Ngày nay, nhiều người tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh. Mục đích duy nhất là mong muốn Nhà Nước bảo vệ quyền lợi của mình đối với nhãn hiệu. Trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký nhãn hiệu mang vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi nó chính là phương tiện, là căn cứ để Cục Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là Cục SHTT) ghi nhận quyền và tiến hành xem xét khả năng bảo hộ của một nhãn hiệu. Để nắm rõ tổng quát về những vấn đề liên quan đến đơn. Mời bạn đọc cùng Monday VietNam tham khảo bài viết “Đơn đăng ký nhãn hiệu – Những điều nhất định phải biết”.

1. Đơn đăng ký nhãn hiệu là gì?

Hiểu một cách đơn giản Đơn đăng ký nhãn hiệu (sau đây gọi là đơn) chính là hồ sơ do cá nhân, tổ chức có nhu cầu được bảo hộ nhãn hiệu (sau đây gọi chung là chủ đơn) sẽ soạn và nộp lên Cục SHTT. Thông qua đơn, Cục SHTT sẽ xem xét và kết luận nhãn hiệu nêu trong đơn có được Nhà nước bảo hộ hay không.

  • Với chủ đơn, đơn chính là phương tiện để họ trình bày với Cơ quan có thẩm quyền rằng: “tôi muốn được Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu ABC XYZ …”
  • Với Cục SHTT, đơn chính là cơ sở để ghi nhận yêu cầu được bảo hộ một nhãn hiệu cụ thể. Từ đó, tiến hành xem xét dựa trên quy định của pháp luật về SHTT để đưa ra kết luận: Nhãn hiệu nêu trong đơn đáp ứng đủ điều kiện được bảo hộ hay không.

Vì nhãn hiệu chính là nhận diện dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của người này với người khác. Mà phạm vi hoạt động thương mại của hàng hóa, dịch vụ có thể mở rộng ra nhiều quốc gia. Do đó, phát sinh nhu cầu được bảo hộ nhãn hiệu trong phạm vi quốc gia và ở các nước khác.

Theo đó, tuy vào nhu cầu muốn được bảo hộ nhãn hiệu trong phạm vi Việt Nam hay mở rộng ra các nước mà đơn đăng ký nhãn hiệu gồm có:

  • Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
  • Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế (áp dụng để đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia là thành viên tham gia hệ thống Madrid)

2. Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

Nghĩa là phạm vi yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu chỉ trong lãnh thổ Việt Nam. Do đó, nếu có chủ thể nộp đơn tại quốc gia khác, mà có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với đơn đã nộp tại Việt Nam thì vẫn được đăng ký và xem xét bình thường.

>> Xem thêm: Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

3. Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế

Đăng ký nhãn hiệu quốc tế là một bước tiến trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức. Tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức mở rộng hoạt động kinh doanh song song với bảo hộ tài sản trí tuệ xuyên quốc gia.

Theo đó, người muốn được bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia khác thì vẫn thông qua hình thức nộp đơn đăng ký. Gọi là đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế.

Tổ chức, cá nhân sẽ nộp đơn đăng ký quốc tế thông qua hệ thống Madrid. Bằng hệ thống này, chỉ cần nộp một đơn đăng ký quốc tế vào Cục SHTT tại Việt Nam, trong đó nêu rõ các quốc gia (thành viên của nghị định thư Madrid) mà chủ đơn muốn được bảo hộ nhãn hiệu, hệ thống này sẽ tự động gửi yêu cầu đến từng quốc gia đó để họ xem xét.

>> Xem thêm: Cách đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid

4. Cách soạn đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam đúng quy định

Đơn đăng ký nhãn hiệu là phương thức để Cục SHTT xem xét yêu cầu được bảo hộ nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức. Do đó, việc soạn đơn thế nào cho đúng quy định là việc cực kỳ quan trọng để Cục SHTT chấp nhận đơn hợp lệ.

Vậy Luật SHTT quy định đơn đăng ký nhãn hiệu gồm những gì?

Tùy vào nhãn hiệu muốn đăng ký là nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận mà thành phần trong đơn đăng ký sẽ có sự khác nhau:

Thành phần đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường

  • Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (mẫu số 04-NH – Phụ lục A được ban hành theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ);
  • Mẫu nhãn hiệu kích thước tối đa không quá 8cmx8cm;
  • Bản sao Giấy tờ chứng thực cá nhân (nếu chủ đơn là cá nhân) hoặc giấy tờ chứng thực tổ chức (nếu chủ đơn là tổ chức, doanh nghiệp);
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Thành phần đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể

  • Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (mẫu số 04-NH – Phụ lục A);
  • Mẫu nhãn hiệu kích thước tối đa không quá 8cmx8cm;
  • Giấy ủy quyền (nếu chủ đơn ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác nộp đơn);
  • Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  • Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
  • Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm);
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Thành phần đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

  • Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (mẫu số 04-NH – Phụ lục A);
  • Mẫu nhãn hiệu có kích thước tối đa không quá 8cmx8cm;
  • Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
  • Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận (nếu là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
  • Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm).
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.

>> Xem thêm: Hướng dẫn soạn hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

5. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở đâu? Nộp theo những cách nào?

Như đã nói trên, chúng ta có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madrid. Tùy vào nhu cầu muốn được bảo hộ trong phạm vi Việt Nam hay mở rộng ra các nước khác.

Cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

Hiện nay, có 3 cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam:

Cách 1: Nộp trực tiếp tại Cục SHTT

Chủ đơn tự mình lên nộp trực tiếp tại một trong ba văn phòng Cục SHTT hoặc có thể ủy quyền cho một người khác (phải có giấy ủy quyền) để lên nộp thay mình.

Cách 2: Nộp đơn thông qua cá nhân, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp

Nghĩa là, cá nhân, tổ chức (gọi chung là chủ đơn) có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu nhưng không trực tiếp soạn đơn và nộp đơn thì có thể ủy quy ền cho cá nhân, tổ chức có chức năngđại diện sở hữu công nghiệp để nộp đơn thay mình. Họ sẽ thay mặt chủ đơn để thực hiện các thủ tục liên quan đến đơn với Cục SHTT.

Lưu ý: “Đại diện sở hữu công nghiệp” là một ngành nghề có điều kiện. Do đó, chỉ những cá nhân, tổ chức nào được Bộ Khoa học & Công nghệ cấp giấy phép mới được hoạt động dịch vụ này.

Cách 3: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua hệ thống Madrid.

Nếu có nhu cầu mở rộng phạm vi bảo hộ ra các nước khác (các nước thành viên của Thỏa ước Madrid và nghị định thư Madrid)

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở đâu?

Cục SHTT có 3 văn phòng được đặt ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam như sau:

  • Văn phòng Cục SHTT tại Hà Nội
  • Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Đà Nẵng

>> Xem thêm: Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

6. Nguyên tắc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

Chắc nhiều người chưa từng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ thắc mắc: Vì sao người ta lại tranh thủ từng phút giây để được nộp đơn trước người khác.

Việc nộp đơn trước hay sau, đơn có xin hưởng quyền ưu tiên nộp đơn hay không là cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, Việt Nam tuân theo “nguyên tắc nộp đơn đầu tiên” được quy định tại Điều 90 Luật SHTT. Nguyên tắc này áp dụng cho các trường hợp sau:

  • Nếu có nhiều đơn của nhiều người khác nhau cùng nộp lên Cục SHTT, mà mẫu nhãn hiệu của các đơn này có sự trùng hoặc tương tự dễ gây nhầm lẫn với nhau và nhóm hàng hóa/dịch vụ mang các nhãn hiệu này cũng trùng hoặc tương tự nhau thì Cục SHTT chỉ xem xét cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu nào có đơn đăng ký hợp lệ và có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm hơn các đơn còn lại;
  • Trường hợp một người nộp nhiều đơn khác nhau mà nhãn hiệu trong các đơn này có sự trùng hoẵ tương tự nhau về mẫu nhãn hiệu cũng như nhóm hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đơn nào có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trước nhất trong các đơn mà người này nộp.

7. Thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu

Sau khi tiếp nhận đơn từ cá nhân, tổ chức, Cục SHTT sẽ tiến hành thẩm định đơn. Đây là công việc cực kỳ quan trọng để các Thẩm định viên xem xét mọi góc độ của đơn và đưa ra kết luận:

“nhãn hiệu nêu trong đơn đăng ký có đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về SHTT để được cấp văn bằng bảo hộ hay không”.

Vì kết quả cuối cùng của việc thẩm định đơn đó là kết luận và trả lời cho người nộp đơn biết về khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu nêu trong đơn. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện công việc này phải thực hiện theo một quy chế thống nhất và các Thẩm định viên phải có chuyên môn phù hợp.

Cả 2 giai đoạn thẩm định này, các thẩm định viên cần phải tuân theo quy định tại Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu được Cục SHTT ban hành.

Theo đó, đơn sau khi nộp cho Cục SHTT sẽ trải qua 2 giai đoạn thẩm định:

Giai đoạn 1: Thẩm định hình thức đơn

Hiểu đơn giản, thẩm định hình thức chính là đi kiểm tra xem đơn nộp lên có tuân thủ các quy định về hình thức của một đơn hợp lệ chưa. Kết quả là trả lời cho người nộp đơn biết: đơn hợp lệ về hình thức hoặc đơn không hợp lệ về hình thức.

Lưu ý rằng chỉ khi nào có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ từ Cục SHTT thì đơn mới được thẩm định nội dung.

Giai đoạn 2: Thẩm định nội dung đơn

Trong giai đoạn này, thẩm định viên tiến hành kiểm tra xem “nhãn hiệu” nêu trong đơn có đáp ứng tiêu chuẩn để được Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu không. Kết quả là trả lời cho người nộp đơn biết: nhãn hiệu nêu trong đơn đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ hay chưa đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc này. Do đó, khi có thông báo “dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ” liền nghĩ rằng nhãn hiệu của mình hết cơ hội được bảo hộ. Họ từ bỏ quyền được trả lời và có thể ảnh hưởng về quyền lợi đối với nhãn hiệu của họ.

>> Xem thêm: Quy trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu

8. Các trường hợp có thể phát sinh sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

Chuyển đơn đăng ký nhãn hiệu:

“Chuyển đơn” là chủ đơn tiến hành chuyển giao đơn mà mình đứng tên chủ đơn cho một cá nhân, tổ chức khác. Bằng việc chuyển giao đơn, chủ đơn hiện tại sẽ không còn bất kỳ quyền gì với đơn. Theo đó, sẽ chuyển toàn bộ quyền nộp đơn và các quyền lợi sau đó đối với nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức nhận chuyển đơn.

Sau khi, nhận chuyển đơn sẽ trở thành chủ đơn mới của đơn đó

Việc chuyển giao đơn đăng ký nhãn hiệu được phép thực hiện trong giai đoạn nào?

Việc chuyển giao đơn sẽ được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào. Miễn là trước khi Cục SHTT thông báo cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Bởi lẽ, đến khi có kết quả thẩm định nội dung đơn, đối tượng được nhắc đến của giai đoạn này là “văn bằng bảo hộ nhãn hiệu” chứ không còn là đơn nữa.

VD: Ông A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu X tại Việt Nam, lúc này ông A chính là chủ đơn. Do thương lượng trong kinh doanh, ông A muốn chuyển quyền đăng ký nhãn hiệu X cho công ty B. Lúc này, đơn đăng ký của ông A chưa có thông báo về việc được cấp văn bằng hay từ chối cấp văn bằng.

Như vậy, ông A cần phải làm thủ tục chuyển giao đơn đăng ký nhãn hiệu X cho công ty B. Ông A cần nộp hồ sơ chuyển giao đơn theo quy định.

>> Xem thêm: Thủ tục chuyển đơn đăng ký nhãn hiệu

Tách đơn đăng ký nhãn hiệu:

Sau khi nộp, chủ đơn có thể chủ động hoặc yêu cầu của Cục SHTT tiến hành thủ tục tách đơn. Việc tách đơn có thể thuộc trong hai trường hợp sau:

  • Tách một hoặc một số thành phần của nhãn hiệu sang một hoặc nhiều đơn mới.
  • Tách một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ đã đăng ký trong đơn sang một hoặc nhiều đơn mới.

VD: Công ty C nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Y cho 3 nhóm: 30, 35, 43. Sau đó, do nhu cầu nên công ty này muốn tách đơn hiện tại thành 2 đơn mới, một đơn mang nhóm 35, một đơn mang nhóm 43, đơn cũ chỉ còn nhóm 30.

Lưu ý:

  • Đơn tách sẽ mang số đơn mới và cần phải nộp lệ phí cho các đơn mới này. Tuy nhiên, ngày nộp đơn vẫn là ngày nộp đơn ban đầu.
  • Các đơn sau khi tách vẫn được tiếp nhận và xử lý theo thủ tục thông thường.
  • Việc tách đơn thực hiện trước khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

>> Xem thêm: Thủ tục tách đơn đăng ký nhãn hiệu

Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu

Sau khi nộp đơn, do yêu cầu từ Cục SHTT hoặc chủ đơn có nhu cầu sửa đổi, bổ sung thông tin đã nêu trong đơn thì tiến hành thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định tại Điều 116 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Những thông tin nào trong đơn có thể làm thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn?

  • Thay đổi tên công ty;
  • Thay đổi địa chỉ công ty;
  • Thay đổi người đại diện của chủ đơn;
  • Thay đổi mẫu nhãn hiệu;
  • Phân nhóm hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu chưa chính xác.

Người nộp đơn cần nộp lên Cục SHTT đơn đăng ký đã sửa đổi, bổ sung thông tin so với đơn ban đầu và đính kèm theo các giấy tờ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung thông tin trong đơn.

VD: Công ty D có trụ sở chính (theo địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) ghi nhận trong đơn là tại Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nộp đơn được 1,5 tháng thì đổi địa chỉ công ty về Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh và đã làm thủ tục đổi địa chỉ trụ sở chính với Sở Kế hoạch và đầu tư. Công ty D cần phải làm thủ tục sửa đổi địa chỉ công ty đã nêu trong đơn thành địa chỉ mới nhất của công ty. Lúc này, ngoài tờ khai đăng ký sửa đổi, bổ sung đơn thì công ty D cần đính kèm theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũ và mới để Cục SHTT đối chiếu.

>> Xem thêm: Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu

Rút đơn đăng ký nhãn hiệu

Sau khi nộp đơn, chủ đơn không còn nhu cầu đăng ký nhãn hiệu nêu trong đơn nữa thì có thể làm thủ tục rút đơn.

Để được rút đơn, chủ đơn cần soạn công văn trình bày với Cục SHTT để xin rút lại đơn đã nộp. Bên cạnh đó, yêu cầu Cục SHTT xem xét để hoàn lại phần phí, lệ phí đã nộp cho đơn này.

Tuy nhiên, không phải thời điểm nào cũng được quyền rút đơn.

>> Xem thêm: Rút đơn đăng ký nhãn hiệu

Tóm lại, khi đặt vấn đề về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cá nhân, tổ chức nào cũng cần quan tâm đến đơn đăng ký nhãn hiệu. Hiểu bản chất, các vấn đề pháp lý liên quan đến đơn giúp tiến trình đăng ký nhãn hiệu được thuận lợi.

Minh Thư

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi