Quyền của các tác giả và các chủ sở hữu tác phẩm được gọi là quyền tác giả. Và một số người còn gọi là bản quyền. Vậy, quyền tác giả và bản quyền có đồng nghĩa hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này cùng với Monday Vietnam nhé!
Quyền tác giả là gì?
“Quyền tác giả” là thuật ngữ chính thức mà pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa một cách thống nhất trong các văn bản pháp luật. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam là quốc gia theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, hay còn gọi là hệ thống Dân luật (civil law).
Theo đó, pháp luật SHTT Pháp – quốc gia điển hình theo đuổi civil law – sử dụng các thuật ngữ “droit d’auteur”. “Droit” có nghĩa là “quyền” ; “d’” là phần rút gọn của chữ “de”, nghĩa là “của” ; “auteur” nghĩa là “tác giả”. Như vậy, toàn bộ cụm từ này nghĩa là “quyền của tác giả”. Mục đích của cách quy định này là nhằm để nhấn mạnh những quyền mà tác giả được hưởng, khởi nguồn từ quan điểm chú trọng đến quyền nhân thân gắn chặt với cả cuộc đời của tác giả.
Bản quyền là gì?
“Bản quyền” là thuật ngữ được sử dụng ở hệ thống thông luật (common law), với bản gốc bằng tiếng Anh là “copyright”. Theo từ điển Merriam Webster, từ này có nghĩa là sự độc quyền hợp pháp để sao chép, xuất bản, bán hoặc phân phối nội dung và hình thức của tài sản trí tuệ (chẳng hạn như tác phẩm văn học, âm nhạc hoặc nghệ thuật). Có thể thấy, thuật ngữ này nhấn mạnh đến khả năng khai thác tác phẩm thông qua việc sao chép, phân phối… mang lại các giá trị kinh tế cho chính các chủ sở hữu.
Quyền tác giả và bản quyền có khác nhau không ?
Nhìn chung, hai thuật ngữ này đều ý chỉ đến quyền của các tác giả, chủ sở hữu được hưởng khi sáng tạo xong tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hay khoa học.
Tùy vào quan điểm lập pháp của từng quốc gia mà từ ngữ được quy định trong các văn bản pháp luật sẽ khác nhau. Theo đó, các quốc gia chú trọng vào quyền nhân thân hơn sẽ sử dụng cụm “quyền tác giả”. Song song, “bản quyền” sẽ được ưu ái hơn tại các quốc gia lấy quyền tài sản làm trung tâm.
Tại Việt Nam, tuy rằng “quyền tác giả” là cụm từ được sử dụng chính thức nhất nhưng dường như mọi người vẫn cảm thấy quen thuộc hơn với cụm từ “bản quyền”. Có lẽ là vì thói quen sử dụng từ “copyright” trong tiếng Anh mà nhiều người đã sử dụng sai thuật ngữ này. Tuy nhiên, một điều thú vị tại Việt Nam là mặc dù đã thống nhất dùng “quyền tác giả” cho tất cả các văn bản pháp luật nhưng cơ quan có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa trong cả nước lại có tên là “Cục Bản quyền tác giả”.
Tóm lại, hai thuật ngữ này đều có nghĩa như nhau khi sử dụng trong việc trao đổi thông thường, hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta nên cần lưu ý là trong các văn bản pháp luật, thủ tục đăng ký… thì Việt Nam thống nhất sử dụng thuật ngữ “quyền tác giả”.
>> Xem thêm bài viết Điều kiện bảo hộ bản quyền tại Việt Nam
Nhật Ánh