Để đơn đăng ký sáng chế (sau đây gọi là đơn) được cấp văn bằng bảo hộ thì đơn phải đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Muốn biết được điều này, đơn cần trải qua quá trình xem xét, đánh giá được gọi là “Thẩm định đơn”. Với tầm quan trọng của việc thẩm định đơn, Cục Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là Cục SHTT) đã ban hành ra Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế (sau đây gọi là Quy chế) để cho quá trình thẩm định đơn được tuân theo một quy chuẩn nhất định. Từ đó, là cơ sở, căn cứ hướng dẫn cho các Thẩm định viên tiến hành thẩm định và cho kết quả công bằng, chính xác nhất.

1. Lợi ích khi hiểu rõ Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế

Quy chế áp dụng bắt buộc cho quá trình thẩm định. Do đó, các Thẩm định viên cần tuân thủ Quy chế này để thực hiện thống nhất theo một quy trình, đảm bảo nhất quán trong việc thẩm định cả hình thức và nội dung đơn. Điều đặc biệt cần quan tâm, đó là nội dung Bảng quy chế này được công khai rộng rãi, vì thế mà việc tìm hiểu và tiếp cận sớm với nội dung bảng Quy chế này sẽ giúp cho người nộp đơn hoặc những ai đang có ý định nộp đơn đăng ký sáng chế sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về quy trình thẩm định đơn, nắm bắt được những tiêu chí, căn cứ để giúp cho đơn đăng ký sáng chế của mình đạt được khả năng bảo hộ cao nhất.

2. Nội dung cần biết về Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế

Dưới đây là nội dung Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế mà Monday VietNam đã tóm gọn, như sau:

GIAI ĐOẠN 1: THẨM ĐỊNH HÌNH THỨC
I. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI THẨM ĐỊNH

1. Mục đích:  Kiểm tra xem đơn có tuân thủ các quy định về hình thức đơn hay không, từ đó có cơ sở để kết luận đơn có được coi là hợp lệ về hình thức hay không.

2. Phạm vi:

  • Kiểm tra hình thức các tài liệu có trong đơn;
  • Kiểm tra sơ bộ nội dung của tài liệu;
  • Đưa ra kết luận về tính hợp lệ của đơn (tức là đơn hợp lệ hay không hợp lệ); trong trường hợp đơn hợp lệ thì xác định ngày nộp đơn, ngày ưu tiên (nếu có).
II. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH
BƯỚC 1: Kiểm tra hình thức các tài liệu có trong đơn

Kiểm tra hình thức các tài liệu có trong đơn là tiến hành các công việc sau:

(1) Kiểm tra danh mục các tài liệu có trong đơn (số lượng, thành phần tài liệu cần có)

  • Đối chiếu giữa danh mục tài liệu mà Người nộp đơn đã khai ở ô số 9 trong Tờ khai, các công văn bổ sung (nếu có) với các tài liệu thực có mà Người nộp đơn đã nộp kèm trong đơn
  • Kiểm tra về hình thức của từng loại tài liệu đã nộp xem đã đúng theo quy định chưa

(2) Kiểm tra xem các tài liệu có tuân thủ quy định về thời hạn nộp hay không (tức là đối chiếu xem các tài liệu có trong đơn có được nộp theo các thời điểm mà Luật SHTT quy định phải nộp hay không)

  • Các tài liệu phải nộp tại thời điểm nộp đơn (VD: Tờ khai, Mẫu sáng chế,…)
  • Các tài liệu khác bổ trợ cho đơn sẽ được nộp theo yêu cầu trong quá trình thẩm định.

(3) Kiểm tra xem các tài liệu có đáp ứng quy định về hình thức không


BƯỚC 2: Kiểm tra sơ bộ nội dung các tài liệu có trong đơn:

(1) Xác định chủ đơn, tác giả sáng chế

Dựa vào thông tin ở mục Chủ đơn trong Tờ khai hoặc trong yêu cầu chuyển giao/chuyển nhượng quyền nộp đơn để xác định Chủ đơn, tác giả sáng chế. Để xác định được Chủ đơn, tác giả thì thông tin phải:

  • Đầy đủ tên, địa chỉ; tên, địa chỉ phải nhất quán trong mọi loại giấy tờ liên quan có trong đơn (đặc biệt là trong giấy ủy quyền)
  • Phải có chữ ký hoặc cả chữ ký và đóng dấu kèm theo (trường hợp chủ đơn là pháp nhân); chữ ký/con dấu không bị tẩy xóa, sửa chữa và phải có sự thống nhất thông tin giữa người nộp và con dấu.

(2) Đánh giá quyền đăng ký hợp pháp của chủ đơn:

Chủ đơn thuộc 1 trong 3 trường hợp sau thì mới gọi là có “quyền đăng ký hợp pháp”:

  • Chủ đơn là cá nhân phải đồng thời là tác giả
  • Chủ đơn là pháp nhân giao nhiệm vụ cho tác giả sáng tạo ra sáng chế (tên tác giả là người khác và được khai trong đơn);
  • Chủ đơn thụ hưởng quyền đăng ký hợp pháp từ một người khác và có tài liệu chứng minh về quyền này (VD: Hợp đồng chuyển giao quyền,…)

(3) Đánh giá xem đơn có được nộp đúng cách thức quy định hay không

Tức là xét xem đơn có được nộp thông qua 1 trong 2 cách sau hay không:

  • Đơn được nộp thông qua Người đại diện hợp pháp tại Việt Nam (Chi nhánh/Văn phòng đại diện, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
  • Đơn được nộp trực tiếp bởi Chủ đơn (gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam).

Ngoài hai cách thức trên thì các cách thức nộp đơn khác được coi là không hợp lệ

(4) Kiểm tra thông tin trong giấy ủy quyền (trong trường hợp có ủy quyền)

Kiểm tra các thông tin về: Họ tên, địa chỉ đầy đủ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền, phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, ngày ký giấy, chữ ký xác nhận (hoặc có cả con dấu nếu là tổ chức)

(5) Kiểm tra sơ bộ về sự bộc lộ đầy đủ bản chất của sáng chế nêu trong đơn

Tức là kiểm tra các thông tin trong bản mô tả sáng chế, bản tóm tắt sáng chế để xem đã có đủ các thông tin tối thiểu cần có về sáng chế yêu cầu bảo hộ trong đơn hay chưa. Những thông tin đó có giúp cho thẩm định viên đánh giá được đầy đủ về bản chất hay những đặc trưng của sáng chế yêu cầu bảo hộ trong đơn hay chưa.

Theo đó, cần phải làm rõ về: Tên sáng chế, đặc tính kỹ thuật, tình trạng kỹ thuật, tính hiệu quả, sáng chế được tạo ra như thế nào,..)

(6) Kiểm tra Sáng chế nêu trong đơn có phù hợp với yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ

Tức là xác định sáng chế nêu trong đơn có thật sự được xem là sáng chế và bản chất có phù hợp với yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ hay không. Cần phải xác định sáng chế nêu trong đơn:

  • Có trái quy định Nhà nước không.
  • Có trái với đạo đức xã hội và làm phương hại đến lợi ích cộng đồng không.
  • Có hại cho quốc phòng an ninh không.
  • Có thuộc trường hợp không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa sáng chế (đó là phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học,…) không.

(7) Kiểm tra sơ bộ tính thống nhất của đơn

Tức là đối với đơn có hai hay nhiều điểm yêu cầu bảo hộ một cách độc lập thì phải kiểm tra xem các điểm yêu cầu bảo hộ đó có đảm bảo được mối liên hệ về kỹ thuật với nhau, có thể hiện được ý đồ sáng tạo chung hay không.

(8) Kiểm tra yêu cầu hưởng quyền ưu tiên

Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được ghi trong mục “yêu cầu hưởng quyền ưu tiên” trong Tờ khai. Tiến hành xác định:

  • Có cơ sở cho hưởng quyền ưu tiên không.
  • Có bản sao (kèm bản dịch Tiếng Việt, nếu có) về đơn đầu tiên hay không (đơn đầu tiên giúp xác định Chủ đơn có quyền đăng ký sáng chế trong đơn không).

(9) Kiểm tra chỉ số phân loại sáng chế quốc tế

Thẩm định viên kiểm tra xem người nộp đơn có nêu chính xác “chỉ số phân loại giải pháp kỹ thuật” cần bảo hộ cho sáng chế của mình theo Bảng phân loại quốc tế về sáng chế mới nhất không.

(10) Kiểm tra các loại phí, lệ phí đã được nộp đầy đủ chưa, cái nào cần bổ sung


BƯỚC 3: Ra kết quả thẩm định:

Tức là ra 1 trong 2 kết quả: Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ hay Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ

(1) Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ

  • TH1: Đơn hợp lệ (không có thiếu sót trong đơn) --> Ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
  • TH2: Đơn chưa hợp lệ (do còn thiếu sót trong đơn) nhưng người nộp đơn đã tiến hành sửa chữa, bổ sung trong thời hạn quy định (02 tháng) đúng theo yêu cầu của Cục SHTT --> Ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ

(2) Dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ

Đơn có thiếu sót (thiếu sót được quyền sửa chữa, bổ sung) --> Cục SHTT ra Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ để yêu cầu người nộp đơn sửa chửa, bổ sung thiếu sót trong vòng 02 tháng.

Lưu ý: Sau thời hạn 02 tháng, tùy vào kết quả sửa chữa, bổ sung mà kết quả thẩm định sẽ thuộc mục (1) hoặc mục (3).

(3) Quyết định Từ chối chấp nhận đơn hợp lệ

  • TH1: Đơn có thiếu sót (thiếu sót không thể sửa chữa, bổ sung) --> Cục SHTT ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.
  • TH2: Đơn có thiếu sót nhưng Người nộp đơn không sửa chữa, bổ sung hoặc đã làm nhưng không đạt yêu cầu 

BƯỚC 4: Xác định ngày nộp đơn, ngày ưu tiên (nếu có)
  • Sau khi đơn được chấp nhập hợp lệ, Thẩm định viên sẽ tiến hành xác định ngày nộp đơn, ngày ưu tiên (nếu có).
  • Ngày nộp đơn sẽ là ngày được ghi trong dấu nhận đơn được đóng trên Tờ khai khi Cục SHTT tiếp nhận đơn.
GIAI ĐOẠN II: THẨM ĐỊNH NỘI DUNG
I. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI THẨM ĐỊNH NỘI DUNG

Việc thẩm định nội dung đơn là nhằm đánh giá xem đối tượng nêu trong đơn (mà Người nộp đơn muốn được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế) có khả năng được bảo hộ là Sáng chế hay không bằng cách xét các điều kiện bảo hộ, phạm vi bảo hộ.

ĐIỀU KIỆN TIẾN HÀNH THẨM ĐỊNH

Đối với đơn đăng ký sáng chế thì việc thẩm định nội dung đơn chỉ được thực hiện khi có đủ 2 điều kiện sau:

  • Người nộp đơn có yêu cầu thẩm định nội dung và;
  • Đơn đã được công bố trên hệ thống IPAS (tức là đã trải qua Giai đoạn 1 – Giai đoạn thẩm định hình thức đơn)

Như vậy, nếu không có nhu cầu thẩm định nội dung đơn thì người nộp đơn có thể rút yêu cầu thẩm định nội dung đơn.

** Lưu ý: Nếu việc rút yêu cầu thẩm định nội dung trước khi đơn được công bố hoặc đã được công bố nhưng trước khi đơn được chuyển qua cho thẩm định viên thẩm định nội dung thì người nộp đơn được hoàn đầy đủ phí thẩm định nội dung.

II. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH NỘI DUNG
BƯỚC 1: Đánh giá sự phù hợp của đối tượng nêu trong đơn với yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế

Đi tiến hành xem xét giữa bản chất thật sự của đối tượng nêu trong đơn so với yêu cầu mà Người nộp đơn muốn được cấp văn bằng bảo hộ Sáng chế.

Thẩm định viên tiến hành đánh giá các khía cạnh sau:

(1) Xác định đối tượng nêu trong đơn có phải là “giải pháp kỹ thuật” không; thuộc vào “Sản phẩm” hay “Quy trình

Tức là xem xét tập hợp những dấu hiệu kỹ thuật của từng yêu cầu bảo hộ xem khi kết hợp lại nó có tạo thành một phương tiện kỹ thuật/cách thức kỹ thuật để giúp giải quyết được nhiệm vụ mà Sáng chế muốn hướng tới không.

san

sáng chế

Ví dụ: Giải pháp kỹ thuật của máy đánh trứng chính là công thức vận hành của các máy móc trong đó, phải là sự kết hợp của những dấu hiệu kỹ thuật của từng bộ phận trong máy (con quay, lồng đánh trứng, máy điều chỉnh tốc độ,..) nhằm giải quyết được nhiệm vụ đánh bong trứng (hoặc các hợp chất có đặt tính hóa học tương tự) trong 1 thời hạn nhất định

(2) Có thuộc vào các trường hợp không được Nhà nước bảo hộ Sáng chế không (vì trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng, an ninh quốc gia,..) hoặc không được bảo hộ với danh nghĩa Sáng chế (phát minh, công thức toán học trừu tượng,…)

Lưu ý: Đối tượng nêu trong đơn phải “phù hợp” với loại văn bằng bảo hộ sáng chế mà Người nộp đơn yêu cầu được cấp thì mới thực hiện Bước tiếp theo (đánh giá từng điều kiện bảo hộ)


BƯỚC 2: Đánh giá đối tượng yêu cầu bảo hộ theo từng điều kiện bảo hộ

Nhằm trả lời câu hỏi: Đối tượng nêu trong đơn có đáp ứng đủ điều kiện để được bảo hộ Sáng chế không?

Các công việc cần tiến hành như sau:

(1) Phân tích giải pháp kỹ thuật của đối tượng yêu cầu bảo hộ

Nhằm xác định xem với các giải pháp kỹ thuật mà đối tượng đó mang đến có đủ để được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế không.

(2) Yêu cầu Người nộp đơn giải thích nội dung các tài liệu, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ bản chất hoặc nộp thêm các tài liệu để chứng minh các giải pháp nêu trong đơn (nếu cần)

(3) Khẳng định lại phân loại giải pháp kỹ thuật theo Bảng phân loại quốc tế về Sáng chế (lần mới nhất)

(4) Tiến hành tra cứu tình trạng kỹ thuật

(5) Thẩm định Quyền ưu tiên

(6) Kiểm tra tính thống nhất của đơn

“Tính thống nhất” được thể hiện như sau:

  • Đơn yêu cầu bảo hộ cho một Sáng chế duy nhất
  • Đơn yêu cầu bảo hộ cho một nhóm Sáng chế và nhóm Sáng chế này phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về kỹ thuật (để hướng tới thực hiện 1 ý đồ sáng tạo chung duy nhất). Tức là không được có các dấu hiệu kỹ thuật khác biệt hoàn toàn nhau.

BƯỚC 3: Đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện bảo hộ của từng yêu cầu bảo hộ (nếu đơn bao gồm nhiều đối tượng đảm bảo tính thống nhất)

VD: các bộ phận tạo thành tổng thể của 1 thiết bị, máy móc và giúp nó vận hành được

03 tiêu chí cốt lõi đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện để được bảo hộ Sáng chế:

(1) Khả năng áp dụng công nghiệp: phải dùng được trên thực tế, không được trái với quy luật tự nhiên hoặc lệ thuộc vào quy luật tự nhiên hoàn toàn, phải có các chỉ dẫn dễ hiểu để thực hiện/sử dụng được, phải thực hiện được hàng loạt, phải mang đến hiệu quả tích cực…

(2) Tính mới: tức là trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên thì không có một sáng chế giống hệt nào được bộc lộ công khai (được sử dụng, được đăng trên các ấn phẩm, được biết rộng rãi,..) hoặc được nộp đơn sớm hơn đơn này.

(3) Trình độ sáng tạo: tức là xét trong điều kiện hiện tại, sáng chế được coi là một bước tiến về kỹ thuật, không dễ dàng tạo ra được đối với người có hiểu biết thông thường trong lĩnh vực mà Sáng chế đang hướng đến.

Việc đánh giá điều kiện trong 3 tiêu chí này phải dựa trên rất nhiều yếu tố được thực hiện bằng nghiệp vụ đặc thù bởi các Thẩm định viên có chuyên môn trong lĩnh vực mà Sáng chế hướng đến.


BƯỚC 4: Sửa chữa, bổ sung thiếu sót đơn trong quá trình thẩm định nội dung

Nếu trong nội dung đơn có các thiếu sót cần phải sửa chữa hoặc bổ sung và những thiếu sót này có thể sửa chữa, bổ sung được.

  • Thẩm định viên ra Thông báo yêu cầu Người nộp đơn sửa chữa, bổ sung đơn cho phù hợp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thông báo.

Tùy vào kết quả sửa chữa, bổ sung đơn có xác đáng hay không mà Thẩm định viên ra kết luận.


BƯỚC 5: Kết luận và Thông báo cho người nộp đơn (hoặc người thứ ba có yêu cầu thẩm định nội dung)

Dựa trên kết quả thẩm định từ Bước 1 đến Bước 4 mà Cục SHTT đưa ra kết luận và thông báo cho người nộp đơn. Theo đó, bao gồm các trường hợp sau:

(1) Thông báo Dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ (gọi là Thông báo dự định từ chối)

  • TH1: Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng 1 trong các điều kiện để được bảo hộ
  • TH2: Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đơn còn thiếu sót dẫn đến chưa thể cấp văn bằng bảo hộ được và Cục SHTT cho phép người nộp đơn 02 tháng để sửa chữa, bổ sung đơn.

(2) Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ (gọi tắt là Thông báo dự định cấp)

  • TH1: Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng các điều kiện bảo hộ
  • TH2: Đơn có thiếu sót và Người nộp đơn đã chỉnh sửa, bổ sung đơn đạt yêu cầu.

(3) Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ (gọi là Thông báo từ chối)

Sau 02 tháng kể từ ngày ra Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ theo mục (2) mà:

  • Người nộp đơn không phản hồi ý kiến gì
  • Việc sửa chữa, bổ sung đơn (theo yêu cầu trong Thông báo dự định từ chối cấp) vẫn không đạt yêu cầu

Lưu ý: Nếu Người thứ 3 có yêu cầu thẩm định nội dung đơn, Cục SHTT ra các Thông báo tương ứng về các vấn đề của việc thẩm định nội dung đơn cho Người thứ 3 biết.


BƯỚC 6: Chuẩn bị hồ sơ cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ Sáng chế

Tương ứng với các kết quả ở Bước 5 mà Thẩm định viên chuẩn bị các hồ sơ cấp hay là từ chối cấp văn bằng bảo hộ Sáng chế cho Người nộp đơn biết.


>>> Xem thêm: Dịch vụ đăng ký bảo hộ sáng chế

©Monday VietNam

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi