Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Nhưng vì một vài lý do khách quan mà công ty không còn hoạt động nữa hoặc giải thể. Khi đó, Văn bằng nhãn hiệu sẽ được xử lý như thế nào?

Trường hợp trước khi công ty giải thể.

Việc tiến hành giải thể, công ty phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, cụ thể:

  • Thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp;
  • Tổ chức thanh lý tài sản;
  • Thông báo quyết định giải thể tới các Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký thuế, người lao động trong doanh nghiệp …

Một trong những thủ tục quan trọng khi giải thể, đó là thủ tục thanh toán tài sản của công ty. Trong đó, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là một loại tài sản có giá trị nên cần được liệt kê vào.

Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ của công ty, phần tài sản còn lại sẽ thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên và cổ đông công ty. Như vậy, lúc này văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ được chuyển về một cá nhân hoặc tổ chức khác thì công ty nên thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu văn bằng trước khi công ty hoàn tất thủ tục giải thể.

Trường hợp sau khi công ty đã giải thể

Vì một vài lý do nào đó, mà công ty không kê khai Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vào Biên bản kiểm kê khi thanh lý tài sản, dẫn đến chủ sở hữu trên văn bằng nhãn hiệu không còn tồn tại. Như vậy, lúc này Văn bằng sẽ chấm dứt hiệu lực theo Điểm c Khoản 1 Điều 95 Luật sở hữu trí tuệ “Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp”.

Tuy nhiên, trường hợp này văn bằng nhãn hiệu vẫn còn giá trị để làm đối chứng từ chối cấp bằng cho những nhãn hiệu khác trùng hoặc tương tự theo điểm h Khoản 2 Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ: “2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;”. Tức sau 5 năm kể từ ngày hết thời hạn bảo hộ, nhãn hiệu hoàn toàn hết giá trị và bên thứ ba khác khi đăng ký có thể được cấp bằng bảo hộ.

Quay lại trường hợp này, làm thế nào để tiếp tục sử dụng và sở hữu nhãn hiệu cũ khi công ty đã giải thể? Chúng tôi đưa ra một phương án như sau: nộp đơn đăng ký lại nhãn hiệu và người đứng tên chủ đơn nên là thành viên hoặc chủ sở hữu công ty đã giải thể, trường hợp Cơ quan sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu mà đối chứng chính là nhãn hiệu của công ty đã giải thể. Lúc này, chủ đơn cần phải chứng minh rằng chủ văn bằng nhãn hiệu đó đã giải thể (kèm tài liệu giải thể) mà bạn chính là người đại diện pháp luật, chủ sở hữu, thành viên hay cổ đông của chính công ty đó (có giấy tờ, tài liệu cụ thể). Bên cạnh đó, yêu cầu Cơ quan sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực của văn bằng và chấp thuận đơn đăng ký nhãn hiệu mới.

Hoặc liên hệ chúng tôi để được tư vấn cụ thể về trường hợp này.

Hoàng Lan

© Monday VietNam

Chuyển nhượng văn bằng nhãn hiệu

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi