Để có thể tiến hành hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn. Góp vốn thành lập doanh nghiệp là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung. Tài sản góp vốn không chỉ là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản mà rộng hơn là bao hàm đến các nguồn lực khác.
Cùng Monday VietNam tìm hiểu chi tiết về các cách thức góp vốn theo quy định của pháp luật nhé!
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các loại tài sản góp vốn tại Điều 34:
“ Điều 34. Tài sản góp vốn
- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, cá nhân, tổ chức có thể góp vốn vào doanh nghiệp dưới 06 hình thức sau:
- Tiền Việt Nam
- Vàng, ngoại tệ.
- Quyền sử dụng đất
- Quyền sở hữu trí tuệ
- Công nghệ và bí quyết kỹ thuật
- Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Chi tiết về cách thức góp vốn cho từng loại tài sản góp vốn
1. Tiền Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cá nhân là chủ thể được góp vốn vào công ty bằng tiền mặt khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp thêm vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, đăng ký mua cổ phần chào bán công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC, các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Đối với tiền mặt là tài sản không đăng ký quyền sở hữu thì việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, cá nhân được thực hiện thủ tục góp vốn bằng tiền mặt thì cần có các biên bản sau:
- Phiếu thu: Nội dung ghi rõ góp vốn kinh doanh; đầy đủ chữ ký và họ tên của người nộp tiền, người thu tiền, người lập phiếu.
- Biên bản kiểm kê tiền mặt (Mẫu 08a-TT ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC)
- Biên bản góp vốn theo mẫu.
Trên thực tế, hiện nay BTC và Tổng Cục Thuế đang tiến tới việc đơn giản hóa các thủ tục. Do đó, các cá nhân có xu hướng góp vốn vào doanh nghiệp bằng hình thức thanh toán qua ngân hàng.
Ngoài ra, quy định trên sẽ bị hạn chế nếu trong trường hợp doanh nghiệp tiếp nhận vốn góp của cá nhân thuộc các trường hợp pháp luật có quy định đặc biệt chẳng hạn như trường hợp công ty có vốn nước ngoài phải thực hiện việc quản lý vốn góp và góp vốn thông qua tài khoản vốn đầu tư của công ty. Do đó khi góp vốn vào công ty, các thành viên, cổ đông công ty đều phải thực hiện việc chuyển khoản nếu góp vốn bằng tiền. Trên thực tế, ngân hàng quản lý tài khoản vốn cũng sẽ tiến hành từ chối cho nộp tiền mặt vào tài khoản vốn đầu tư dù người góp vốn là cá nhân Việt Nam.
2. Vàng, ngoại tệ
Việc góp vốn bằng đồng ngoại tệ hay vàng là có thể, tuy nhiên chúng phải được các thành viên sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp này, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Bước tiếp theo sau khi định giá vàng, ngoại tệ là soạn thảo hồ sơ góp vốn
Vì vàng và ngoại tệ là tài sản không có đăng ký quyền sở hữu nên khi góp vốn bằng những loại tài sản này cần lập thành biên bản giao nhận tài sản
Nôi dung biên bản giao nhận phải bao gồm:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn;
- Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
- Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngoài biên bản định giá tài sản và biên bản giao nhận tài sản, hồ sơ góp vốn cần có thêm biên bản chứng nhận góp vốn, hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
3. Quyền sử dụng đất
Theo khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Như vậy, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những hình thức của chuyển quyền sử dụng đất.
Theo Điều 188 Luật Đất đai thì điều kiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp sau:
- Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì:
Người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
- Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT) quy định về hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
- Hợp đồng, văn bản về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
- Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
- Hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất
- Trích lục bản đồ địa chính
- Văn bản ủy quyền công chứng chứng thực (nếu có)
Lưu ý: Nếu giá trị mảnh đất lớn hơn nhiều so với phần vốn mà bạn muốn góp vào công ty thì bạn có thể chỉ góp một phần diện tích đất, và như vậy bạn sẽ phải thực hiện thủ tục tách thửa trước khi nộp hồ sơ góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
Sau khi soạn đầy đủ hồ sơ thì nộp tại văn phòng đăng ký đất đai. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chủ sử dụng đất. Thời gian giải quyết là 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
4. Quyền sở hữu trí tuệ
Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ là góp vốn bằng các quyền tác, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Đối với Quyền Sở hữu Công nghiệp & Quyền đối với Giống cây trồng.
Điều kiện để các cá nhân, tổ chức cần có khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:
- Đã được cấp văn bằng bảo hộ và còn thời hạn đối với quyền sở hữu công nghiệp hay quyền đối với giống cây trồng.
- Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
- Quyền sở hữu trí tuệ phải được định giá và được thể hiện thành Đ1ồng Việt Nam trước khi tiến hành góp vốn.
Quy trình góp vố bằng quyền sở hữu trí tuệ:
Bước 1: Định giá tài sản (nguyên tắc định giá như trên)
Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Trong hợp đồng góp vốn, cần phải thể hiện được đầy đủ các nội dung cơ bản của việc góp vốn như:
- Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn (tên, địa chỉ, …);
- Quyền sở hữu trí tuệ cụ thể ( Chủ giấy chứng nhận/ chủ bằng độc quyền,…; số đơn; ngày nộp đơn; quyết định cấp; thời hạn bảo hộ,…);
- Giá trị quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn góp vốn; mục đích góp vốn;
- Đăng ký góp vốn và nộp lệ phí; cam đoan của các bên,…
Sau khi các bên lập xong hợp đồng góp vốn sẽ được công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu trí tuệ sang cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật doanh nghiệp. Do đó, các cá nhân tổ chức chuyển quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khoản 2 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Đối với Quyền Tác giả và Quyền liên quan, khi góp vốn thành lập doanh nghiệp thì cần được định giá trước khi thực hiện các thủ tục góp vốn. Cần chú ý về các quyền nhân thân và quyền tài sản trong quyền tác giả khi chuyển nhượng.
👉 Để được tư vấn chi tiết liên hệ: 086 200 6070
5. Góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật
Bí quyết kỹ thuật là là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của một sản phẩm hay thậm chí là cả một doanh nghiệp. Còn công nghệ nói chung là những phát minh các công cụ để thay thế máy móc kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh nói riêng. Việc góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật phải được định giá theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó có sự tham gia của tổ chức thẩm định giá và thành viên công ty.
Việc chuyển giao công nghệ (hình thức góp vốn bằng công nghệ) phải được lập thành hợp đồng hoặc hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư tùy vào từng trường hợp pháp luật quy định cụ thể.
Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá.
Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Vì vậy, các thành viên, cổ đông sáng lập định giá cộng nghệ trước khi tiến hành góp vốn vào doanh nghiệp.
6. Các tài sản khác có thể được định giá bằng đồng Việt Nam.
Ví dụ: xe cộ, tàu bè, tài sản hữu hình,… cũng được tuân theo nguyên tắc định giá tài sản theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp và trình tự thủ tục cũng tương tự với tài sản góp vốn là vàng hay ngoại tệ.