Pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia thường có quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động giáo dục. Đó là các quy định cho phép sử dụng tác phẩm của người khác cho mục đích giáo dục phù hợp với những điều kiện cụ thể thì không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Bài viết tập trung so sánh các quy định của một số Điều ước quốc tế đa phương và pháp luật một số quốc gia về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động giáo dục với pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra kiến nghị cho Việt Nam.
Đặt vấn đề
Một trong những vai trò quan trọng của pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và pháp luật về quyền tác giả nói riêng là cân bằng giữa lợi ích của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích chung của xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh việc trao cho các chủ thể quyền tác giả những độc quyền theo quy định nhằm khuyến khích sáng tạo và đầu tư vào sáng tạo thì pháp luật luôn có những quy định ngoại lệ để hạn chế sự độc quyền này trong những trường hợp cần bảo đảm quyền và lợi ích chung của xã hội.
Mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về điều kiện áp dụng và giới hạn nhất định trong việc sử dụng tác phẩm của người khác cho mục đích giáo dục. Điều đó cho thấy, việc sử dụng tác phẩm của người khác cho mục đích giáo dục luôn được cho là quyền lợi chung của xã hội và cần phải hạn chế quyền độc quyền của các chủ thể quyền trong trường hợp này. Sự linh hoạt hơn hay nghiêm ngặt hơn ở quốc gia này so với quốc gia khác phản ánh những quan điểm khác nhau về giáo dục và về quyền tác giả ở từng quốc gia. Tuy nhiên, việc quy định những trường hợp ngoại lệ và các điều kiện để áp dụng các trường hợp ngoại lệ này cần gắn với thực tế cuộc sống để các quy định đó thực sự có giá trị áp dụng trong thực tiễn, phát huy được vai trò cân bằng lợi ích đồng thời với vai trò khuyến khích sáng tạo như mục tiêu tốt đẹp đề ra.
Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động học tập, giảng dạy theo pháp luật Việt Nam
Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ [1] quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, trong đó có ba trường hợp liên quan đến học tập và/ hoặc giảng dạy mà người sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền, cụ thể:
- Thứ nhất, tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Việc tự sao chép ở đây là việc sao chép mà không sử dụng thiết bị sao chép.
- Thứ hai, sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại.
- Thứ ba, sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này phải đảm bảo chỉ sử dụng trong phạm vi cơ sở giáo dục, nghĩa là chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận được với tác phẩm (bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ)
Ngoài ba trường hợp ngoại lệ quy định trực tiếp trong học tập và/ hoặc giảng dạy nêu trên, việc trích dẫn tác phẩm cũng là một trường hợp thường xuyên được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình là một ngoại lệ được quy định trong Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Việc trích dẫn hợp lý phải đảm bảo mục đích của trích dẫn là giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình và phải kèm theo chỉ dẫn về tên tác giả, nguồn gốc tác phẩm.
Điều kiện chung để áp dụng đối với các ngoại lệ trên là (i) tác phẩm được sử dụng là tác phẩm đã công bố, (ii) phải thông tin về tên tác giả (nếu có) và nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm, (iii) không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm, và (iv) không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, trong hoạt động giáo dục, pháp luật Việt Nam giành ngoại lệ cho cả hoạt động giảng dạy, hoạt động học tập và hoạt động trích dẫn. Bên cạnh các quy định đã nêu trên, Điều 36 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP [2] quy định về “Khai thác, sử dụng quyền dịch các tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại” cũng là một nội dung liên quan đến quyền sử dụng tác phẩm trong hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ giới hạn việc phân tích các trường hợp thứ nhất, thứ hai và thứ ba quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ như đã nêu và so sánh với các quy định tương ứng trong pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia. Từ đó, đưa ra kiến nghị cho pháp luật Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của pháp luật quốc tế và các quốc gia được so sánh.
Trường hợp thứ nhất, Luật Sở hữu trí tuệ cho phép tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, việc sao chép không sử dụng thiết bị sao chép. Giới hạn sử dụng trong trường hợp này ngoài mục đích phi thương mại còn phải tuân thủ các điều kiện: (i) về số lượng bản, cho phép sao chép một bản; (ii) về dung lượng, cho phép sao chép toàn bộ tác phẩm; (iii) về phương thức và phương tiện, tự sao chép và không được sử dụng thiết bị sao chép. Nếu chỉ căn cứ vào Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ như trên, với điều kiện thực tế hiện nay (chưa biết trong tương lai có thể xuất hiện phương thức nào khác không), để thực hiện quyền có lẽ chủ thể quyền chỉ có một cách là “chép tay” lại tác phẩm. Việc chỉ cho phép chép tay tác phẩm để sử dụng sẽ làm mất quá nhiều thời gian, vì vậy sẽ dẫn đến tình trạng là hoặc không sử dụng quyền này hoặc người sử dụng sẽ “lách” đi bằng cách sử dụng quyền của mình theo trường hợp thứ hai trong nhiều lần tách biệt (không đúng quy định). Tình huống sẽ còn trở nên phức tạp hơn nếu tác phẩm không phải dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (ví dụ tác phẩm tạo hình: hội họa, điêu khắc), lúc này có khả năng việc “chép tay” là không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, Điều 25.2 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP làm rõ hơn khái niệm “thiết bị sao chép”, đó là thiết bị có chức năng sao chép với toàn bộ hoặc một phần linh kiện liên quan được tự động hóa trên cơ sở có hoặc không có trả tiền dịch vụ bởi bất kỳ ai không thuộc về tổ chức sở hữu, chiếm hữu hoặc khai thác thương mại thiết bị đó. Nội dung này đã đưa ra một khái niệm thu hẹp cho “thiết bị sao chép” so với hiểu biết thông thường khi có thêm nội dung phía sau (phần gạch chân). Cụ thể, “thiết bị sao chép” mà chủ thể sử dụng không được sử dụng trong trường hợp này không phải là mọi thiết bị sao chép mà chỉ là những thiết bị sao chép không thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc khai thác của tổ chức mà chủ thể sử dụng đó thuộc về. Điều đó có nghĩa là chỉ khi chủ thể sử dụng tác phẩm thuộc một tổ chức mà tổ chức này đang sở hữu, chiếm hữu, khai thác thiết bị sao chép thì khi sử dụng thiết bị đó để sao chép tác phẩm chủ thể nói trên mới được áp dụng ngoại lệ thuộc trường hợp thứ nhất này. Ví dụ: giảng viên/ sinh viên có thể dùng máy photocopy của trường để tự sao chép một bản cho mình nhằm sử dụng trong học tập, nghiên cứu. Nội dung quy định này tuy làm tăng tính khả thi hơn cho quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ nhưng nó vẫn không giải quyết được nhu cầu học tập, nghiên cứu cho những người tự nghiên cứu, học tập mà người đó không thuộc tổ chức nào.
Trường hợp thứ hai, Luật Sở hữu trí tuệ cho phép sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Giới hạn sử dụng trong trường hợp này ngoài mục đích phi thương mại còn tuân thủ các điều kiện: (i) về số lượng bản, cho phép sao chép một bản; (ii) về dung lượng, cho phép sao chép hợp lý một phần; (iii) về phương thức và phương tiện, được sự dụng thiết bị sao chép. Dung lượng sao chép để được coi là sao chép hợp lý một phần đối với riêng tác phẩm thể hiện dưới dạng chữ viết đã làm rõ tại Điều 25.3 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP là không quá 10% tác phẩm (dựa trên tổng số trang hoặc tổng đơn vị lưu trữ, tổng số từ của ấn bản, độ dài của ấn bản). Tuy nhiên, với các loại tác phẩm khác không thể hiện dưới dạng chữ viết thì chưa có quy định mang tính định lượng để xác định thế nào là “sao chép hợp lý một phần”.
Trường hợp thứ ba, sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Giới hạn sử dụng trong trường hợp này không bị giới hạn trong mục đích phi thương mại và cũng như không phải tuân thủ các điều kiện về số lượng bản, dung lượng sao chép cũng như về phương thức và phương tiện sao chép nhưng phải đảm sự “hợp lý”, cụ thể là: (i) phạm vi sử dụng: trong buổi học của cơ sở giáo dục và chỉ người học, người dạy trong buổi học đó tiếp cận được; (ii) mức độ sử dụng (đề thi, đáp án trong hệ thống giáo dục quốc dân): cần thiết. Thế nào là “mức độ cần thiết” thì hiện nay chưa có quy định làm rõ.
Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động học tập, giảng dạy theo pháp luật Quốc tế – So sánh với pháp luật Việt Nam
Công ước Berne
Điều 10 Công ước Berne [3] quy định một số trường hợp sử dụng tự do tác phẩm bao gồm trích dẫn và minh họa phục vụ cho giảng dạy. Việc trích dẫn phải đảm bảo là (i) từ một tác phẩm đã công bố hợp pháp, (ii) phù hợp với thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn. Công ước này cũng quy định các quốc gia thành viên được quyền cho phép sử dụng tác phẩm trong giảng dạy với điều kiện việc sử dụng này trong phạm vi yêu cầu chính đáng và phù hợp với việc sử dụng hợp lý. Cả 2 trường hợp sử dụng tự do tác phẩm này đều phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả (nếu có).
Công ước Berne không có quy định rõ ràng về việc sử dụng tự do tác phẩm cho mục đích học tập. Tuy vậy, Điều 9.2 Công ước này cho phép các quốc gia thành viên quy định về việc sao chép tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền nếu hành vi đó cùng lúc thỏa mãn ba điều kiện của phép thử ba bước (three-step test) sau:
- Thứ nhất, việc sao chép đó chỉ được phép trong các trường hợp ngoại lệ đặc biệt mà được quy định bởi pháp luật quốc gia.
- Thứ hai, việc sao chép đó không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm.
- Thứ ba, việc sao chép đó không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.
Đối chiếu lại pháp luật Việt Nam, quy định ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động giảng dạy, học tập thỏa mãn các điều kiện của phép thử ba bước này nên được xem là phù hợp với Công ước Berne.
Công ước Berne không có quy định cụ thể về số lượng bản được sao chép. Việc giới hạn số lượng bản được sao chép được quy định cụ thể ở pháp luật Việt Nam có thể được xem là nhằm đảm bảo các điều kiện tại bước hai và bước ba của phép thử ba bước, đó là không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền tác giả.
Công ước Berne không có quy định giới hạn về phương thức và phương tiện sao chép dựa trên dung lượng sao chép trong khi pháp luật Việt Nam đang giới hạn việc sao chép cụ thể là khi sao chép toàn bộ tác phẩm thì phải tự sao chép chứ không được sử dụng phương tiện sao chép, chỉ khi sao chép một hợp lý một phần tác phẩm thì mới được dùng phương tiện sao chép. Đây là điểm khác biệt giữa Công ước Berne và pháp luật Việt Nam.
Hiệp định Trips
Điều 13 Hiệp định Trips [4] chỉ quy định ngắn gọn về hạn chế và ngoại lệ là “Các nước thành viên phải giới hạn những hạn chế hoặc ngoại lệ đối với độc quyền trong những trường hợp đặc biệt nhất định mà những trường hợp đó không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường của tác phẩm và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới các lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền”. Quy định này thỏa mãn đúng vừa đủ ba điều kiện của phép thử ba bước đã được quy định trong Công Ước Berne, không có quy định nào cụ thể hơn về số lượng bản sao chép cũng như giới hạn về phương thức và phương tiện sao chép như pháp luật Việt Nam.
Hiệp ước WCT
Hiệp ước WCT [5] cũng có quy định về hạn chế và ngoại lệ tại Điều 10, theo đó, các nước thành viên có thể quy định trong pháp luật nước mình những hạn chế và ngoại lệ nhưng phải đáp ứng đủ 3 điều kiện là (i) được quy định trong pháp luật quốc gia, (ii) không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm, và (iii) không làm phương hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả. Tuy vẫn đảm bảo đúng phép thử ba bước đã được quy định trong Công ước Berne nhưng quy định này cho phép các nước thành viên được mở rộng một cách hợp lý đến các hạn chế và ngoại lệ trong môi trường kỹ thuật số để phù hợp với xu thế và trình độ phát triển mới của khoa học kỹ thuật. Như vậy, cũng tương tự Công ước Berne và Hiệp định Trips, Hiệp ước WCT không có quy định cụ thể về số lượng bản sao chép, giới hạn về phương thức và phương tiện sao chép như pháp luật Việt Nam.
Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động học tập, giảng dạy theo pháp luật một số quốc gia – So sánh với pháp luật Việt Nam
Nhật Bản
Luật Quyền tác giả Nhật Bản [6] quy định về các trường hợp ngoại lệ cho mục đích giáo dục, được chia thành từng mục đích cụ thể như sau:
- Trích dẫn (Điều 32): đúng mục đích, phù hợp với các thông lệ công bằng và trong phạm vi hợp lý.
- Trích đăng trên các loại sách giáo khoa (Điều 33): không phải xin phép nhưng phải thông báo và trả tiền (mức chi trả theo quy định)
- Phát sóng trong giáo dục trường học (Điều 34): không phải xin phép nhưng phải thông báo và trả tiền.
- Sao chép trong trường học, cơ quan giáo dục (Điều 35): Có thể được sao chép tác phẩm đã công bố theo mức độ cần thiết (bao gồm cả giảng dạy – học tập từ xa) với điều kiện: (i) không nhằm mục đích thương mại và (ii) không gây phương hại vô lý đến lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Sao chép khi ra đề thi (Điều 36): nếu mục đích kinh doanh thì phải chi trả cho chủ sở hữu quyền tác giả khoản tiền tương đương phí sử dụng thông thường.
Như vậy, so với pháp luật Việt Nam, các trường hợp ngoại lệ sử dụng tác phẩm cho mục đích giáo dục ở Nhật Bản được quy định khá chi tiết khi phân chia ra thành nhiều hành vi sử dụng cụ thể và khá nghiêm ngặt khi khá nhiều hành vi sử dụng tác phẩm cho mục đích giáo dục vẫn phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, Luật Bản quyền Nhật Bản không giới hạn phương thức và phương tiện sao chép.
Hàn Quốc
Luật Quyền tác giả Hàn Quốc [7] quy định về ngoại lệ sử dụng cho mục đích giáo dục ở trường tại Điều 25, nội dung chính là tác phẩm đã được công bố được sử dụng mà không cần xin phép cho mục đích giáo dục bao gồm:
- Sao chép trong sách giáo khoa nếu cần thiết cho mục đích giảng dạy.
- Các cơ sở giáo dục công lập và các tổ chức hỗ trợ giáo dục được phép sử dụng một phần tác phẩm cho mục đính giảng dạy, việc sử dụng toàn bộ tác phẩm chỉ được áp dụng khi việc đó là không thể khác được dựa trên tính chất của tác phẩm.
- Học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập cũng có thể sao chép hoặc truyền tải tác phẩm nếu việc cần thiết cho mục đích học tập.
Điều đáng lưu ý là tất cả những hành vi sử dụng trên phải trả tiền cho chủ sở hữu quyền với mức phí theo quy định. So với Việt Nam, Hàn Quốc nghiêm ngặt hơn hẳn về vấn đề thu phí nhưng ngược lại, Hàn Quốc không quy định giới hạn về phương thức và phương tiện sao chép.
Hoa Kỳ
Điều 107 Luật Quyền tác giả Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ [8] quy định về hạn chế đối với các độc quyền “sử dụng hợp lý” như sau: không trái với các quy định tại Điều 106 [9] và 106a [10], được phép sử dụng một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm các hình thức sử dụng thông qua hình thức sao chép, dưới dạng bản sao hoặc bản ghi hoặc bởi bất kỳ một phương thức nào cho mục đích bình luận, phê bình, đưa tin hoặc nghiên cứu, giảng dạy (bao hàm cả việc sử dụng nhiều bản sao cho lớp học), là không vi phạm quyền tác giả. Để xác định xem việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp cụ thể có phải là được phép hay không, cần xem xét đến các yếu tố như: mục đích, số lượng và thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm và quan trọng nhất là vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường, hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ.
So với pháp luật Việt Nam, Luật Quyền tác giả Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ quy định rõ cho phép sao chép dưới bất kỳ phương thức nào và cũng không có giới hạn về phương tiện sao chép cho trường hợp ngoại lệ sử dụng tác phẩm nhằm mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu.
Kiến nghị đối với pháp luật Việt Nam
Từ kết quả phân tích các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động học tập, giảng dạy theo pháp luật Việt Nam ở bài viết này, có thể thấy một vấn đề vướng mắc nổi cộm hiện nay là việc quy định giới hạn về phương thức và phương tiện sao chép trong trường hợp sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân khi yêu cầu chủ thể sử dụng tác phẩm phải tự sao chép và không được sử dụng “thiết bị sao chép”. Quy định hiện nay thiếu tính khả thi trong thực tiễn và chưa đảm bảo đối xử công bằng giữa tất các các chủ thể tham gia học tập và nghiên cứu. Sự bất hợp lý đó làm mất đi mục tiêu tốt đẹp của quy định là cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với lợi ích chung của xã hội, là khuyến khích sáng tạo thông qua hoạt động khuyến khích nghiên cứu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, giảng dạy.
Bên cạnh đó, từ việc so sánh, đối chiếu với các quy định tương ứng trong pháp luật quốc tế (là những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất về quyền tác giả) và pháp luật một số quốc gia (là những quốc gia phát triển về sở hữu trí tuệ đồng thời có một số lượng lớn du học sinh Việt Nam đến du học), có thể thấy sự khác biệt nổi bật nhất vẫn là vấn đề quy định về phương thức và phương tiện sao chép trong các trường hợp ngoại lệ giới hạn quyền tác giả nói chung và cho hoạt động giáo dục nói riêng. Tất cả các văn bản được dùng để so sánh, đối chiếu đều không giới hạn việc phải tự sao chép mà không được dùng thiết bị sao chép. Kết quả này một lần nữa khẳng định rằng quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam còn chưa phù hợp.
Từ những nhận định trên, tác giả kiến nghị như sau:
- Một là, sửa đổi quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng loại bỏ quy định hạn chế về phương thức và phương tiện sao chép trong các trường hợp ngoại lệ sử dụng tác phẩm cho mục đích học tập và giảng dạy.
- Hai là, loại bỏ khái niện “thiết bị sao chép” được quy định tại Điều 25.2 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP. Từ việc loại bỏ quy định hạn chế về phương thức và phương tiện sao chép trong Luật sở hữu trí tuệ, việc đưa ra khái niệm về “thiết bị sao chép” cũng không còn cần thiết. Loại bỏ phần nội dung này giúp cho văn bản tránh khỏi sự khó hiểu không cần thiết khi đưa ra một khái niệm có cùng thuật ngữ nhưng lại chứa nội hàm hẹp hơn cách hiểu thông thường.
Kết luận
Những phân tích và so sánh của tác giả nhằm góp phần nhận diện sự bất cập của quy định giới hạn về phương thức và phương tiện sao chép trong các trường hợp ngoại lệ sử dụng tác phẩm cho mục đích giáo dục. Từ đó kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn nữa pháp luật sở hữu trí tuệ để các quy định về ngoại lệ giới hạn quyền tác giả của chủ sở hữu phát huy đúng vai trò, ý nghĩa tốt đẹp của nó.
ThS. Ngô Phương Trà
Cố vấn cấp cao của Monday VietNam
Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh
- [1] Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022 (bản hợp nhất)
- [2] Nghị định số 17/2023/ND-CP ngày 26/4/2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan
- [3] Công ước về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật – Công ước Berne (1971)
- [4] Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ – Hiệp định Trips (1994)
- [5] Hiệp ước của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) về quyền tác giả – Hiệp ước WCT (1996)
- [6] Japanese Copyright Law (https://www.japaneselawtranslation.go.jp/en/laws/view/3379#je_ch2sc3sb5at6)
- [7] Copyright Act of Korea (https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=42726&lang=ENG)
- [8] Copyright Law of the United States (https://www.copyright.gov/title17/title17.pdf)
- [9] Các quyền độc quyền đối với các tác phẩm được bảo hộ (quyền tài sản).
- [10] Các quyền của tác giả đối với việc nêu nguồn gốc tác phẩm, tác giả và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (quyền tài sản).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Điều ước quốc tế
- Công ước về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật – Công ước Berne (1971)
- Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ – Hiệp định Trips (1994)
- Hiệp ước của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) về quyền tác giả – Hiệp ước WCT (1996)
Pháp luật Việt Nam
- Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022 (bản hợp nhất)
- Nghị định số 17/2023/ND-CP ngày 26/4/2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan
Pháp luật nước ngoài
- Japanese Copyright Law https://www.japaneselawtranslation.go.jp/en/laws/view/3379#je_ch2sc3sb5at6 (Truy cập lần cuối ngày 08/9/2024)
- Copyright Act of Korea https://elaw.klri.re.kr/eng_service/lawView.do?hseq=42726&lang=ENG (Truy cập lần cuối ngày 08/9/2024)
- Copyright Law of the United States https://www.copyright.gov/title17/title17.pdf (Truy cập lần cuối ngày 08/9/2024)