Sáng 16/6/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) [Luật số 07/2022/QH15]. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết 477 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỷ lệ 95,78%), trong đó có 476 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (chiếm tỷ lệ 95,58%).
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022. Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2024.
Luật SHTT số 50/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006. Sau đó, Luật SHTT đã trải qua 2 lần sửa đổi, bổ sung trước khi được Quốc hội thông qua lần thứ 3 vào ngày 16/6/2022. Cụ thể, Luật số 36/2009/QH12 và 42/2019/QH14 đã chính thức có hiệu lực lần lượt từ ngày 01/01/2010 và 01/11/2019.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vừa được thông qua có các nội dung mới nổi bật như sau:
Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Trước đây, khoản 2 Điều 7 Luật SHTT đã có quy định “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan.” Tuy nhiên, nội dung này được xem là chưa đủ để bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay.
Đặc biệt, trải qua sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong một trấn đấu bóng đá quốc tế đã khiến Chính phủ phải lên tiếng đề nghị bổ sung vào điều khoản này nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc Kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Sau khi xem xét ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ghi nhận một phần ý kiến và bổ sung thêm vào điều khoản này nội dung:
“Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”
Có thể chuyển giao quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm
Trước đây, khoản 1 Điều 19 Luật SHTT có quy định tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm. Giờ đây, để đảm bảo tính nhất với Bộ luật Dân sự, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và bổ sung thêm vào điều khoản này nội dung:
“Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.”
Cần lưu ý rằng, nội dung mới này chỉ cho phép chuyển giao quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm trong một số trường hợp để thuận lợi trong việc thực hiện các quyền tài sản đối với tác phẩm chứ đây vẫn là quyền nhân thân gắn với tác giả.
Bổ sung trường hợp ngoại lệ liên quan đến tính mới của sáng chế
Trước đây, khoản 1 Điều 60 Luật SHTT đã có quy định “Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.” Tuy nhiên, nhằm điều chỉnh đầy đủ hơn về các trường hợp ngoại lệ căn cứ theo các vụ việc thực tế và thông lệ quốc tế, UBTVQH đã bổ sung thêm một trường hợp ngoại lệ sau vẫn được xem là sáng chế có tính mới:
“Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.”
>> Xem thêm Dịch vụ đăng ký sáng chế trọn gói của Monday VietNam
Nhãn hiệu âm thanh chính thức được điều chỉnh trong văn bản pháp luật quốc gia
Nhằm nội luật hóa Điều 18.19 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), UBTVQH đã chính thức bổ sung thêm các điều khoản điều chỉnh nhãn hiệu âm thanh. Theo đó, nhãn hiệu âm thanh là loại nhãn hiệu có thể thể hiện dưới dạng đồ họa và các chủ sở hữu cần phải chuẩn bị mẫu nhãn hiệu dưới dạng tệp âm thanh và đồ họa. Cụ thể, khoản 1 Điều 72 được sửa đổi thành:
“Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.”
Song song, khoản 2 Điều 105 Luật SHTT cũng bổ sung nội dung:
“Nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.”
Bổ sung 2 tiêu chí mới trong việc đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu
Bên cạnh việc chỉnh lý lại các nội dung đã có, UBTVQH đã quyết định đề nghị bổ sung thêm 2 nội dung hoàn toàn mới vào khoản 2 Điều 74 Luật SHTT nhằm phù hợp hơn với thực tiễn, khắc phục những lỗ hổng của pháp luật như sau:
“o) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng;
p) Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.”
Công khai đơn đăng ký nhãn hiệu
Trước đây, đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ được đăng tải công khai trên các cơ sở dữ liệu của Cục SHTT khi được đăng Công báo, sau khi vượt qua được giai đoạn thẩm định hình thức. Giờ đây, UBTVQH cho rằng việc công khai các đơn đăng ký nhãn hiệu ngay khi Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký là cần thiết để vừa thể hiện sự công khai, minh bạch trong hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đơn, tránh trường hợp nộp đơn trùng lặp. Vì vậy, Điều 110 Luật SHTT được bổ sung thêm vào một nội dung như sau:
“1a. Đơn đăng ký nhãn hiệu chưa được cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công khai ngay sau khi được tiếp nhận.”
Đơn giản hóa yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Nhằm giải tỏa sự cồng kềnh đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, UBTVQH đã loại bỏ những yêu cầu gây khó khăn cho người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp như yêu cầu về kiểu dáng tương tự gần nhất, mô tả các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất kiểu dáng công nghiệp, nêu rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng ít khác biệt nhất đã biết… Giờ đây, Điều 103 Luật SHTT đã được tinh gọn lại như sau:
“1. Tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.
2. Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.
3. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.”
Nhật Ánh