Từ ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 chính thức có hiệu lực, mang theo nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.  Luật này mang đến nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp – bao gồm cả trường hợp có hưởng tiền lương và không hưởng tiền lương. Trong bài viết sau đây, Monday VietNam sẽ phân tích cụ thể điểm mới này để doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện đúng quy định.

I. Người quản lý doanh nghiệp bao gồm những ai? 

    Căn cứ khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp là người giữ chức vụ, quyền hạn trong việc điều hành và ra quyết định quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp, gồm:

    1. Chủ tịch công ty;
    2. Thành viên Hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị 
    3. Tổng giám đốc/ Giám đốc 
    4. Chủ doanh nghiệp tư nhân 
    5. Thành viên công ty hợp danh 
    6. Cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty (tức là vẫn còn các tên chức danh khác tùy mỗi doanh nghiệp quy định trong Điều lệ công ty cho phù hợp với mô hình hoạt động kinh doanh của Công ty mình, miễn không trái với quy định của pháp luật)

    II. Các trường hợp người quản lý doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

    Theo điểm n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), người quản lý doanh nghiệp có hưởng lương tiếp tục là một trong các đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Quy định này không phải là điểm mới, mà là sự kế thừa từ chính sách đã được áp dụng ổn định theo Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014.

    Nghĩa là, đối với nhóm đối tượng người quản lý doanh nghiệp có hưởng lương, việc tham gia và đóng BHXH bắt buộc vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện một cách bình thường như trước đây. Do đó, các doanh nghiệp vẫn thực hiện kê khai, trích nộp và đóng BHXH bắt buộc cho những người đang giữ chức danh quản lý có hưởng lương tại doanh nghiệp mình theo mức lương thực tế đã khai báo.

    Lưu ý: Yếu tố “hưởng lương” được hiểu là Doanh nghiệp có chi trả 1 khoản tiền cho người quản lý doanh nghiệp đều đặn hàng tháng theo thỏa thuận trước giữa hai bên để người quản lý doanh nghiệp này thực hiện công việc theo chức danh (khoản tiền này gồm tổng mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản tiền bổ sung khác theo quy định Bộ luật lao động 2019).

    Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025) mở rộng phạm vi người tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, người quản lý doanh nghiệp “không hưởng tiền lương” cũng thuộc diện phải tham gia và đóng BHXH bắt buộc. (Căn cứ pháp lý: điểm n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024).

    Người quán lý doanh nghiệp “không hưởng lương” bao gồm các cá nhân giữ các chức danh quản lý chủ chốt trong doanh nghiệp, như:

    • Thành viên hội đồng quản trị không kiêm nhiệm điều hành và không hưởng lương từ Công ty
    • Thành viên hội đồng thành viên không phải là giám đốc/tổng giám đốc và không hưởng lương…
    • Thành viên ban quản trị, ban kiểm soát không hưởng lương (trong hợp tác xã);
    • Những người có vai trò điều hành, giám sát nhưng nguồn thu nhập chính của họ không phải là tiền lương tháng từ đơn vị/ Công ty đó (mà thu nhập chính có thể là từ lợi tức, cổ tức, thù lao theo vụ việc được hưởng theo chính sách riêng).

    Như vậy, bắt đầu từ ngày 01/7/2025, người quản lý doanh nghiệp, dù có hưởng lương hay không hưởng lương, đều phải tham gia và đóng BHXH bắt buộc, đánh dấu một thay đổi quan trọng trong chính sách pháp luật về BHXH. Theo đó, các doanh nghiệp đang có người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương như nêu trên có trách nhiệm bắt đầu kê khai thông tin tham gia BHXH bắt buộc cho nhóm đối tượng này từ ngày 01/7/2025.

    Căn cứ khoản 7 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương (theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 2) sẽ không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nếu đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019. Trừ trường hợp nếu người đó chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH nhưng còn thiếu không quá 06 tháng, thì vẫn được tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc để hoàn tất điều kiện hưởng chế độ hưu trí (theo khoản 7 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024).

    Căn cứ điểm c khoản 5 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024: “ Đối tượng quy định tại điểm n khoản 1 Điều này làm việc tại nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì tham gia BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã đầu tiên tham gia quản lý, điều hành;”

    Nghĩa là, theo Luật BHXH mới, đối với một cá nhân cùng lúc giữ chức vụ quản lý, điều hành tại nhiều doanh nghiệp khác nhau (kể cả có hưởng lương hay không hưởng lương) thì việc tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện tại một đơn vị (doanh nghiệp) duy nhất theo nguyên tắc: “không trùng đóng”, “ưu tiên nơi có HĐLĐ và đã tham gia BHXH trước nhất”. .

    Cụ thể, một người giữ chức vụ quản lý – điều hành ở nhiều doanh nghiệp khác nhau có thể căn cứ theo một trong các trường hợp sau để xác định nơi tham gia BHXH bắt buộc:

    • TH1: Trong các doanh nghiệp mà người này đang giữ chức vụ quản lý – điều hành thì có 1 doanh nghiệp ký HĐLĐ hưởng lương, các doanh nghiệp còn lại thì người này thuộc diện không hưởng lương. Như vậy, ưu tiên tham gia BHXH bắt buộc theo doanh nghiệp mà người này đang có HĐLĐ hưởng lương. Các doanh nghiệp còn lại thì không cần tham gia cho người này nữa.
    • TH2: Có nhiều hơn 1 doanh nghiệp ký HĐLĐ hưởng lương, các doanh nghiệp còn lại thuộc diện không hưởng lương thì sẽ ưu tiên tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc theo doanh nghiệp có HĐLĐ hưởng lương và đã tham gia BHXH trước nhất.
    • TH3: Tất cả doanh nghiệp đang giữ chức vụ quản lý – điều hành đều thuộc diện không hưởng lương thì có thể xem xét doanh nghiệp nào cá nhân này giữ chức vụ quản lý – điều hành trước nhất hoặc do người này lựa chọn tham gia BHXH bắt buộc ở một trong các doanh nghiệp đó. Trường hợp này, người quản lý doanh nghiệp cần phải có sự thống nhất rõ ràng với từng doanh nghiệp về việc chọn tham gia BHXH bắt buộc.

    Do đó, đối với người giữ chức danh quản lý – điều hành tại nhiều doanh nghiệp, cả người này và mỗi doanh nghiệp đều cần xác định rõ nơi đóng BHXH chính, đồng thời cần có các văn bản cam kết, thỏa thuận rõ ràng giữa người này và mỗi doanh nghiệp để đảm bảo minh bạch về nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc cho người quản lý doanh nghiệp theo Luật BHXH 2024, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi bị kiểm tra, thanh tra về lao động – bảo hiểm.

    III. Trường hợp doanh nghiệp không kê khai cho người quản lý doanh nghiệp tham gia BHXH thì có bị xử phạt không?

    Việc doanh nghiệp không kê khai, kê khai không đúng hoặc cố tình trốn đóng BHXH bắt buộc cho người quản lý doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    Hiện tại, với Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2024 còn khá mới, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp không phải kê khai BHXH đối với người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương đang tham gia BHXH tại doanh nghiệp này, không tham gia tại doanh nghiệp kia.

    • Cứ tuân thủ về thời điểm cần tham gia BHXH bắt buộc cho người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương tại doanh nghiệp mình và liên hệ Cơ quan BHXH đang quản lý doanh nghiệp để được hướng dẫn chi tiết việc kê khai hay không cần kê khai.
    • Khuyến khích lập các văn bản/ quy định nội bộ (như Điều lệ công ty) để xác định rõ các chức danh quản lý không hưởng lương của doanh nghiệp. 
    • Với các cá nhân đang giữ nhiều chức danh quản lý – điều hành tại nhiều doanh nghiệp thì cần có các văn bản cam kết/thỏa thuận với doanh nghiệp về nơi đóng BHXH chính để tránh các rủi ro cho doanh nghiệp về lao động – BHXH .
    • Cập nhật phần mềm BHXH, hệ thống chữ ký số, để đảm bảo kê khai thuận lợi từ tháng 7/2025.

    Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mở rộng phạm vi tham gia BHXH bắt buộc, người quản lý doanh nghiệp, kể cả không hưởng tiền lương, đều cần tuân thủ quy định về tham gia và đóng BHXH kể từ ngày 01/7/2025. Đây là quy định mới, mang tính bắt buộc và có ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kê khai, đóng BHXH cho nhóm đối tượng này. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định, doanh nghiệp nên chủ động rà soát lại hồ sơ nhân sự, và thực hiện đăng ký tham gia BHXH bắt buộc đúng thời hạn theo quy định của cơ quan BHXH.

    Chat với chúng tôi qua Facebook
    Chat với chúng tôi qua Zalo
    Gửi Email cho chúng tôi
    Gọi ngay cho chúng tôi