Mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ hằng ngày, hầu hết chúng ta đều tiếp xúc với vô vàng các nhãn hiệu. Với người tiêu dùng, nhãn hiệu giúp chúng ta dễ dàng nhận diện đâu là nước ngọt cocacola, đâu là nước ngọt pepsi,…. Tuy nhiên, với nhiều người kinh doanh, không phải ai cũng hiểu rõ thế nào là nhãn hiệu, vai trò của nhãn hiệu trong thương mại. Vậy thật ra “Nhãn hiệu là gì?”, Nhãn hiệu dùng để làm gì? Có một hay nhiều loại nhãn hiệu? Vai trò của nhãn hiệu trong kinh doanh?

Sau đây Monday VietNam mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1.   Nhãn hiệu là gì?

“Nhãn hiệu” là một thuật ngữ pháp lý được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 (sau đây gọi là Luật SHTT) như sau:

Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc, được dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Qua khái niệm này, có thể tóm gọn các đặc điểm của một nhãn hiệu:

  • Nhãn hiệu được tạo thành từ một hoặc nhiều dấu hiệu: chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
  • Có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
  • Cấu tạo dễ ghi nhớ, thể hiện được tính đặc trưng để phân biệt giữa hàng hóa, dịch vụ cùng loại của cá nhân, tổ chức này với cá nhân, tổ chức khác.

VD: Nhãn hiệu xe máy Honda được tạo thành bởi hình mô phỏng 1 cánh chim đang vươn lên kết hợp với dòng chữ “HONDA” màu đen bên dưới tạo thành tổng thể nhãn hiệu có tính phân biệt khi nhìn bằng mắt thường và dễ ghi nhớ.

2. Nhãn hiệu dùng để làm gì?

Chúng ta hiểu đơn giản, trên thị trường không chỉ có một mà có rất nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cùng một loại sản phẩm, dịch vụ.

VD:

  • Sản xuất, kinh doanh nước giải khát tại Việt Nam có: công ty SUNTORY PEPSICO Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Cty HABECO,….
  • Sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm có thể kể đến tập đoàn Unilever, L’Oréal Paris, Johnson & Johnson,…
  • Cung cấp dịch vụ quán cà phê có Stabucks, Highlands coffee, tập đoàn Trung Nguyên Legend, công ty cà phê Cao Nguyên với thương hiệu Highland’s Coffee,…

Vì thế, để có thể phân biệt được các sản phẩm, dịch vụ cùng loại nhưng thuộc các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau, người ta cần đến một dấu hiệu dễ nhìn, dễ ghi nhớ, toát lên được tính đặc trưng thương hiệu của mỗi nhà sản xuất, kinh doanh để gắn trực tiếp lên sản phẩm hoặc nơi cung cấp dịch vụ của họ.

Về phía người tiêu dùng, nhãn hiệu giúp họ nhận biết đâu là nước tương của công ty A, đâu là nước tương của công ty B, từ đó dễ dàng trong việc lựa chọn sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ.

Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh: nhãn hiệu chính là hình thức thể hiện tính đặc trưng phân biệt cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Nhằm đánh dấu giá trị độc quyền sản phẩm, dịch vụ và giúp người tiêu dùng biết đó là sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp.

3. Hình thức thể hiện nhãn hiệu trên hàng hóa, dịch vụ

Theo khái niệm và phân tích ở trên, cả hàng hóa và dịch vụ đều cần có nhãn hiệu để tạo tính phân biệt.

Tuy nhiên, vì bản chất của hàng hóa (hữu hình) và dịch vụ (một quá trình, một kết quả) là khác nhau. Do đó, việc thể hiện nhãn hiệu đối với hàng hóa và đối với dịch vụ sẽ có sự khác nhau tương ứng.

Vậy cách thể hiện nhãn hiệu của hàng hóa và nhãn hiệu của dịch vụ như thế nào?

Đối với nhãn hiệu hàng hóa:

Đối với hàng hóa, nhãn hiệu có thể được gắn trực tiếp lên bao bì hoặc ở bất kỳ vị trí nào của sản phẩm bằng nhiều cách thức khác nhau (vẽ, in, khắc,…). Tùy vào kích thước của sản phẩm, bao bì sản phẩm mà nhãn hiệu được đặt ở vị trí và kích thước phù hợp.

Nhãn hiệu sản phẩm trên bao bì

Đối với nhãn hiệu dịch vụ:

Đối với dịch vụ, nhãn hiệu thường được gắn trên biển hiệu nơi cung cấp dịch vụ, gắn trên nametag của người cung cấp dịch vụ lưu động hoặc các hình thức khác.

Nhãn hiệu dịch vụ làm thành biển hiệu trước cửa hàng

Ngoài ra, với sự phát triển kinh doanh trên môi trường mạng, cả nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ còn được gắn trên các trang bán hàng điện tử, các cửa hàng trực tuyến.

4.   Các loại nhãn hiệu

Xét về đối tượng mang nhãn hiệu thì nhãn hiệu sẽ được chia thành 02 loại cơ bản là: Nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ. Từ đó, dựa vào nhiều yếu tố như tính chất, cách thức sử dụng và để dễ quản lý nhãn hiệu nói chung, Luật SHTT đã phân loại nhãn hiệu gồm:

  • Nhãn hiệu tập thể;
  • Nhãn hiệu chứng nhận;
  • Nhãn hiệu liên kết;
  • Nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu tập thể là gì?

Theo Khoản 17 Điều 4 Luật SHTT:

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”.

Nói một cách dễ hiểu, loại nhãn hiệu này sẽ thuộc sở hữu của một tập thể gồm có nhiều thành viên. Các thành viên này có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Chúng ta thường thấy các tập thể này tổ chức thành các Hợp tác xã, Hiệp hội, Tổng công ty, Cộng đồng,…

Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể

Để có thể khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể, các thành viên cần phải tuân thủ Quy chế chung về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể do tổ chức mình xây dựng. Đó có thể là một tiêu chuẩn, nguồn gốc, địa điểm, phương pháp, quy trình sản xuất,… do tập thể đặt ra.

VD: Nhãn hiệu tập thể “HTX Sản xuất Và Tiêu thụ Xoài Cao Lãnh”. Không phải bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sản xuất, kinh doanh xoài ở huyện Cao Lãnh đều có thể gắn nhãn hiệu này cho xoài của mình. Theo đó, điều kiện để họ được gắn nhãn hiệu này lên Xoài của mình:

  • Họ là thành viên của Hợp tác xã
  • Họ đáp ứng được tiêu chuẩn, tuân thủ Quy chế chung về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể này.

>> Xem thêm: Những nhãn hiệu tập thể đã được cấp tại Việt Nam

Nhãn hiệu chứng nhận là gì?

Hiểu đơn giản, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép các cá nhân, tổ chức khác sử dụng để gắn lên hàng hóa, dịch vụ của họ. Nhằm chứng nhận cho người tiêu dùng biết hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức này mang các đặc tính, xuất xứ, cách thức sản xuất, cách thức cung cấp dịch vụ,…đáp ứng được tiêu chuẩn nhất định.

Nghĩa là, chỉ cần chứng minh được rằng hàng hóa, dịch vụ của mình đáp ứng được tiêu chuẩn của nhãn hiệu chứng nhận mà mình muốn sử dụng thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể sử dụng nó để gắn lên hàng hóa hoặc nơi cung cấp dịch vụ của mình.

Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Để chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, cũng như có cơ sở cho cá nhân, tổ chức khác chứng minh mình đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng thì chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận phải xây dựng Quy chế sử dụng nhãn hiệu.

Nội dung quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:

  • Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
  • Các đặc tính hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận;
  • Phương pháp đánh giá các đặc tính đó; Phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
  • Phí mà cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu phải trả cho chủ sở hữu nhãn hiệu
  • Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng và chủ sở hữu nhãn hiệu
  • Cơ chế giải quyết tranh chấp.

Và một số nội dung khác…

VD: Nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh Xoài nào ngon bằng Xoài Cao Lãnh!” là một nhãn hiệu chứng nhận thuộc sở hữu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp. Để được sử dụng nhãn hiệu này, các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh xoài trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cần chứng minh xoài của mình đáp ứng tiêu chuẩn theo Quy chế sử dụng nhãn hiệu do Sở NN & PT nông thôn tỉnh Đồng Tháp đặt ra.

Ngoài ra, chúng ta có thể thấy nhãn hiệu chứng nhận rất uy tín như ISO 9000, ISO 9002,…

>> Xem thêm: Danh sách nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Nhãn hiệu liên kết là gì?

Theo khoản 19 Điều 4 Luật SHTT :

“Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau”

Nói cách khác, các nhãn hiệu liên kết sẽ mang các đặc điểm sau:

  • Đều thuộc sở hữu của cùng một cá nhân, tổ chức.
  • Có cấu tạo hoàn toàn giống nhau hoặc tương tự nhau;
  • Sản phẩm mang nhãn hiệu có thể cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau về yếu tố nào đó.

VD1: Các nhãn hiệu liên kết của Honda có cấu tạo dấu hiệu chữ Honda giống nhau, chỉ thêm các phần chữ khác nhau hoặc màu sắc khác nhau ở mỗi nhãn hiệu

Nhãn hiệu liên kết của Honda

VD2: Các nhãn hiệu của Tập đoàn Vingroup liên kết nhau ở dấu hiệu chữ “Vin” và đều có phần hình mô phỏng cánh chim.

Nhãn hiệu liên kết của Tập đoàn Vingroup

Tóm lại, nhãn hiệu liên kết được sử dụng để cho người tiêu dùng biết các sản phẩm, dịch vụ này đều do một nơi sản xuất, cung cấp. Điều này giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu vì tin rằng chúng cũng tốt như sản phẩm, dịch vụ cùng mang nhãn hiệu liên kết mà họ đã trải nghiệm trước đó. Kéo theo đó, các cá nhân, tổ chức sở hữu nhãn hiệu liên kết có thể tăng được uy tín và độ thu hút của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu liên kết.

Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

Nói rộng ra thì nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được phần lớn người tiêu dùng biết đến trong một phạm vi lãnh thổ

Theo pháp luật Việt Nam tại Khoản 20 Điều 4 Luật SHTT thì:

“Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”

Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Hiểu một cách đơn giản thì nhãn hiệu này được xem là nổi tiếng khi nó được hầu hết người tiêu dùng biết đến, nhận diện được.

Theo đó, nhãn hiệu nổi tiếng thông qua việc “biết đến”, “nhận diện được” tại Việt Nam sẽ dựa trên các tiêu chí tại Điều 75 Luật SHTT như sau:

  • Số lượng người tiêu dùng biết nhãn hiệu thông qua quảng cáo, mua bán, sử dụng,
  • Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  • Doanh số hoặc số lượng bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
  • Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  • Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Mọi nhãn hiệu đều cần thông qua quá trình đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, với một nhãn hiệu chứng minh được tính nổi tiếng thì không cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu vẫn được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu.

Tuy nhiên, việc chứng minh một nhãn hiệu đáp ứng sự “nổi tiếng” theo tiêu chí trên là rất khó. Tại Việt Nam hiện nay không có nhiều nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.

>> Xem thêm: Công nhận 06 nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam

Đăng ký nhãn hiệu để được nhà nước bảo hộ quyền lợi khai thác nhãn hiệu

Ở trên chúng ta đã được biết về nhãn hiệu là gì, các loại nhãn hiệu và cách dùng nhãn hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam làm cách nào để nhãn hiệu của mình không bị người khác tùy tiện sử dụng, dẫn tới những nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của mình?

Cách duy nhất được khuyến khích hiện nay đó là Nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Thông qua thủ tục đăng ký nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét, đánh giá và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức có nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện được bảo hộ. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là một loại giấy tờ minh chứng rằng nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức nộp đơn đăng ký đã được Nhà nước bảo hộ quyền lợi về sở hữu, khai thác, sử dụng nhãn hiệu.

Vậy làm sao để cá nhân tổ chức biết nhãn hiệu của mình có đáp ứng điều kiện được bảo hộ? Đăng ký nhãn hiệu như thế nào?

Cùng tìm hiểu sau hơn ở các bài viết liên quan của Monday VietNam nhé.

>> Xem thêm: Hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

>> Xem thêm: Quy trình đăng ký nhãn hiệu

>> xem thêm: Nhãn hiệu và những quyền lợi khi được bảo hộ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chat với chúng tôi qua Facebook
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi Email cho chúng tôi
Gọi ngay cho chúng tôi
DMCA.com Protection Status