Đăng ký nhãn hiệu đã trở thành xu hướng được rất nhiều cá nhân/tổ chức chú trọng trong giai đoạn gần đây. Sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu (sau đây gọi là đơn) cho Cục Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là Cục SHTT), kết quả cuối cùng mà chủ đơn (cá nhân/tổ chức đăng ký là chủ sở hữu nhãn hiệu) mong muốn là nhãn hiệu của mình được cấp văn bằng bảo hộ. Trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, Thẩm định là bước cực kỳ quan trọng trong để xác định nhãn hiệu có được cấp văn bằng hay không, do đó, Cục SHTT đã đưa ra bảng Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu (sau đây gọi là Quy chế) để làm căn cứ cho các thẩm định viên của Cục SHTT tiến hành thẩm định đơn.
1. Lợi ích khi hiểu rõ Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu
Để xác định một nhãn hiệu có đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ hay không thì đơn phải trải qua các giai đoạn thẩm định (hay còn gọi là xét nghiệm đơn) gồm: (1) Thẩm định hình thức đơn; (2) Thẩm định nội dung đơn
Một điều mà các chủ đơn ít để ý đó là Quy chế này được công khai và nội dung của nó cho ta biết được: yếu tố nào, dấu hiệu nào làm nhãn hiệu bị từ chối? Yếu tố nào cho phép nhãn hiệu được bảo hộ?. Vậy để tăng khả năng được cấp văn bằng bảo hộ, các chủ đơn cần phải tìm hiểu ngay về bảng Quy chế này.
2. Nội dung cần biết về Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu
GIAI ĐOẠN 1: THẨM ĐỊNH HÌNH THỨC
I. MỤC ĐÍCH THẨM ĐỊNH
Là để kiểm tra xem đơn được nộp có tuân thủ các quy định về hình thức của một đơn hợp lệ chưa. Từ đó, sẽ cho ra một trong hai kết quả: đơn hợp lệ hoặc đơn không hợp lệ.
Đơn hợp lệ sẽ được xem xét tiếp. Đơn không hợp lệ sẽ bị từ chối (không xem xét tiếp). Nghĩa là, chỉ khi giai đoạn thẩm định hình thức đạt yêu cầu thì mới đến giai đoạn thẩm định nội dung.
Hướng dẫn cách tra cứu đăng ký nhãn hiệu
Như thế nào là đơn hợp lệ?
Đơn được coi là hợp lệ nếu vừa đáp ứng được cả 2 hai điều kiện sau đây:
– Điều kiện 1:
Đáp ứng được yêu cầu chung đối với đơn tại điểm 7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, áp dụng cho cả nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể (sau đây gọi là Thông tư)
- Tài liệu tối thiểu phải có trong đơn
- Tờ khai đăng ký (theo mẫu bắt buộc sử dụng)
- Mẫu nhãn hiệu (09 mẫu)
- Chứng từ nộp phí/lệ phí
Riêng đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận còn cần thêm các tài liệu sau:
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;
- Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
- Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm).
– Điều kiện 2:
Không thuộc các trường hợp sau đây:
- Đơn không được trình bày bằng tiếng Việt (trừ điểm 73., 7.4 Thông tư)
- Trong tờ khai không thể hiện rõ các thông tin về người nộp đơn hoặc người đại diện;
- Không có chữ ký (đối với người nộp đơn là cá nhân); không có chữ ký và/hoặc con dấu (đối với người nộp đơn là tổ chức);
- Không ghi rõ nhóm hàng hóa/dịch vụ trong đơn;
- Người nộp đơn không có quyền đăng ký;
- Đơn được nộp trái với quy định tại Điều 89 Luật SHTT;
- Đơn có các thiếu sót về hình thức, nội dung của tài liệu (được liệt kê từng trường hợp cụ thể tại Điều 13.3 Thông tư) được Cục SHTT yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung nhưng không thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng vẫn không đạt yêu cầu.
- Nhãn hiệu được nêu trong đơn không được nhà nước bảo hộ.
II. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH (TÓM GỌN)
Bước 1: Kiểm tra số lượng tài liệu bắt buộc phải có trong đơn:
Tùy vào đơn đăng ký nhãn hiệu (thông thường/chứng nhận/tập thể/liên kết) mà số lượng tài liệu bắt buộc có sẽ khác nhau. Các thẩm định viên sẽ dựa vào yêu cầu số lượng tài liệu bắt buộc có trong quy định về đơn hợp lệ để xác định đủ tài liệu hay chưa.
Bước 2: Kiểm tra hình thức và nội dung của từng loại tài liệu:
- Kiểm tra hình thức các tài liệu của đơn là việc kiểm tra số tài liệu tối thiểu bắt buộc phải có (theo điểm 7.1) và các yêu cầu cụ thể chung đối với đơn về mẫu tài liệu, hình thức trình bày (theo điểm 7.2, 10.1 Thông tư);
- Kiểm tra nội dung tài liệu theo điểm 3 (đại diện); điểm 4 (uỷ quyền), điểm 7.2 (yêu cầu với đơn); điểm 7.3, điểm 7.4 và điểm 10.1 (mẫu tài liệu); điểm 37 (yêu cầu đối với đơn nhãn hiệu) củaThông tư.
Từ việc kiểm tra này, thẩm định viên sẽ xác định đơn có thiếu sót hay không, đủ các yếu tố để đơn hợp lệ chưa.
Bước 3: Xử lý đơn thiếu sót (đối với trường hợp đơn có thiếu sót)
Trường hợp đơn có thiếu sót (hình thức trình bày, nội dung thông tin, tài liệu,..), thẩm định viên chuẩn bị Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ để yêu cầu người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đó và ấn định thời hạn sửa chữa, bổ sung là 01 tháng kể từ ngày ký Thông báo.
Bước 4: Đưa ra kết luận chấp nhận đơn hợp lệ hay từ chối và Thông báo cho người nộp đơn
- Chấp nhận đơn hợp lệ: Cục SHTT ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ khi đơn đáp ứng đầy đủ theo quy định và thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
- Từ chối chấp nhận đơn hợp lệ: Khi đơn có thiếu sót. Cục SHTT ra Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.
Người nộp đơn tiến hành chỉnh sửa, bổ sung các thiếu sót và nộp cho Cục SHTT.
Bước 5: Xác định ngày nộp đơn; ngày ưu tiên của đơn (nếu có)
GIAI ĐOẠN 2: THẨM ĐỊNH NỘI DUNG
I. THỜI HẠN – MỤC ĐÍCH THẨM ĐỊNH
- Đối với đơn trong nước là 09 tháng (đơn nộp sau 01.01.2010)
- Đối với đơn quốc tế: 12 tháng
Trong thời hạn này, thẩm định viên sẽ tiến hành kiểm tra xem dấu hiệu được nêu trong đơn có đáp ứng các tiêu chuẩn để được bảo hộ nhãn hiệu không (Điều 15, 39 Thông tư). Từ đó xác định nhãn hiệu có được bảo hộ không.
II. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH
Bước 1: Đánh giá khả năng bảo hộ của dấu hiệu
Đánh giá Khả năng bảo hộ của dấu hiệu theo Điều 72, 73 Luật SHTT và điểm 39.2 Thông tư. Một dấu hiệu được xem là không đủ điều kiện bảo hộ và sẽ bị từ chối nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau:
- Dấu hiệu không nhìn thấy bằng mắt được: như dấu hiệu âm thanh, mùi, vị,…
- Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia
- Dấu hiệu có yếu tố trùng (giống hoàn toàn) hoặc tương tự (gần giống) đến mức dễ gây nhầm lẫn cho người khác với các đối tượng sau:
Quốc kỳ, quốc huy của các nước; biệt hiệu, bút danh, hình ảnh lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam, của nước ngoài.
Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của các cơ quan nhà nước, các cơ quan thuộc quản lý của nhà nước (tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội,..), trừ khi được cho phép;
Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành (VD: dấu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao).
Dấu hiệu không có khả năng phân biệt
Bước 2: Tra cứu các nguồn thông tin tối thiểu
Việc tra cứu này nhằm đối chiếu thông tin giữa đơn hiện tại và các đơn trước đó xem có đơn nào:
- Có ngày nộp đơn, ngày ưu tiên sớm hơn
- Có nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ hoặc được thừa nhận bảo hộ, vẫn còn hiệu lực tại Việt Nam
- Có nhãn hiệu đã được đăng ký và chấm dứt hiệu lực trong thời hạn chưa quá 5 năm (trừ khi chấm dứt do không sử dụng nhãn hiệu trên thực tế)
- Thuộc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam
- Cục Sở hữu trí tuệ sưu tầm, lưu giữ hoặc có trong các từ điển thông dụng hoặc được biết đến rộng rãi trên mạng thông tin toàn cầu.
Ngoài ra, thẩm định viên còn rà soát dữ liệu Cục Sở hữu trí tuệ sưu tầm, lưu giữ hoặc có trong các từ điển thông dụng hoặc được biết đến rộng rãi trên mạng thông tin toàn cầu về: quốc kỳ, quốc huy, tên địa lý, các dấu chất lượng, dấu kiểm tra, tên, hình tổ chức,…(tóm lại là các đối tượng đặc biệt),…
Lợi ích việc tra cứu khi đăng ký nhãn hiệu
Bước 3: Tra cứu xác định nhãn hiệu, dấu hiệu đối chứng (từ đây gọi là đối chứng)
Thẩm định viên sẽ tìm kiếm tất cả thông tin từ nguồn thông tin tối thiểu liên quan đến dấu hiệu yêu cầu bảo hộ (tức là nhãn hiệu trong đơn) để đánh giá, so sánh và kết luận về tính phân biệt của nhãn hiệu trong đơn.
Việc đánh giá tính phân biệt của nhãn hiệu, nói một cách dễ hiểu là tìm xem giữa nhãn hiệu nêu trong đơn đăng ký và nhãn hiệu đối chứng có bị trùng hoặc có yếu tố nào tương tự dễ gây nhầm lẫn hay không. Thường đánh giá dựa trên các yếu tố dưới đây:
- Cấu trúc chữ, hình;
- Cách phát âm của chữ
- Hình thức thể hiện, phong cách thể hiện.
- Ý nghĩa của hình ảnh (nội dung); nghĩa tiếng Việt của chữ
- Nhóm hàng hóa/dịch vụ; các sản phẩm/dịch vụ cụ thể được nêu trong nhóm
Bước 4: Ra kết quả thẩm định nội dung và ấn định thời gian để người nộp đơn phản hồi ý kiến
Ra kết quả thẩm định nội dung và thông báo cho người nộp đơn:
- Nếu nhãn hiệu đáp ứng đủ các điều kiện để được bảo hộ --> Ra thông báo dự định cấp văn bằng.
- Nếu nhãn hiệu chưa đáp ứng đủ điều kiện để được bảo hộ --> Ra thông báo dự định từ chối cấp văn bằng
Người nộp đơn có 90 ngày để phản hồi bằng văn bản về dự định từ chối cấp văn bằng của Cục SHTT.
Bước 5: Xử lý phản hồi của người nộp đơn và Thông báo kết quả thẩm định cuối cùng
©Monday VietNam