Hãy cùng Monday Vietnam tìm hiểu tổng quan về đăng ký sáng chế theo quy định 2022 như sáng chế là gì, ai có quyền đăng ký và cần nộp ở đâu?

Sáng chế là gì?

Sáng chế được con người phát hiện và tạo ra chứ không tồn tại sẵn trong tự nhiên. Căn cứ khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Luật SHTT), sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Hiểu một cách đơn giản, đây có thể là sản phẩm có chức năng (công dụng) như:

  • một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người.
  • một quy trình (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý…).

Cần đáp ứng điều kiện gì để được xem là sáng chế?

Sáng chế chỉ được bảo hộ khi và chỉ khi đáp ứng được các điều kiện sau:

Có tính mới

Sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc các trường hợp sau:

  • Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên;
  • Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

Một sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp:

  • Sáng chế bị người khác công bố nhưng không có sự cho phép của người có quyền đăng kí sáng chế.
  • Sáng chế được công bố dưới dạng báo cáo khoa học, được trưng bày tại cuộc triễn lãm quốc gia của Việt Nam hoặc cuộc triễn lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức bởi người có quyền đăng ký sáng chế.

Có trình độ sáng tạo

Nghĩa là, một người có kiến thức trung bình trong lĩnh vực đó sẽ không dễ dàng để tạo ra một sáng chế.

Trên thực tế, phạm trù về trình độ sáng tạo rất khó xác định. Vì việc thẩm định chỉ mang tính chủ quan và khó áp dụng. Trong nhiều trường hợp, xem xét trình độ sáng tạo của sáng chế không đạt được sự thống nhất giữa thẩm định viên với người nộp đơn đăng ký; giữa thẩm định viên với tòa án; giữa tòa án cấp trên và tòa án cấp dưới.

Thông qua thực tiễn xét xử, các yếu tố điển hình như: sự thay đổi kích thước đơn thuần, hoán đổi các bộ phận, thay đổi nguyên liệu, kết hợp các bộ phận, thay thế đơn thuần các bộ phận hay chức năng tương đương… không được xem là có tính sáng tạo. Do đó, không đủ điều kiện bảo hộ dưới dạng sáng chế. Tuy nhiên, những trường hợp như thế này vẫn có đủ điều kiện để được bảo hộ dưới hình thức là giải pháp hữu ích.

Có khả năng áp dụng công nghiệp

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu:

  • có thể chế tạo, sản xuất hàng loạt đối với sản phẩm; hoặc
  • áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Ai có quyền đăng ký sáng chế?

Về nội dung này, Điều 86 Luật SHTT quy định như sau:

  • Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế:

a) Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại Điều 86a của Luật này.

  • Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
  • Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Thành phần hồ sơ đăng ký sáng chế có gì?

  1. Tờ khai đăng ký sáng chế theo mẫu.
  2.  Bản mô tả sáng chế.
  3. Bộ hình vẽ, sơ đồ (nếu có).
  4. Giấy tờ xác nhận quyền đăng ký.
  5. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có).

Hồ sơ đăng ký sáng chế cần được nộp ở đâu?

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký và chịu trách nhiệm xem xét cấp văn bằng bảo hộ cho sáng chế là Cục sở hữu trí tuệ tại Hà Nội (Cục SHTT) (386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội). Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký cũng có thể được nộp tại văn phòng đại diện của Cục SHTT tại:

  • Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Chủ sở hữu đăng ký sáng chế có thể nộp đơn đăng ký sáng chế tại một trong các địa chỉ trên, bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện. Ngoài ra, hiện nay, Cục SHTT cũng chấp nhận đơn đăng ký dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.

Thời hạn thẩm định đơn đăng ký sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ

Kể từ ngày nộp đơn đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định theo trình tự như sau:

Bước 1: Thẩm định hình thức: 01 tháng

Bước 2: Công bố đơn đăng ký sáng chế:

  1. Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ ở Bước 1;
  2. Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;
  3. Đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu công bố sớm thì được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được văn bản yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

Bước 3: Thẩm định nội dung: 18 tháng, tính từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

>> Tìm hiểu thêm về Dịch vụ đăng ký sáng chế trọn gói của Monday VietNam

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi