Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã trở thành một trong những vấn đề then chốt trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân và tổ chức. Năm 2024, tình hình xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cả cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Việc phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sở hữu trí tuệ, mà còn tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua một số thông tin nổi bật về tình hình xử lý hàng xâm phạm quyền SHTT trong 9 tháng đầu năm 2024, qua đó phản ánh những nỗ lực và thách thức trong công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể.

Cà Mau: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp

Thực hiện nghiêm túc và bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh Cà Mau đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm.

Đặc biệt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tiềm ẩn và đang ngày càng diễn biến phức tạp hơn, tập trung vào các hành vi: Kinh doanh hàng cấm; Sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng kém chất lượng; Vi phạm các tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; …

Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là: quần, áo, giày, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm công nghệ, dược phẩm, …

Kết quả trong 09 tháng đầu năm 2024 (cụ thể từ 15/12/2023 đến 24/9/2024), các Đội QLTT tiến hành kiểm tra 812 vụ (tăng 11 vụ so với 09 tháng năm 2023), xử lý 446 vụ/540 hành vi vi phạm hành chính (giảm 71 vụ so với 09 tháng năm 2023).

Tổng số tiền xử phạt hành chính, buộc thu lợi bất hợp pháp theo Quyết định XPVPHC: 5.260.621.000 đồng (đã nộp vào NSNN: 3.141.859.650 đồng).

Vĩnh Long: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh buôn bán phân bón giả với số tiền phạt hơn 207 triệu đồng

Ngày 22/3/2024, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 đã kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp D.C do ông N.V.D làm chủ (xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Qua quá trình kiểm tra, Đoàn đã phát hiện tại hộ kinh doanh có bán hàng hóa với nhãn không đủ và đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, trên nhãn của một số loại phân bón lại ghi thêm thông tin “LACA THAILAND SOTO”, điều này đang xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu LACA SOTO 4SP đã được Công ty TNHH Thương mại Tân Thành đăng ký nhãn hiệu theo Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu số 359899 của Cục Sở hữu trí tuệ.

Hơn nữa, khi Đoàn tiến hành lấy 6 mẫu phân bón tiến hành thử nghiệm và kết quả cho thấy có 3 loại phân bón là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 2 loại phân bón là hàng hoá có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (chỉ có 1 loại phân bón đạt chất lượng theo công bố áp dụng).

Đến ngày 18/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 207.690.000 đồng về các hành vi vi phạm nêu trên. Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật.

Bình Thuận: Thu nộp ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024

Trong 09 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Bình Thuận đã kịp thời thanh tra, kiểm tra 433 vụ, phát hiện và xử lý 194 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước với số tiền lên đến 4,95 tỷ đồng (tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 4,1 tỷ đồng).

Nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thương mại đã kịp thời được phát hiện và xử lý như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xử; vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; đầu tư kinh doanh; …

Nghiêm trọng nhất trong 194 vụ vi phạm chính là việc phát hiện vụ vận chuyển 9.700 bao thuốc lá điếu nhập lậu. Vụ việc mang tính quy mô lớn và phức tạp nên hiện đã được chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định.

Bình Định: Kế hoạch 888 – Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Từ đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Bình Định đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý địa bàn thông qua các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời ngăn chặn, xử lý triệt để các tình trạng tiêu cực trong kinh doanh thương mại.

Việc kiểm tra, giám sát và xử lý xâm phạm được tập trung vào các cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch, các tuyến đường trọng điểm, tuyến phố du lịch của tỉnh với một số mặt hàng nổi bật như: rượu bia, nước giải khác, mỹ phẩm, hàng điện tử, các sản phẩm thời trang (quần, áo, túi xách, …). Đồng thời cũng chú trọng xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.

Bằng những nỗ lực và sự quyết liệt trong kế hoạch và công tác thực thi, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Bình Định đã kiểm tra và xử lý tổng cộng 37 vụ với hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền phát trên 500 triệu đồng, giá trị hàng hóa buộc tiêu hủy là gần 400 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 200 triệu đồng.

Kiên Giang: Thu nộp ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng khi xử lý 43 vụ vi phạm trong quý III/2024

Trong Quý III/2024, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã tiến hành giám sát và kiểm tra 260 vụ việc, trong đó phát hiện và xử lý 43 vụ vi phạm với số tiền phạt vi phạm thu nộp ngân sách trên 2,2 tỷ đồng.

Trong đó:

  • Xử phạt hành chính 08 vụ trưng bày, buôn bán hàng hóa giả mạo bao bì, nhãn hiệu với số tiền xử phạt hơn 106 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 102 triệu đồng.
  • Xử phạt hành chính 06 vụ mua bán hàng hóa nhập lậu với số tiền xử phạt 3 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm 381 triệu đồng (chủ yếu là hàng hóa không xác định được chủ sở hữu hợp pháp).
  • Xử phạt hành chính 05 vụ vi phạm đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền xử phạt 24 triệu đồng, tịch thu và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 47 triệu đồng.

Đặc biệt, trong dịp Tết Trung thu năm 2024, nhóm ngành hàng thực phẩm do Bộ Công Thương quản lý đã được triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể đã phát hiện 07 vụ vi phạm, phạt hành chính 42 triệu đồng.

Kết luận

Tình hình xử lý hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy một số chuyển biến tích cực trong việc tăng cường quản lý và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sở hữu trí tuệ.

Mặc dù còn nhiều thách thức, đặc biệt trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, nhưng những bước tiến này hứa hẹn sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh công bằng và bền vững hơn. Trong thời gian tới, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và thực thi pháp luật sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo trong xã hội.

>>> Khánh Hòa: Phát hiện và xử lý 49 vụ vi phạm trong 9 tháng đầu năm


Nguồn tin:

1. Cà Mau: Sơ kết tình hình hoạt động Quản lý thị trường 09 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024 – Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường (dms.gov.vn)

2. Phạt hơn 207 triệu đồng một hộ kinh doanh bán phân bón giả (laodong.vn)

3. Bình Thuận: Hoàn thành số thu nộp ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2024 (qltt.vn)

4. Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 trên địa bàn tỉnh (qltt.vn)

5. Kiên Giang: Xử lý 43 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng trong quý III/2024 (thuonghieucongluan.com.vn)

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi