Ngày nay, con người đang dần phát triển và kiến tạo nhiều giá trị cho nhân loại. Có thể nhận thấy rõ ràng nhất thông qua những sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống ra đời từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Qua đó nền tảng tri thức dần được thiết lập và hình thành, bởi hàm lượng tri thức trong sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Cùng với sự phát triển đó là sự tồn tại của những thời cơ và thử thách đặt ra của thời đại. Trong những thách thức đó có vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và mối liên quan với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Hay cụ thể hơn đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong bài viết này là quyền tác giả.

Để có thể tiếp cận và làm rõ bản chất của vấn đề, trước hết cần hiểu rõ một số định nghĩa được đề cập đến trong bài viết. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành (Luật SHTT), quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Như vậy, theo quy định, quyền tác giả là môt đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Khoản 2 Điều 4 Luật SHTT quy định rõ:“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Pháp luật hiện hành quy định quyền tác giả bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình tạo ra hoặc sở hữu.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là tên gọi được bắt nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng đang diễn ra và ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với đặc điểm nổi bật là sự xóa nhòa những giới hạn, ranh giới về không gian hay rào cản về thời gian, cuộc cách mạng đã mở ra một thời đại mới về khả năng và tốc độ lan truyền thông tin.

Dù bất kỳ ở đâu, dù bất kỳ thời gian nào, chỉ cần là khi đang tồn tại trong “môi trường 4.0” thì đều có thể tiếp cận được các nguồn thông tin từ mọi nơi trên thế giới. Và các tác phẩm – đối tượng của quyền tác giả cũng là một trong những nguồn thông tin được khai thác chủ yếu trên nền tảng công nghệ.

Chính vì vậy, tại Việt Nam cuộc cách mạng đã và đang thay đổi nhiều mặt của đời sống. Mọi người dân đa phần tiếp cận thông tin thông qua các nền tảng mang xu hướng số hóa như giải trí trực tuyến, ngân hàng số, ví điện tử, tiếp cận kiến thức trực tuyến,…Kéo theo đó là thực trạng về hàng loạt hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Một số hành vi xâm phạm quyền tác giả phổ biến trong giai đoạn hiện nay có thể kể đến như đăng tải các bài nhạc, bộ phim trên những nền tảng mạng xã hội riêng mà không được sự cho phép của tác giả; scan, đăng tải và phát tán sách, truyện trái phép;… và vô số hành vi xâm phạm áp dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi dẫn đến sự quản lý, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn.

Quay ngược thời gian để cùng nhìn lại một ví dụ cụ thể cho hành vi xâm phạm quyền tác giả một cách ngang nhiên trong khoảng thời gian gần đây. Chắc hẳn các bạn sẽ còn nhớ sự kiện trang web phim được đông đảo sự yêu thích từ khán giả và nhận được hàng ngàn lượt truy cập mỗi ngày mang tên “PHIM MỚI” bị đánh sập vì lý do vi phạm bản quyền. Trang web này được biết đến là một trong những trang khai thác, sao chép, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.

Điều đáng nói sau sự kiện bị đánh sập vì lý do bản quyền thì “PHIM MỚI” lại tái xuất với tên miền mới và rất nhiều lần như vậy. Nội dung vừa trình bày chỉ là một trong chuỗi sự kiện nổi bật về hành vi xâm phạm bản quyền có quy mô lớn tại Việt Nam. Qua đó, có thể thấy rằng trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, quyền tác giả đang bị xâm phạm rất nghiêm trọng và đòi hỏi cần có một cơ chế, chính sách phù hợp nhằm điều chỉnh tình trạng này. Thành quả sáng tạo bởi trí tuệ của con người cần được tôn trọng, quyền tác giả của tác giả hay chủ sở hữu cần được bảo vệ.

Để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay khi mà số lượng hành vi xâm phạm trên môi trường Internet đang càng ngày gia tăng. Các nhà làm luật Việt Nam đã bổ sung điều 198b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 quy định về Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

Xem thêm dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả: https://mondayvietnam.com/dang-ky-ban-quyen-tac-gia/

Xem thêm các văn bản pháp luật liên quan đến Sở hữu trí tuệ tại đây.

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi