Ký hiệu quyền tác giả C (©) là một trong những biểu tượng phổ biến nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa của nó. Đây không chỉ là một biểu tượng đơn thuần; nó đại diện cho quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm của mình và khẳng định giá trị của những nỗ lực sáng tạo. Trong bài viết này, Monday VietNam sẽ giải đáp cho bạn ý nghĩa của ký hiệu C (©) và các ký hiệu liên quan khác.
Ký hiệu quyền tác giả là gì?

Để biết được Ký hiệu quyền tác giả là gì thì trước hết, chúng ta cần hiểu:
- Ký hiệu: Có thể là các chữ số, chữ cái, hình ảnh, hình vẽ, ký tự, biểu tượng nào đó mà có khả năng đại diện cho một ý nghĩa, một thông điệp phức tạp phía sau. Những ký hiệu này được dùng để truyền tải thông điệp được ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ hơn và tạo dấu ấn hơn.
- Quyền tác giả: Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền này cho phép tổ chức, cá nhân được quyền khai thác nhiều lợi ích từ tác phẩm và ngăn cấm người khác sử dụng cũng như khai thác lợi ích từ tác phẩm của mình.
Tóm lại, ký hiệu quyền tác giả được sử dụng để gắn lên một tác phẩm thuộc quyền sở hữu của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó. Đây như một “tín hiệu” cho thấy các tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả và không ai được phép sao chép hay sử dụng trái phép khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Các ký hiệu quyền tác giả (quyền tác giả chỉ có ký hiệu C nhưng trong lĩnh vực bảo hộ vẫn có những ký hiệu liên quan khác)
Ký hiệu C (©) – Copyrighted

Ký hiệu © là viết tắt của “Copyrighted” có nghĩa là Bản quyền.
Ký hiệu C © thường được sử dụng để gắn trên logo, hình ảnh, hình vẽ, thiết kế, video, sách, bản nhạc, hay bất kỳ tác phẩm nào do con người sáng tạo ra. Ký hiệu này giống như một “tấm biển thông báo” cho mọi người biết rằng:
- Tác phẩm này đã được bảo hộ quyền tác giả (theo thuật ngữ của pháp luật Việt Nam) và chỉ có chủ sở hữu của tác phẩm mới có quyền sử dụng và khai thác lợi ích từ tác phẩm này.
- Cảnh báo rằng không ai được quyền sử dụng tác phẩm này khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu. Nếu có hành vi xâm phạm sẽ có khả năng bị chủ sở hữu kiện tụng để xử lý theo quy định pháp luật.
Lưu ý: Theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền tác giả của một tác phẩm sẽ tự động phát sinh kể từ khi tác phẩm đó được tạo ra hoàn chỉnh mà không cần thông qua thủ tục đăng ký với Cơ quan nhà nước. Vì vậy, sau khi hoàn thành tác phẩm, chủ sở hữu đã có thể gắn ký hiệu C © trên tác phẩm để khẳng định “sự độc quyền” của mình rồi.
Ví dụ:
- Khi bạn viết một cuốn sách và in ấn ra, cuốn sách đó tự động sẽ thuộc quyền sở hữu của bạn. Ký hiệu © giúp khẳng định điều này và ngăn người khác in lại, sao chép nội dung mà chưa có sự cho phép của bạn.
- Hoặc khi một “nhạc sĩ sáng tác một bài hát mới”, bản nhạc và lời bài hát được bảo hộ quyền tác giả cho nhạc sĩ đó. Nếu người khác muốn sử dụng bài hát này để biểu diễn, phát hành album… đều phải xin phép nhạc sĩ.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy các logo, hình vẽ hay bao bì sản phẩm có gắn ký hiệu © ở 1 góc. Điều này chứng tỏ, công chúng đã có ý thức rất rõ về tầm quan trọng của Ký hiệu © này đối với các sản phẩm sáng tạo của mình.
>>>>>>>> Xem thêm bài viết: Có bắt buộc đăng ký bản quyền hay không?
Ký hiệu TM (™) – Trademark

Ký hiệu TM ™ là viết tắt của từ Trademark nghĩa là Nhãn hiệu. Tất nhiên, với nghĩa này ta cũng dễ dàng thấy Ký hiệu TM ™ được dùng để gắn trên mẫu Nhãn hiệu.
Ký hiệu TM giống như một lời từ chủ sở hữu nhãn hiệu với các bên khác rằng: “Đây là nhãn hiệu của tôi, dùng để phân biệt sản phẩm/dịch vụ của tôi với những sản phẩm/dịch vụ khác”.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Ký hiệu TM ™ này không có nghĩa là “nhãn hiệu đã đăng ký và đã được bảo hộ bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Do đó, các cá nhân, tổ chức có thể tùy ý sử dụng ký hiệu TM ™ trong những trường hợp sau đây:
- Khi nhãn hiệu chưa được đăng ký bảo hộ hoặc đã đăng ký nhưng chưa nhận được văn bằng bảo hộ chính thức Cục Sở hữu trí tuệ cấp: Trong trường hợp này cá nhân, tổ chức có thể dùng ký hiệu TM này để nhắc nhở (một cách đơn phương) đến những người khác hay đối thủ tục cạnh tranh của mình không nên dùng nhãn hiệu giống hoặc tương tự như vậy.
- Để phân biệt sản phẩm/dịch vụ: Ký hiệu TM ™ giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và phân biệt sản phẩm/dịch vụ của một doanh nghiệp với những doanh nghiệp khác.
Ví dụ: Khi bạn nhìn thấy hai chai nước khoáng, một chai có nhãn hiệu quen thuộc với ký hiệu ™ trong khi chai kia thì không có. Bạn có xu hướng tin tưởng và chọn chai nước mà bên cạnh nhãn hiệu có ký hiệu ™ hơn đúng không? Đó chính là một trong những lợi ích ký hiệu ™ trên thực tế.
Như vậy, Ký hiệu TM ™ này sẽ chỉ được gắn trên Nhãn hiệu. Các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng ký hiệu này trên một “Nhãn hiệu” nào đó để tăng tính nhận diện thương hiệu với các bên khác và người tiêu dùng khi “Nhãn hiệu” này chưa được bảo hộ bởi Cơ quan có thẩm quyền.
>>>>>>>> Xem thêm bài viết: Nhãn hiệu có vai trò gì và có nên đăng ký bảo hộ?
Ký hiệu R (®) – Registered

Ký hiệu R ® là viết tắt của từ “Registered”, có nghĩa là “đã đăng ký” hoặc “đã được bảo hộ”. Ký hiệu này thường được sử dụng kèm với một nhãn hiệu (tên thương hiệu hoặc logo thương hiệu) để biểu thị rằng nhãn hiệu đó đã được đăng ký bảo hộ với Cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, ký hiệu này mang hàm ý là Tên thương hiệu hay logo, hình ảnh thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền cho một cá nhân, tổ chức nào đó.
Tại một số quốc gia, việc sử dụng ký hiệu ® không được quy định một cách cụ thể, thậm chí có thể sử dụng ký hiệu đó cho thương hiệu chưa được bảo hộ (Canada chính là một ví dụ điển hình).
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật tại Việt Nam, ký hiệu ® chỉ được sử dụng trên “Nhãn hiệu” khi mà “Nhãn hiệu” đó đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Nghĩa là hành vi gắn ký hiệu này trên nhãn hiệu trong khi nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ là vi phạm. Có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN)
>>>>>>>> Xem thêm bài viết: Sử dụng ký hiệu ® khi nhãn hiệu chưa cấp bằng bảo hộ có bị phạt không
Giải đáp các câu hỏi thường gặp liên quan đến ký hiệu R (®), TM (™) C (©)
Có bắt buộc phải ghi ký hiệu R (®), TM (™) C (©) trên sản phẩm không?
Việc sử dụng các ký hiệu ®, ™, hay © trên sản phẩm, không phải là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi ký hiệu này mang một ý nghĩa pháp lý riêng, đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu rõ điều này.
Việc sử dụng sai ký hiệu, ví dụ như dùng ® khi nhãn hiệu chưa được đăng ký, có thể bị coi là vi phạm pháp luật và dẫn đến các hình phạt hành chính. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy định khi sử dụng các ký hiệu này trên sản phẩm.
Cách nhận diện từng ký tự trên các sản phẩm
Để nhận biết các ký hiệu ®, ™ và © trên sản phẩm, bạn có thể dựa vào những điểm sau:
- Vị trí đặt ký hiệu: Các ký hiệu này thường được đặt gần logo hoặc hình ảnh đại diện của sản phẩm để dễ nhận thấy. Bạn hãy thử quan sát bao bì sản phẩm, sẽ dễ dàng thấy các ký hiệu này bên cạnh hoặc bên dưới logo hoặc hình ảnh.
Ví dụ: Ký hiệu ® thường nằm bên phải logo trên chai Coca-Cola, trong khi ký hiệu ™ nằm dưới logo “iPhone” trên hộp sản phẩm.
- Loại sản phẩm:
- Ký hiệu ® và ™ thường đi kèm với nhãn hiệu (thương hiệu) của sản phẩm. Ví dụ: Nike®, Adidas™, Pepsi®.
- Ký hiệu © thường đi kèm với các tác phẩm nghệ thuật như phim, sách, nhạc. Ví dụ: © [Tên tác giả] 2023 (đối với sách), © [Tên hãng phim] 2024 (đối với phim).
Như vậy, bằng cách quan sát vị trí của ký hiệu và loại sản phẩm, bạn có thể dễ dàng phân biệt giữa các ký hiệu ®, ™ và ©.
Mức phạt khi sử dụng các ký hiệu của quyền tác giả không đúng
Việc sử dụng sai các ký hiệu ®, ™ và © có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp:
- Sử dụng ký hiệu ® khi nhãn hiệu chưa được đăng ký bảo hộ: Hành vi này bị coi là chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý của nhãn hiệu, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Mức phạt tiền có thể lên đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và 40.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Sử dụng ký hiệu © cho sản phẩm không phải là tác phẩm văn học, nghệ thuật: Trường hợp này cũng bị coi là chỉ dẫn sai lệch, gây hiểu lầm về bản chất của sản phẩm. Mức phạt tương tự như trường hợp sử dụng sai ký hiệu ®.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc gỡ bỏ ký hiệu sai và cải chính công khai.
Ví dụ:
- Một công ty sản xuất giày dép sử dụng ký hiệu ® trên sản phẩm của mình trong khi nhãn hiệu đó chưa được đăng ký bảo hộ.
- Một cửa hàng bán quần áo sử dụng ký hiệu © trên nhãn mác quần áo..
Cả hai trường hợp này đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, để tránh những rắc rối pháp lý không đáng có, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và sử dụng đúng các ký hiệu ®, ™ và © trên sản phẩm của mình.
Thông qua bài viết này, Monday Vietnam muốn nhấn mạnh rằng “ký hiệu quyền tác giả” chỉ bao gồm ký hiệu ©, cùng với ý nghĩa của nó trong việc sử dụng gắn lên sản phẩm. Ngoài ra, còn có những ký hiệu như ® và ™ cũng được sử dụng trên sản phẩm tương tự như ©, nhưng mỗi ký hiệu lại mang những ý nghĩa và trường hợp sử dụng khác nhau.