Bản chất doanh nghiệp là một tổ chức, do đó, tự thân doanh nghiệp không thể thực hiện được toàn bộ giao dịch, hay tham gia vào tất cả các mối quan hệ mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật là một cá nhân. Do đó, bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào cũng có ít nhất một người là người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp để tham gia các giao dịch, các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp.
Trong đó, công ty TNHH hai thành viên trở lên (công ty TNHH 2 TV trở lên) cũng không là ngoại lệ. Để biết được người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 TV trở lên là ai, có vai trò gì đối với công ty thì trước hết chúng ta cần tìm hiểu quy định của pháp luật.
1. Người đại diện theo pháp luật là gì?
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020: “là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào định nghĩa này rất khó để xác định một người có phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay không. Vì người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp cũng có thể được ủy quyền một phần hoặc toàn bộ phạm vi nêu trên. Do đó, chúng ta cần phải thông qua các quy định cụ thể về người đại diện theo pháp luật của từng loại hình doanh nghiệp thì mới có thể biết được phạm vi trách nhiệm, tư cách pháp lý của người đại diện theo pháp luật của mỗi loại hình doanh nghiệp đó. Đơn cử như quy định của pháp luật doanh nghiệp về người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 TV trở lên.
>>> Xem thêm: Phân biệt người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền
2. Người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Về trách nhiệm
Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
Về số lượng
Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH hai thành viên được ghi nhận trong Điều lệ công ty và có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH hai thành viên nếu chỉ có hai thành viên thì trong trường hợp người đại diện theo pháp luật bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú … thì thành viên còn lại đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của Công ty cho đến khi bầu mới.
3. Những vấn đề pháp lý khi doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật
Ngoài những lợi ích mà Công ty TNHH hai thành viên trở lên có được khi có nhiều người đại diện theo pháp luật thì song song đó còn có nhiều bất cập liên quan.
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, có nhiều vấn đề để phát sinh liên quan đến thủ tục pháp lý. Trong một số trường hợp có thể xảy ra tình trạng hôm nay, một người đại diện theo pháp luật ký văn bản với nội dung A, gửi cho các bên có liên quan và cả cơ quan quản lý; ngày mai, người đại diện theo pháp luật khác gửi một văn bản với nội dung hoàn toàn trái ngược, thì các bên sẽ tin ai? Dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp và việc giải quyết các vấn đề phát sinh rất nan giải. Vì vậy, rất nhiều công ty sẽ e dè hơn với những công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật
4. Vấn đề khởi kiện khi phát sinh tranh chấp
Mở rộng vấn đề đi vào việc áp dụng các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật nói chung, người đại diện theo pháp luật của cty TNHH 2TV trở lên nói riêng trong việc khởi kiện vẫn còn nhiều bất cập và chưa được thống nhất trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật.
Từ quy định của người đại diện theo pháp luật ở Luật Doanh nghiệp 2014 và được tiếp tục ở Luật Doanh nghiệp 2020 thì vấn đề đại diện khởi kiện hiện được hiểu theo hai cách.
Một là, do quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân… đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án…”, nên đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, bất cứ người đại diện theo pháp luật nào cũng có quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án.
Hai là, Tại khoản 2 Điều 13 Luật DN quy định:“…Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”,do đó, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chỉ người nào được Điều lệ công ty quy định có quyền khởi kiện vụ án thì người đó mới có quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án; nếu Điều lệ công ty không có quy định người có quyền khởi kiện vụ án thì tất cả những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng phải có văn bản ủy quyền cho một người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án.
Trên thực tế, việc áp dụng đối với cả các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn chưa thống nhất, khi mà trong một số trường hợp có lúc Tòa án chỉ cần 1 chữ ký của 1 người đại diện theo pháp luật trên đơn khởi kiện. Tuy nhiên, vẫn có lúc Tòa án yêu cầu phải có văn bản ủy quyền của các người đại diện theo pháp luật khác cho một người đại diện theo pháp luật thì mới được chấp nhận. Ở phương diện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì quan điểm một sẽ nhiều doanh nghiệp đồng ý do giảm bớt thủ tục giấy tờ rườm rà.
Mặc khác, ở quan điểm 2 sẽ đảm bảo tính thống nhất về ý chí của các người đại diện theo pháp luật trong công ty. Nếu 1 trong các người đại diện theo pháp luật nộp đơn khởi kiện mà chưa có sự đồng ý từ các người đại diện theo pháp luật khác thì sẽ tạo nên bất cập và có hay không việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để khởi kiện với danh nghĩa là công ty.
Tuy nhiên, việc tiến hành như thế khá máy móc và làm mất đi ưu điểm của việc có nhiều người đại diện theo pháp luật. Chính vì thế, các cơ quan nên ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc này để dễ dàng trong việc thực hiện của doanh nghiệp.
© Monday VietNam