Với sự phát triển của các nền tảng công nghệ số như hiện nay, những phần mềm máy tính hay ứng dụng điện thoại (app) đã trở nên quen thuộc với đời sống chúng ta. Chúng bổ trợ cho con người giải quyết nhiều vấn đề một cách “nhanh chóng”, “tiện lợi” và kết quả “tương đối chính xác”. Cũng vì thế mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ không ngại “chạy đua” mạnh mẽ để tạo ra các phần mềm mới và khai thác những nguồn lợi mà nó mang lại. Kéo theo đó là thực trạng xâm phạm bản quyền phần mềm ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, việc tiến hành đăng ký bản quyền phần mềm là một việc hết sức quan trọng nhằm ngăn chặn điều đó. Bài viết dưới đây sẽ có tất tần tật thông tin về thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm mà bạn cần biết.
Bản quyền phần mềm là gì?
Bản quyền phần mềm là sự công nhận về quyền của người tạo ra hay sở hữu phần mềm đó một cách hợp pháp. Cá nhân, tổ chức sở hữu phần mềm có thể độc quyền sử dụng, khai thác lợi ích từ phần mềm và ngăn cấm người khác sử dụng hay khai thác lợi ích từ phần mềm đó mà chưa được sự cho phép của mình.
Ví dụ: Phần mềm Microsoft Office được tạo ra và sở hữu bởi Tập đoàn Microsoft nổi tiếng toàn cầu. Nó là một hệ thống phần mềm tiện ích cho người làm việc văn phòng. Tập đoàn Microsoft tạo ra và có bản quyền đối với nó. Vì vậy, những người khác (là người tiêu dùng chúng ta) phải trả 1 khoản phí gọi là phí bản quyền để được chủ sở hữu của phần mềm Microsoft cho phép chúng ta sử dụng.
Tóm lại, bản quyền phần mềm là cách để “khẳng định chủ quyền” và là công cụ để bảo vệ quyền lợi của những người tạo ra phần mềm. Đảm bảo rằng họ được công nhận và hưởng lợi từ công sức họ đã đầu tư để tạo ra nó.
Tại sao phải đăng ký bản quyền phần mềm?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, phần mềm máy tính (hay gọi tắt là Phần mềm) là một đối tượng được bảo vệ quyền tác giả (bản quyền). Tại Việt Nam, những vấn đề tranh chấp về bản quyền phần mềm thực tế đã cho thấy việc chủ động đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả phần mềm là rất quan trọng. Chẳng hạn như:
1. Minh chứng quyền sở hữu:
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bằng chứng pháp lý mạnh mẽ để khẳng định quyền sở hữu phần mềm, giúp bạn dễ dàng bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp có tranh chấp.
Nó giống như “giấy khai sinh” cho phần mềm, giúp người khác biết được phần mềm này được tạo ra bởi ai và ai sở hữu chúng.
2. Tăng cường bảo vệ pháp lý:
Việc đăng ký giúp đơn giản hóa quá trình thực thi quyền sở hữu đối với phần mềm. Khi có người vi phạm bản quyền, bạn có thể sử dụng Giấy chứng nhận để làm bằng chứng trước tòa án.
Nó giúp bạn dễ dàng yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các hành vi vi phạm bản quyền.
3. Tạo lợi thế cạnh tranh:
Phần mềm được đăng ký bản quyền phần mềm thường được thị trường đánh giá cao hơn, vì nó thể hiện sự chuyên nghiệp và uy tín của doanh nghiệp.
Khách hàng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng phần mềm có bản quyền, vì biết rằng nó được bảo vệ và hỗ trợ pháp lý.
4. Hỗ trợ thương mại hóa:
Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền phần mềm là tài sản vô hình có giá trị, có thể được sử dụng để nhượng quyền, chuyển giao, hoặc làm tài sản đảm bảo cho các giao dịch tài chính.
Nó tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu phần mềm trong việc hợp tác kinh doanh, phân phối và phát triển phần mềm hơn nữa.
5. Khuyến khích sáng tạo:
Việc đăng ký bản quyền là sự ghi nhận công sức sáng tạo của tác giả, khuyến khích họ tiếp tục đầu tư và phát triển các sản phẩm phần mềm mới.
Có bắt buộc phải đăng ký bản quyền phần mềm không?
Câu trả lời là: Không bắt buộc phải đăng ký.
Bởi lẽ, quyền tác giả của phần mềm sẽ tự động phát sinh khi phần mềm được tạo ra hoàn chỉnh, có thể đưa vào sử dụng mà không cần thông qua thủ tục đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Song, thực tế, khi xảy ra tranh chấp, có khá nhiều trở ngại khi một người đưa ra các bằng chứng trong quá khứ để chứng minh mình là người sáng tạo ra phần mềm hoặc sở hữu nó một cách hợp pháp. Kéo theo đó, việc xử lý tranh chấp bản quyền phần mềm giữa các bên cũng kéo dài hơn và tốn kém.
Thay vào đó, sau khi sáng tạo ra phần mềm hoàn chỉnh, tác giả hoặc các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu phần mềm ưu tiên đăng ký với Cục bản quyền tác giả để được ghi nhận “đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả phần mềm” thông qua việc được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Quyền Tác Giả.
Và hiện nay, việc đăng ký bản quyền nói chung, bản quyền phần mềm nói riêng đều được phần lớn các công ty công nghệ hoặc người sáng tạo ra phần mềm chú trọng thực hiện trước khi khai thác lợi ích của chúng.
>>>>>>>> Xem thêm bài viết: Đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính – có nên hay không?
Hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm gồm những gì?
Thành phần hồ sơ đăng ký bản quyền nói chung, bản quyền phần mềm nói riêng được quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP, gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (mẫu số 03 Phụ lục I được ban hành kèm theo Thông tư 08/2023/TT-BKHCN)
- Bảo sao của phần mềm, gồm:
- 02 đĩa CD chứa nội dung phần mềm (1 mặt đĩa CD có dán giấy trắng để ghi tên Phần mềm)
- 02 bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện và mã code chạy Phần mềm.
(*) Lưu ý: Trường hợp bộ mã code có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code
- Văn bản đồng ý của tác giả cùng sáng tạo ra phần mềm, nếu phần mềm do nhiều người cùng hợp tác sáng tạo ra (gọi là Đồng tác giả)
- Văn bản đồng ý của những cá nhân, tổ chức cùng sở hữu phần mềm, nếu phần mềm thuộc sở hữu chung của nhiều cá nhân, tổ chức (gọi là Đồng sở hữu).
- Bản sao (photo hoặc có chứng thực) CCCD/ CMND/ Hộ chiếu của (tất cả) tác giả phần mềm;
- Bản sao (photo hoặc chứng thực) CCCD/CMND/Hộ chiếu/ giấy phép kinh doanh/ quyết định thành lập của chủ sở hữu phần mềm
(*) Lưu ý: Nếu tác giả cũng đồng thời là chủ sở hữu phần mềm thì chỉ cần cung cấp 1 lần.
- Ngoài ra, còn tùy trường hợp sẽ có thêm một trong các tài liệu sau đây:
- Hợp đồng thuê viết phần mềm (nếu cá nhân, tổ chức thuê tác giả sáng tạo ra phần mềm và sau khi hoàn thành phần mềm sẽ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đó)
- Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu phần mềm (tác giả sáng tạo ra và bán quyền sở hữu phần mềm cho cá nhân, tổ chức khác).
- Quyết định giao nhiệm vụ/ Giấy xác nhận giao nhiệm vụ (nếu các tác giả là nhân viên được doanh nghiệp/cơ quan/đơn vị giao nhiệm vụ sáng tạo ra phần mềm).
- Quyết định chia thừa kế (người nhận thừa kế là quyền tác giả phần mềm từ tác giả)
- Văn bản tuyên bố quyền tác giả và quyền sở hữu (nếu tác giả tạo ra phần mềm là Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và việc sáng tạo ra phần mềm là để doanh nghiệp sở hữu).
Thủ tục đăng ký bảo hộ phần mềm máy tính?
Thủ tục đăng ký bảo hộ phần mềm máy tính sẽ bao gồm những bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tác giả/ Chủ sở hữu phần mềm cần chuẩn bị Bộ hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm đầy đủ như hướng dẫn ở mục trên.
Lưu ý rằng, tùy vào bối cảnh/ mối quan hệ giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả trong việc tạo ra và sở hữu phần mềm, mà người nộp hồ sơ cần chuẩn bị các tài liệu tương ứng với trường hợp đó.
Ví dụ: Bộ phận Nghiên cứu Sáng tạo của Công ty Cổ phần FAA (chuyên về công nghệ phần mềm) có 1 nhóm nhân viên gồm Ông A, ông B và bà C được Công ty giao nhiệm vụ nghiên cứu và thiết kế 1 phần mềm máy tính có chức năng xử lý nhanh chóng các công việc quản lý văn thư dành cho nhân viên hành chính trong doanh nghiệp. Thời gian giao việc là ngày 15/04/2024. Đến 30/09/2024 thì nhóm nhân viên này hoàn thành phần mềm và bàn giao lại cho Công ty để nghiệm thu.
Trong trường hợp này, các đồng tác giả là ông A, ông B và bà C (Được giao việc tạo ra tác phẩm, hưởng lương). Công ty sẽ là chủ sở hữu bản quyền phần mềm. Do đó, trường hợp này người nộp hồ sơ cần cung cấp một trong các tài liệu sau:
- Quyết định giao nhiệm vụ: ở thời điểm giao việc cho các nhân viên để tạo ra tác phẩm hoặc;
- Giấy Xác nhận giao nhiệm vụ: thường là trường hợp không có quyết định giao nhiệm vụ độc lập nên cần Văn bản xác nhận có chữ ký của Công ty/ Tổ chức với nhân viên, và:
- Biên bản bàn giao tác phẩm từ các tác giả cho Công ty.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ sau khi chuẩn bị đầy đủ sẽ tiến hành nộp cho Cục Bản quyền tác giả.
Phương thức nộp hồ sơ gồm có 2 bước (phải thực hiện cả 2)
1. Nộp hồ sơ tại Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia: dichvucong.gov.vn
- Người nộp hồ sơ cần có tài khoản Dichvucong (nếu chưa có thì tiến hành đăng ký tài khoản)
- Chọn vào mục Dịch vụ công trực tuyến, chọn loại thủ tục “Đăng ký bản quyền tác giả”
- Tiến hành kê khai hồ sơ điện tử, scan và đính kèm các file hồ sơ tương ứng vào mục đính kèm.
- Sau khi kê khai và đính kèm file đầy đủ thì Bấm lưu và Gửi hồ sơ.
Lưu ý: Hồ sơ điện tử được gửi đi thành công khi hệ thống hiện ra một dãy mã số hồ sơ.
2. Nộp hồ sơ giấy
Người nộp hồ sơ có thể đến trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến trụ sở/ văn phòng đại diện của Cục bản quyền tác giả Việt Nam tại một trong 3 địa điểm sau:
- Hà Nội: Phòng Thông tin Quyền tác giả – Số 33 ngõ 294 Kim Mã, quận Ba Đình.
- TP. Hồ Chí Minh: Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả – Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3.
- Đà Nẵng: Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả – Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu.
Hiện nay, việc nộp song song hồ sơ bản giấy và hồ sơ điện tử trên Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia cũng nhiều điểm thuận tiện. Giúp cho người nộp hồ sơ có thể chủ động theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, thời gian dự kiến trả kết quả thủ tục.
Bước 3: Nhận kết quả
Đến ngày hẹn trả kết quả, Cục bản quyền tác giả sẽ thông báo đến người nộp hồ sơ 1 trong 2 kết quả sau:
- Nếu hồ sơ hợp lệ: Người nộp sẽ nhận được Bản gốc Giấy chứng nhận bản quyền tác giả, công nhận quyền sở hữu đối với phần mềm.
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Cục Bản quyền tác giả sẽ thông báo cho người nộp biết cần bổ sung hoặc sửa đổi những gì để có thể sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại.
>>>>>>>>> Xem thêm bài viết: Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm máy tính
Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền phần mềm là bao lâu?
Theo quy định, thời hạn thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm (thường gọi là giấy chứng nhận bản quyền phần mềm) là 15 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, hiện nay, lượng hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Cục bản quyền tác giả là rất lớn. Do đó, thời gian thực tế để có thể thẩm định và cấp giấy chứng nhận sẽ khoảng 60 – 90 ngày làm việc.
Một số câu hỏi về thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm
Mặc dù Nghị định, Thông tư có hướng dẫn tương đối cụ thể về Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm, tuy nhiên, khi tiến hành thực hiện, nhiều tác giả, chủ sở hữu phần mềm vẫn băn khoăn nhiều vấn đề như:
Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm ở đâu?
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý và cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền phần mềm là Cục Bản quyền tác giả Việt Nam. Do đó, tác giả, chủ sở hữu phần mềm sẽ nộp hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm cho Cục bản quyền tác giả Việt Nam, có văn phòng tại 3 địa điểm sau:
- Hà Nội: Phòng Thông tin Quyền tác giả – Số 33 ngõ 294 Kim Mã, quận Ba Đình.
- TP. Hồ Chí Minh: Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả – Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3.
- Đà Nẵng: Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả – Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu.
Toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả đều thông qua Cục bản quyền tác giả này.
Ai có quyền đăng ký bản quyền phần mềm?
Theo Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung qua các năm 2009, 2019, 2022), có thể suy ra các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả sẽ chính là những người được quyền đăng ký bản quyền phần mềm, gồm:
- Người/những người trực tiếp sáng tạo ra phần mềm: Đây chính là tác giả, người đã trực tiếp nghĩ ra, viết ra, tác phẩm đó. Ví dụ, nếu bạn viết một cuốn sách, bạn chính là tác giả của cuốn sách đó.
Lưu ý: Tác giả sẽ chỉ có thể là một cá nhân, một con người, không thể là tổ chức/ doanh nghiệp. Vì sự sáng tạo trong bảo hộ quyền tác giả là “sự sáng tạo của trí óc con người”.
- Chủ sở hữu quyền tác giả: là cá nhân, tổ chức sở hữu quyền đối với phần mềm.
Các đối tượng được bảo hộ bao gồm
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam: Tất nhiên, công dân và tổ chức Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền tác giả.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
- Công bố tác phẩm lần đầu tiên tại Việt Nam: Nếu một tác giả nước ngoài công bố tác phẩm của họ lần đầu tiên tại Việt Nam, họ sẽ được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
- Công bố tác phẩm tại Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố lần đầu ở nước khác: Nếu tác giả nước ngoài công bố tác phẩm ở nước khác, nhưng sau đó công bố tại Việt Nam trong vòng 30 ngày, họ cũng được bảo hộ.
- Tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế: Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền tác giả. Nếu tác phẩm của tác giả nước ngoài được bảo hộ theo các điều ước này, thì tác phẩm đó cũng được bảo hộ tại Việt Nam.
Việc đăng ký bản quyền phần mềm là một việc hết sức cần thiết, bởi lẽ, phần mềm là một trong những đối tượng được thương mại hóa mạnh mẽ. Các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp chú trọng tạo ra phần mềm để mua, bán, khai thác các lợi ích kinh tế của nó. Vì vậy, việc nghiên cứu và nắm bắt được chính xác các thông tin về Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm sẽ giúp cho chủ sở hữu phần mềm tránh các sai sót không đáng có, tiết kiệm được thời gian, chi phí và được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền phần mềm trong thời gian sớm nhất. Liên hệ với Monday VietNam khi bạn cần đăng ký bản quyền phần mềm nhé!