Các trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng Nhãn hiệu

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định ở Điều 95 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, cụ thể:

Thứ nhất

Chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;   

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn. Như vậy sau mười năm kể từ ngày nộp đơn, chủ văn bằng phải làm thủ tục gia hạn văn bằng. Thời hạn làm thủ tục gia hạn là trước và sau sáu tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực, nếu chủ văn bằng không làm thủ tục gia hạn trong khoảng thời gian đó thì văn bằng bảo hộ sẽ bị chấm dứt hiệu lực.

Thứ hai

Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;  

Nếu chủ văn bằng nhãn hiệu muốn chấm dứt hiệu lực văn bằng thì phải nộp đủ hồ sơ và lệ phí theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ.

Thứ ba,

Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp; 

Ở đây có thể được hiểu là cá nhân đã chết hoặc doanh nghiệp bị phá sản, giải thể mà không có cá nhân, tổ chức thừa kế hợp pháp.

Thứ tư,

Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực; 

Việc sử dụng nhãn hiệu được có thể được thể hiện dưới các hành vi sau đây:

  • Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phương tiện dịch vụ, các giấy tờ, chứng từ liên quan đến giao dịch mua bán,…;
  • Lưu thông, chào bán, quảng cáo, lưu trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;
  • Xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ;
  • Sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng;
  • ….
Thứ năm,

Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; 

Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
  • Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
  • Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
  • Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
  • Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Thứ sáu,

Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; 

Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
  • Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
  • Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
  • Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
  • Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Thứ bảy,

Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó. Trên đây là các trường hợp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực. Ngoài ra tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hiệu lực văn bằng đối với các trường hợp nêu trên (trừ trường hợp thứ nhất và thứ hai) với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

Hoàng Lan

© Monday VietNam

Gia hạn văn bằng bảo hộ

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi