai phải tham gia bảo hiểm xã hội “bắt buộc”?

Bảo hiểm xã hội (BHXH) có 2 dạng là:

  1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo quy định của pháp luật, Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

1. Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Giải thích thêm: “Bắt buộc” nghĩa là cả người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động không được quyền lựa chọn hay thỏa thuận với nhau là có tham gia hay không tham gia BHXH.

Thời hạn tham gia Bảo hiểm xã hội cho Người lao động?

Doanh nghiệp sử dụng lao động là chủ thể có trách nhiệm đăng ký tham gia BHXH cho từng người lao động trong doanh nghiệp đến Cơ quan BHXH có thẩm quyền theo đúng thời hạn quy định.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời hạn mà doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

Như vậy, khi có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận công việc không thông qua hình thức văn bản nhưng bộc lộ rõ tính chất về mối quan hệ lao động như hợp đồng lao động thì doanh nghiệp phải tiến hành lập hồ sơ tham gia BHXH cho người lao động và nộp lên Cơ quan BHXH có thẩm quyền trong vòng 30 ngày, kể từ ngày Hợp đồng lao động, Hợp đồng làm việc có hiệu lực hoặc ngày mà mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác lập.

Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không tham gia đúng hạn, tham gia không đúng đối tượng theo quy định của Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội,…

>> Chi tiết xem thêm Bộ Luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014


Bước 7: Khai trình lao động lần đầu tại Phòng LĐTBXH

Khai trình lao động lần đầu là gì?

Khai trình lao động lần đầu là việc doanh nghiệp tiến hành khai báo lần đầu tiên với Cơ quan quản lý lao động nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính về việc sử dụng lao động sau khi doanh nghiệp thành lập. Nói một cách dễ hiểu thì đây là thủ tục để doanh nghiệp khai báo với Cơ quan quản lý lao động về số lượng người lao động tại doanh nghiệp thời điểm mới thành lập và đi vào hoạt động.

Cơ quan quản lý lao động tiếp nhận việc khai trình lao động của doanh nghiệp là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận/huyện hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Khai trình lao động lần đầu như thế nào?

Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết một số điều của Bộ luật lao động 2019:

Đối với doanh nghiệp mới thành lập theo Nghị định 01/2021-NĐ-CP và Nghị định 122/2020/NĐ-CP thì việc khai trình lao động lần đầu, cấp mã đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đã được phối hợp, liên thông với thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp, Cơ quan quản lý lao động đã nhận được thông tin khai báo lao động của doanh nghiệp thông qua hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý: Số lượng người lao động dự kiến được kê khai trong hồ sơ liên thông đăng ký doanh nghiệp chỉ mang tính “dự kiến” của doanh nghiệp. Do đó, đây không là căn cứ để xác định số lượng người phải tham gia bảo hiểm xã hội của doanh sau khi được cấp GCN ĐKDN. Vậy nên, doanh nghiệp cần căn cứ vào số lượng người lao động mà doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động trên thực tế để xác định số lượng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội.


Bước 8: Lập sổ quản lý lao động

Số quản lý lao động là tài liệu của doanh nghiệp ghi nhận tất cả thông tin cần thiết của người lao động để doanh nghiệp (người sử dụng lao động) quản lý lao động của doanh nghiệp mình một cách hệ thống, chặt chẽ và làm cơ sở báo cáo với Cơ quan quản lý lao động khi có yêu cầu.

Việc lập sổ quản lý lao động là công việc bắt buộc và cần cập nhật xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, được quy định trong Bộ luật lao động 2019 và Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử nhưng phải bảo đảm các thông tin cơ bản về người lao động, gồm: họ tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi cư trú; số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; trình độ chuyên môn kỹ thuật; bậc trình độ kỹ năng nghề; vị trí việc làm; loại hợp đồng lao động; thời điểm bắt đầu làm việc; tham gia bảo hiểm xã hội; tiền lương; nâng bậc, nâng lương; số ngày nghỉ trong năm; số giờ làm thêm; học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do.


Bước 9: Ban hành Nội quy lao động của công ty

Nội quy lao động là gì?

Nội quy lao động là một văn bản do người sử dụng lao động ban hành ra nhằm tạo ra và duy trì kỷ luật trong lao động của đơn vị và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nội quy lao động cũng là cơ sở để xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm.

Quy định về ban hành nội quy lao động

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019:

1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.

2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

b) Trật tự tại nơi làm việc;

c) An toàn, vệ sinh lao động;

d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

h) Trách nhiệm vật chất;

i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, ban hành Nội quy lao động là việc bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện, nếu doanh nghiệp có trên 10 người lao động thì Nội quy lao động thành văn bản. Trước khi áp dụng sẽ lấy ý kiến của Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.

Có phải đăng ký Nội quy lao động với Cơ quan có thẩm quyền?

Mọi doanh nghiệp đều bắt buộc ban hành Nội quy lao động. Tuy nhiên, việc đăng ký Nội quy lao động đó với Cơ quan có thẩm quyền thì chỉ bắt buộc đối với doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên.

Doanh nghiệp đăng ký Nội quy lao động tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký Nội quy lao động: Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chính thức ban hành Nội quy lao động.

>> Chi tiết về việc đăng ký Nội quy lao động được quy định tại Điều 119, Điều 120 Bộ luật lao động 2019.


Bước 10: Ban hành Hệ thống thang lương, bảng lương

Căn cứ khoản 1 Điều 93 Bộ Luật lao động 2019:

“1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động”

Theo Điều 1 Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 9/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về Tiền lương thì:

“2. Bổ sung vào cuối điểm a khoản 2 Điều 10 Chương IV như sau:

Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.”

Từ 2 quy định trên, kết luận rằng:

  • Việc xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương là bắt buộc doanh nghiệp thực hiện để làm cơ sở cho tuyển dụng, sử dụng, quản lý lao động tại doanh nghiệp. Trước khi áp dụng phải lấy ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc để người lao động được biết.
  • Riêng việc đăng ký thang lương, bảng lương với Cơ quan có thẩm quyền chỉ bắt buộc đối với những doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên.

Trường hợp có dưới 10 người lao động thì thời hạn ban hành Hệ thống thang lương, bảng lương tùy vào Doanh nghiệp.

LƯU Ý QUAN TRỌNG


  • Việc đóng lệ phí môn bài sẽ được miễn cho doanh nghiệp mới trong năm đầu tiên thành lập, kể từ năm thứ 2 (1/1 – 31/12) phải tiến hành đóng lệ phí môn bài như quy định tại Cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp.
  • Ngoài ra, chủ sở hữu công ty, các thành viên góp vốn của doanh nghiệp cũng cần tuân thủ về việc góp đủ vốn vào vốn điều lệ trong vòng 90 ngày, kể từ khi được cấp GCN ĐKDN.

Monday VietNam cung cấp Gói dịch vụ thành lập doanh nghiệp trọn gói

Monday VieNam cung cấp gói dịch vụ thành lập và các công việc sau thành lập – đảm bảo độ an toàn về mặt pháp lý để doanh nghiệp bắt đầu hoạt động

>> Xem thêm: Tư vấn doanh nghiệp

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi
DMCA.com Protection Status